"Niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với tôi chính là được làm việc đúng chuyên môn, được giới thiệu với du khách gần xa về văn hóa dân tộc gốc Tây Nguyên".
“Niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với tôi chính là được làm việc đúng chuyên môn, được giới thiệu với du khách gần xa về văn hóa dân tộc gốc Tây Nguyên”. Đó là chia sẻ của cô Rơ Ông Ben Lenny (35 tuổi) - nữ thạc sỹ đầu tiên của làng Bon Dơng (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương).
|
Rơ Ông Ben Lenny (mặc áo dài) hướng dẫn cho du khách về văn hóa dân tộc tại Bảo tàng Lâm Đồng. Ảnh: H.Y |
Thạc sĩ đầu tiên của buôn làng
Lenny là cô gái K’Ho đầu tiên của làng Bon Dơng có bằng thạc sĩ. Để có được thành quả ấy, Lenny đã phải nỗ lực rất nhiều, bởi cuộc sống của người đồng bào dân tộc nơi cô sinh ra còn nhiều khốn khó. Chính vì vậy, con đường học tập của cô vì thế cũng gập ghềnh hơn. Theo lời của Lenny, thuở nhỏ, đi học rất vất vả, trường xa, đường đi lại khó khăn nên đến trường là cả một vấn đề. Bố mẹ chỉ quan tâm làm sao lo được cái ăn cho con cái, còn mối chăm lo đến học hành của con cái thì dường như là điều xa xỉ. Như bao gia đình khác tại đây, gia đình của Lenny cũng quanh năm tất bật với nương rẫy. Lenny cũng không nằm ngoài lệ khi phải phụ giúp bố mẹ làm công việc nhà, việc nương rẫy, nhưng không vì thế mà tính ham học của Lenny bị ảnh hưởng. Cô ham học từ nhỏ, bất kể ngày nắng hay mưa, Lenny luôn chăm chỉ đến trường với mong muốn sau này có thể giúp đỡ cho bố mẹ và mọi người trong gia đình.
Ngay từ khi còn nhỏ, nhìn thấy mọi người trong làng đánh cồng chiêng, nhảy múa, thấy cha ngồi đan lát, mẹ nấu rượu cần, Lenny đã rất thích thú và hay tìm hiểu về văn hóa các dân tộc. Ước mơ càng được chắp cánh bay cao khi cô thi đỗ chuyên ngành Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt. Cũng từ đây, niềm đam mê nghiên cứu văn hóa các dân tộc như đã thấm vào máu của Lenny. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2007, Lenny xin vào làm việc tại Bảo tàng Lâm Đồng. Từ đó, cô có điều kiện để cháy hết mình với niềm đam mê để chuyển tải nét đẹp văn hóa của dân tộc đến với du khách gần xa. Không dừng lại ở đó, để có thêm kiến thức, làm tốt hơn công việc mình đã chọn, Lenny đã quyết định thi học lấy bằng Thạc sĩ Lịch sử Việt Nam chuyên sâu về văn hóa các dân tộc tại Trường Đại học Đà Lạt. Để trau dồi kiến thức về văn hóa bản địa, ngoài sách vở, Lenny tìm gặp các đồng nghiệp, các cán bộ huyện, xã là người dân tộc thiểu số để tìm hiểu nhiều vấn đề xung quanh văn hóa người đồng bào dân tộc ở Lâm Đồng. Những ngày nghỉ hay lễ tết, Lenny lại tìm về các thôn, buôn để tìm hiểu, trải nghiệm và nghiên cứu đời sống văn hóa của cư dân các địa phương. Trong những chuyến đi đó, Lenny đã thu thập, ghi chép và viết nhiều bài báo, bài nghiên cứu về văn hóa của bà con các dân tộc ở Nam Tây Nguyên. Những kiến thức ấy đã bổ trợ đắc lực cho công việc hiện tại của cô.
“Cháy” niềm đam mê
Để giúp du khách cảm thụ đầy đủ giá trị các di sản văn hóa, thuyết minh viên Lenny chính là người hướng dẫn, giải thích, tạo sự liên kết giữa những hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng với những thông tin bổ ích ẩn chứa trong đó. Mỗi hình ảnh, hiện vật trưng bày càng thêm sống động, những câu chuyện về văn hóa, lịch sử càng trở nên gần gũi hơn với từng du khách qua lời trình bày của Lenny. Tùy theo từng khách tham quan mà Lenny chủ động điều tiết thông tin, thể hiện cảm xúc phù hợp với từng nội dung trưng bày cố định và trưng bày chuyên đề, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan tìm hiểu nội dung, hiện vật trưng bày. Đặc biệt, với du khách nước ngoài, họ thường hay thắc mắc khá nhiều, ngoài vốn hiểu biết về văn hóa, Lenny đã phải không ngừng trau dồi tiếng Anh để có thể thuyết minh một cách dễ hiểu nhất cho họ. Có những lúc họ muốn tìm hiểu sâu hơn, Lenny thường giới thiệu họ về với buôn làng của mình, nơi đó họ được tận mắt thấy, tận tay sờ, được trải nghiệm nét văn hóa bản địa một cách chân thật nhất. Đây cũng là cách Lenny góp phần phát triển du lịch của địa phương; đồng thời, gìn giữ văn hóa bản địa.
Lenny chia sẻ: “Là người dân bản địa, mình biết rõ nét hấp dẫn trong đời sống văn hóa, sinh hoạt của đồng bào mình. Cuộc sống thay đổi, bà con dần bắt nhịp với cuộc sống hiện đại và dần quên đi những bản sắc văn hóa như trang phục truyền thống, những bộ chiêng, cái ché... Chính vì vậy, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm bảo tồn cả không gian văn hóa đặc sắc ấy, giữ lại thói quen sinh hoạt của người K’Ho tồn tại từ bao đời nay...”. Ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng chia sẻ: Lenny là một thuyết minh viên có tinh thần trách nhiệm, được đào tạo bài bản và hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa của địa phương. Trong lúc làm việc, Lenny có phong cách chuyên nghiệp, khả năng hướng dẫn tốt bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Đặc biệt, Lenny rất ham học hỏi, luôn tự nâng cao trình độ chuyên môn thông qua việc học, việc nghiên cứu thực tế. Vừa qua, Lenny là một trong những người đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu đại diện Lâm Đồng được tuyên dương là người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu toàn quốc lần thứ nhất năm 2017.
HOÀNG YÊN