Cần phải "lên tiếng là chia sẻ" - đó là suy nghĩ của chị Võ Thị Viết Kha, Bí thư Huyện Đoàn Bảo Lâm, khi nói về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em trong giai đoạn hiện nay. Và, cách đầu tiên mà Huyện Đoàn Bảo Lâm chọn để "lên tiếng" là phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức diễn đàn "Hãy lên tiếng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em" vào sáng 11/7.
Cần phải “lên tiếng là chia sẻ” - đó là suy nghĩ của chị Võ Thị Viết Kha, Bí thư Huyện Đoàn Bảo Lâm, khi nói về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em trong giai đoạn hiện nay. Và, cách đầu tiên mà Huyện Đoàn Bảo Lâm chọn để “lên tiếng” là phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức diễn đàn “Hãy lên tiếng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” vào sáng 11/7.
|
Thạc sỹ Tăng Thị Nhật Minh đặt câu hỏi về phòng chống xâm hại tình dục cho một học sinh tiểu học. Ảnh: Đ.Anh |
Cảnh báo cao độ
Dù diễn đàn được tổ chức với nhiều nội dung như phổ biến Luật Trẻ em, nghe các chuyên gia trao đổi về giáo dục giới tính và vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, lắng nghe ý kiến của các em về những vấn đề mà các em quan tâm, nhưng hào hứng nhất có lẽ là phần trao đổi giữa chuyên gia với các em về những câu chuyện xoay quanh chủ đề xâm hại tình dục trẻ em. Người dẫn dắt câu chuyện này là Ths Tăng Thị Nhật Minh, giáo viên Trường chuyên Bảo Lộc, người có nhiều kinh nghiệm về giáo dục giới tính cho trẻ. Diễn đàn thu hút được sự tham gia của 120 trẻ em là học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện Bảo Lâm. Điều đáng mừng là các em đã rất cởi mở và mạnh dạn khi chia sẻ về những vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục vốn dĩ được xem là chuyện nhạy cảm. Nhiều em học tiểu học nhưng đã biết rõ kẻ có ý đồ xấu thường dùng những chiêu thức như cho quà bánh, rủ đi chơi, cho tiền để dụ dỗ các em. Và các em cũng chọn lựa được cách phòng tránh bằng cách nói không với những trò dụ dỗ đó và khi bị đe dọa xâm hại thì sẽ la to, cầu cứu người lớn... Bạn Bảo Khánh, học sinh trung học cơ sở cho biết, em rất vui và háo hức khi được tham gia diễn đàn như thế này. Em là người rất năng nổ bày tỏ những ý kiến của mình về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Em chia sẻ: “Ngay cả bạn trai cũng cần phải được bảo vệ trước việc bị xâm hại tình dục như các bạn gái. Vì tuổi trẻ như bọn em rất dễ bị dụ dỗ bởi những người xấu và một khi đã bị xâm hại tình dục thì sẽ bị ảnh hưởng rất lớn về sau”. Rất nhiều bạn gái khác cũng đồng quan điểm này với bạn Bảo Khánh, một bạn nữ cho rằng bạn nữ cần được bảo vệ nhiều hơn nhưng cũng không thể loại trừ các bạn nam. Trong khi đó, một bạn nam khác lại khẳng định vì là nam giới nên thường mạnh mẽ, thường tự bảo vệ được mình nên không cần được bảo vệ.
Theo Thạc sỹ Nhật Minh, có những con số đáng lưu ý là 47% kẻ xâm hại tình dục trẻ em từng bị xâm hại nên bị ảnh hưởng đến tâm lý, 1% thủ phạm là nữ, 80% kẻ xâm hại nghiện rượu, ma túy, 93% kẻ xâm hại có ý thức về việc làm của mình, 90% trẻ bị xâm hại bởi người quen. Cứ 3 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại, cứ 5 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại. Thế nhưng, chỉ có 1 trong 10 bé nói ra khi bị xâm hại vì tâm lý mắc cỡ. “Từ những con số đó cho thấy cả bé gái lẫn bé trai đều có thể bị xâm hại tình dục. Khi bị xâm hại, đa phần trẻ lại không nói ra nên đây là thiệt thòi lớn cho các em. Đa phần kẻ xâm hại tình dục không có đặc điểm đặc trưng để nhận diện, họ có thể là bất kỳ ai, nên đây chính là lời cảnh báo cao độ cho các em. Như vậy, để phòng ngừa thì các em phải nhất quyết nói không với những lời dụ dỗ, nói không khi bị người khác đụng chạm vào vùng riêng tư, trừ bố mẹ hoặc bác sỹ khám bệnh có sự giám sát của bố mẹ và nên chọn cách đi khỏi, chia sẻ câu chuyện với bạn bè, người lớn” - Thạc sỹ Nhật Minh chia sẻ.
Khó cũng phải làm
Theo chị Võ Thị Viết Kha, để tổ chức được diễn đàn “Hãy lên tiếng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” thì Huyện Đoàn và các anh chị phụ trách phải tổ chức rất nhiều nội dung. Đây là hoạt động liên quan đến trẻ em, lại liên quan đến những vấn đề tế nhị, khó nói nên việc tổ chức rất khó. Tuy nhiên, khó nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm phải làm vì trên địa bàn Bảo Lâm đã từng có vài trẻ em bị xâm hại, do đó, cần phải lên tiếng để bảo vệ trẻ em là việc làm thiết thực cần làm ngay. Cái khó là khi xây dựng chương trình, chúng tôi sợ trẻ không dám chia sẻ những vấn đề của mình nên phải chọn cách phù hợp để các em thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của mình cũng như bày tỏ những mong muốn đối với vấn nạn bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, bảo vệ các em trong môi trường xã hội, môi trường mạng. Qua diễn đàn này, mong muốn của chúng tôi là trang bị những kiến thức cơ bản để các em tự bảo vệ mình. Những em tham dự diễn đàn hôm nay sẽ trở thành những nhân tố, những người bạn đồng hành của bạn mình để giúp đỡ bạn bày tỏ, nói ra những vướng mắc của bản thân.
Hiện tại, toàn huyện Bảo Lâm có hơn 20 ngàn thiếu nhi. Trong một lúc, Huyện Đoàn Bảo Lâm không thể tổ chức diễn đàn “Hãy lên tiếng” cho tất cả các em. Theo chị Kha, Huyện Đoàn vừa làm, vừa tìm biện pháp hay hơn, có sức lan tỏa mạnh hơn để triển khai về các xã, thị trấn. Còn theo anh Phan Đăng Thuật, giáo viên Tổng phụ trách Trường Tiểu học Lộc Bắc, từ diễn đàn này, những người tổng phụ trách sẽ triển khai về cho trường, phổ biến đến cho các em những nội dung mà chúng tôi đã được tiếp thu với mong muốn giúp các em nâng cao tính cảnh giác, hiểu rõ quyền của trẻ em để tự bảo vệ mình. Chị Ka Bộ, Bí thư Đoàn xã Lộc Bắc, cho biết: “Điều đáng mừng là thời gian gần đây, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn như Lộc Bắc, Lộc Bảo được quan tâm hơn từ phía các ban, ngành, đoàn thể cũng như từ phía gia đình các em. Nhờ đó, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em cũng được hạn chế rất nhiều. Trước khi có diễn đàn Hãy lên tiếng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em thì Đoàn xã và nhiều hội đoàn thể đã lồng ghép để tuyên truyền cho phụ huynh và bản thân các em về vấn đề này. Tuy nhiên, cái khó vẫn là chưa thể triển khai sâu rộng và mức độ tiếp thu của người dân còn hạn chế. Sau diễn đàn này, Đoàn xã sẽ tăng cường phổ biến quyền của trẻ em, cách thức để các em tự bảo vệ mình trước bạo lực và xâm hại tình dục”.
ĐÔNG ANH