Những âm thanh cồng chiêng ngân vang sâu lắng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió của Đội Cồng chiêng Câu lạc bộ (CLB) thanh niên Liêng S'rônh đã sống mãi cùng với đất trời và con người bản địa, từ đây góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Những âm thanh cồng chiêng ngân vang sâu lắng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió của Đội Cồng chiêng Câu lạc bộ (CLB) thanh niên Liêng S’rônh đã sống mãi cùng với đất trời và con người bản địa, từ đây góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
|
Thanh niên xã Liêng S’rônh luôn ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: H.Y |
Học để hiểu văn hóa dân tộc mình
Công cuộc phát triển kinh tế, xã hội có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa Đam Rông được khoác lên màu áo. Vì vậy, vấn đề giữ gìn văn hóa bản địa được người dân đặc biệt quan tâm. Thành viên câu lạc bộ là những bạn thanh niên, họ là những viên ngọc sáng giữ gìn “phần hồn” của dân tộc và là báu vật của cha ông để lại. Ban đầu các bạn trẻ nghe vui tai mà tìm đến, được người lớn dạy lại các động tác đánh cồng chiêng, múa, hát rồi gắn bó với CLB.
Được thành lập năm 2012, Câu lạc bộ ban đầu với 12 thành viên là các bạn thanh niên từ 17-20 tuổi, đến nay đã phát triển hơn 20 thành viên. Với đặc thù riêng ở vùng sâu, vùng xa để xây dựng những tiết mục cồng chiêng truyền cảm, hút hồn người, mỗi thành viên phải tập hát, múa và đánh cồng chiêng, đồng thời tái hiện không gian sinh hoạt của buôn làng thời xa xưa.
Bạn Kơ Sắ K’Gel, chủ nhiệm CLB Thanh niên chia sẻ, từ khi biết ý thức, tiếng cồng chiêng đã ăn sâu vào máu của mình rồi, hễ cứ nghe tiếng cồng chiêng là trong lòng lại trào dâng niềm tự hào, muốn nâng niu, gìn giữ tài sản quý báu của tổ tiên để lại. Lúc đầu mình đi theo mấy anh chị trong làng biểu diễn, mình cảm thấy rất háo hức, chỉ mong một lần được đi tham gia. Chính vì vậy, mình cứ đi theo anh chị tập luyện hoài, rồi được các nghệ nhân là những già làng truyền dạy, từ đó mọi điệu đánh cồng chiêng mình đều biết. Khi những anh chị đứng ra thành lập CLB Cồng chiêng thanh niên xã Liêng S’rônh mình đã đăng ký tham gia ngay. Sau này, khi họ lập gia đình và thôi không sinh hoạt thì mình đứng ra đảm nhận vị trí Chủ nhiệm câu lạc bộ, duy trì và phát triển nó. “Khi tham gia CLB, mình học hỏi thêm kỹ thuật đánh chiêng, hòa thanh và hòa âm sao cho nhịp nhàng” - Gel bộc bạch.
Trong những đêm giao lưu các bạn sẽ được hòa trong âm thanh rộn rã của cồng chiêng, giai điệu mượt mà của các nhạc cụ dân tộc, những bài hát của đồng bào mình bên ánh lửa bập bùng đó là hồn thiêng của núi rừng. Kơ Sá K’Xuyến (SN 1999), thành viên câu lạc bộ chia sẻ, là người khá rụt rè bởi mặc cảm đã nghỉ học, nhưng khi tham gia CLB Cồng chiêng của thanh niên xã đã giúp em tự tin có thể biểu diễn nhạc cụ riêng của dân tộc, nó giúp em có thêm động lực đầu tư nhiều thời gian tập luyện để mang đến cho mọi người những tiết mục đặc sắc mang đậm dấu ấn của người dân tộc. Em tham gia tập luyện đầy đủ các buổi và rủ thêm bạn bè cùng tham gia. Với em, không có hình thức gìn giữ nào lâu bền hơn việc tự mình trải nghiệm, phải học để hiểu văn hóa dân tộc mình.
Sân chơi cho thanh niên
Cứ vào buổi chiều tối ngày cuối tuần tại Nhà Văn hóa xã Liêng S’rônh lại vang lên âm thanh rộn rã của cồng chiêng do các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng Thanh niên xã diễn tấu.
Các thành viên trong CLB đều nhiệt tình, đam mê với cồng chiêng, có thể diễn tấu được nhiều bài chiêng truyền thống, các bài hát dân ca... Có được kết quả này, CLB đã mất không ít tâm sức để chọn lọc, tập hợp thành viên và trải qua một thời gian tập luyện kiên trì... Trước đây, cồng chiêng chủ yếu được dùng trong các ngày hội, lễ cúng... Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức các ngày này đã giảm rất nhiều, từ đó việc sử dụng cồng chiêng cũng dần bị mai một. Ban đầu để tìm được những người biết đánh thành thạo không phải dễ, bởi phần lớn các thành viên là những bạn trẻ tuổi. Bên cạnh đó, mặc cảm tự ti đã làm cho các bạn thanh niên không dám tham gia các hoạt động xã hội. Để các thành viên đánh cồng chiêng được thành thạo như hiện nay, CLB đã duy trì đều đặn các buổi tập luyện. Khi bắt tay vào luyện tập, các thành viên đều rất nhiệt tình, đoàn kết, chia sẻ những kinh nghiệm với nhau.
Dù chỉ là của thanh niên, nhưng CLB Cồng chiêng thanh niên Liêng S’rônh đã dần khẳng định được mình và liên tục được mời biểu diễn tại các sự kiện lớn, nhỏ do địa phương tổ chức, để lại ấn tượng đẹp cho người xem. Không những vậy, CLB cũng nhiều lần đại diện cho địa phương tham dự các hội thi, hội diễn do huyện tổ chức, đi giao lưu ở các tỉnh bạn như Gia Lai, Kom Tum, Đắk Lắk...
Không chỉ chú trọng việc tập luyện, biểu diễn, CLB còn quan tâm đến việc bồi dưỡng, truyền dạy đánh cồng chiêng cho những lớp thanh niên kế cận. Chị Nguyễn Thị Nhung, Phó Bí thư Huyện Đoàn Đam Rông chia sẻ, việc tập hợp, bồi dưỡng, khơi gợi niềm say mê của các bạn trẻ chơi cồng chiêng của thanh niên xã Liêng S’rônh đã thật sự mang lại hiệu quả. Sức sống mãnh liệt của bản sắc văn hóa truyền thống được các bạn thanh niên gìn giữ.
HOÀNG YÊN