Bước đi bằng đôi tay...

09:01, 22/01/2018

Vượt qua rào cản của tật nguyền, thay bằng sự tự ti thì Nguyễn Anh Hào - lớp 8A1 Trường Trung học cơ sở (THCS) Gia Hiệp, huyện Di Linh lại tự tin tham gia Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học. Giải nhì cấp huyện và giải ba cấp tỉnh là món quà đền đáp xứng đáng cho cậu học trò khuyết tật.

Vượt qua rào cản của tật nguyền, thay bằng sự tự ti thì Nguyễn Anh Hào - lớp 8A1 Trường Trung học cơ sở (THCS) Gia Hiệp, huyện Di Linh lại tự tin tham gia Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học. Giải nhì cấp huyện và giải ba cấp tỉnh là món quà đền đáp xứng đáng cho cậu học trò khuyết tật. 
 
Chống nạng lên sân khấu nhận giải 
 
Anh Hào (chống nạng) cùng bạn thân Thành Long và thầy giáo hướng dẫn thực hiện đề tài “Mái che thông minh”. Ảnh: T.H
Anh Hào (chống nạng) cùng bạn thân Thành Long và thầy giáo hướng dẫn thực hiện đề tài “Mái che thông minh”. Ảnh: T.H
Tại buổi tổng kết Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng do Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức đầu tháng 1 vừa qua, nhiều người từ ngạc nhiên đến khâm phục một cậu học trò nhỏ bé hai tay chống nạng bước lên sân khấu nhận giải. Mặc dù có bố đi bên cạnh hỗ trợ, nhưng cậu học trò với khuôn mặt đầy nghị lực vẫn lần từng bước theo bậc thang trước sự lo lắng vấp ngã của những người có mặt trong hội trường. Trên sân khấu trao giải, Nguyễn Anh Hào lọt thỏm giữa các bạn xung quanh nhưng lại như nổi bật nhất bởi sự ngưỡng mộ của nhiều người. Cho đến khi Anh Hào trở lại chỗ ngồi, nhiều cái thở phào nhẹ nhõm và ánh mắt trìu mến hướng về phía em. 
 
Anh Nguyễn Đình Nhạn - bố Anh Hào cho hay: Ngay từ khi lọt lòng, Hào đã mắc căn bệnh loạn sản sụn khiến em bị khuyết tật các chi. Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, hai vợ chồng anh Nhạn từ Hà Tĩnh vào Di Linh lập nghiệp và đều là giáo viên tiểu học, nhưng thương con, cứ mỗi mùa hè anh chị lại chạy vạy vay mượn để đưa Anh Hào đi khắp nơi chữa bệnh. Tuy nhiên, các bác sĩ đều kết luận đây là căn bệnh hiếm gặp trên thế giới, đến nay vẫn chưa có cách chữa khiến Anh Hào phải chấp nhận sống trong cảnh tật nguyền. Từ đó, hai tay Anh Hào chống nạng để đi lại thay cho đôi chân. 
 
Không cam chịu tàn tật, Anh Hào luôn tìm tòi, học hỏi và khám phá sự vật xung quanh. Bố mẹ em cũng vì vậy mà dành nhiều thời gian cùng em tìm hiểu và dạy em học. Bố Hào cho biết, năm lên 5 tuổi, em đã biết đọc một số câu đơn giản, biết đếm số và đọc một số từ tiếng Anh. Tuy chân tay yếu không thể đứng vững cũng như cầm nắm đồ vật nhưng Anh Hào rất ham học. Vì vậy, trong suốt những năm Tiểu học rồi đến THCS, bố mẹ Anh Hào thay nhau đưa con đến trường để thỏa niềm ham học của em. Và những thành tích xuất sắc trong học tập của Anh Hào đã mang lại động lực cũng như niềm tin cho gia đình em về đứa con “tàn nhưng không phế”. Từ năm học lớp 1 đến nay lớp 8, Anh Hào luôn đạt học sinh giỏi. Ngoài ra, em còn tham gia và đạt nhiều thành tích khi thi cờ vua, giải Toán, tiếng Anh trên Internet... Đặc biệt, năm học lớp 8 này, Anh Hào được chọn trong tốp đầu của đội tuyển bồi dưỡng học sinh dự nguồn Trường THCS Gia Hiệp môn Tin học.
 
“Tuy là học sinh khuyết tật, nhưng Anh Hào rất năng nổ, hầu như em tham gia tất cả các phong trào trong khả năng của mình. Em tự tin hòa đồng cùng các bạn xung quanh. Những thành tích trong học tập, trong phong trào của em chính là tấm gương đầy nghị lực cho các bạn noi theo”, thầy Trần Đình Hoàng – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Gia Hiệp cho biết. 
 
Say mê nghiên cứu khoa học
 
Thích mày mò, nghiên cứu và khám phá sự vật xung quanh nên Anh Hào luôn tìm hiểu các loại máy móc hiện đại trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên máy tính, điện thoại… Một buổi chiều, khi đang ở nhà một mình bỗng cơn mưa bất ngờ ập đến, Hào chống nạng cố gắng kéo tấm bạt lại để che phủ cà phê đang phơi trước sân thì bị ngã. Sau lần đó, ý tưởng về mái che thông minh dùng cảm biến tự động điều khiển bằng điện thoại thông minh đã hình thành trong tâm trí Anh Hào. 
 
Khi tâm sự với người bạn thân học cùng lớp Nguyễn Thành Long và nhận được sự hợp tác nhiệt tình, Hào bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Dưới sự hướng dẫn về kiến thức của thầy giáo dạy Toán Phạm Văn Tĩnh và sự ủng hộ, giúp đỡ của bố mẹ trong khâu lắp ráp phần khung, sản phẩm “Mái che thông minh” của Anh Hào và Thành Long ra đời. Khi tham gia Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học huyện Di Linh, đề tài của Hào và Long đoạt giải nhì và được chọn dự thi cấp tỉnh. Bằng sự tự tin trả lời lưu loát thuyết phục Ban giám khảo cũng như tính ứng dụng cao, đề tài “Mái che thông minh” đã được trao giải ba cuộc thi cấp tỉnh. “Ước mơ của em là sản phẩm được ứng dụng vào thực tế cuộc sống, từ đó giúp ích cho những người khuyết tật như em. Em mong muốn được học tập, nghiên cứu để sau này trở thành một kỹ thuật viên lập trình làm ra nhiều sản phẩm để có thể tự nuôi sống bản thân và giúp ích cho xã hội”, Anh Hào chia sẻ. 
 
Thành tích của Anh Hào và Thành Long là niềm vui, niềm tự hào của gia đình, của thầy cô, bạn bè trong trường và ngành Giáo dục Di Linh. Thầy Nguyễn Phước Bảo Cường - Phó Trưởng phòng Phòng GDĐT huyện Di Linh cho biết: “Công tác NCKH luôn được ngành Giáo dục Di Linh quan tâm, bởi đây là giải pháp tốt nhất để tiếp cận chương trình đổi mới sách giáo khoa. Năm nào Di Linh cũng có 40 - 60 đề tài tham gia cuộc thi cấp huyện, trong đó, 2 - 3 đề tài vào vòng tỉnh. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Di Linh có học sinh khuyết tật dự thi KHKT và đoạt giải. Anh Hào là tấm gương đầy nghị lực trong học tập và say mê nghiên cứu khoa học. Thời gian tới, Phòng GDĐT Di Linh sẽ tổ chức buổi nói chuyện giữa em Anh Hào với học sinh các trường trong huyện về việc NCKH của em để ‘truyền lửa” say mê NCKH cho học sinh trên địa bàn”.
 
TUẤN HƯƠNG