Ở lại quê nhà quyết tâm làm giàu

09:03, 15/03/2018

Không như bạn bè đồng trang lứa, Nguyễn Ðình Ðức (Thôn 3, xã Mađaguôi, huyện Ðạ Huoai) lựa chọn phương án ở lại quê nhà, phát triển kinh tế. Kiên trì vượt qua nhiều thất bại, chàng trai trẻ đã bắt đầu hái về cho mình quả ngọt.

Không như bạn bè đồng trang lứa, Nguyễn Ðình Ðức (Thôn 3, xã Mađaguôi, huyện Ðạ Huoai) lựa chọn phương án ở lại quê nhà, phát triển kinh tế. Kiên trì vượt qua nhiều thất bại, chàng trai trẻ đã bắt đầu hái về cho mình quả ngọt.
 
Đức đã mạnh dạn thử nghiệm và thành công với cây dâu, con tằm. Ảnh: H.T
Đức đã mạnh dạn thử nghiệm và thành công với cây dâu, con tằm. Ảnh: H.T

Gặp Nguyễn Đình Đức khi đang ở ngoài đồng cắt lá dâu chuẩn bị cho lứa tằm mới, chàng trai sinh năm 1991 dường như có vẻ ngoài già dặn hơn so với tuổi. Đức cười bảo rằng đó là do đã được tôi luyện qua môi trường quân ngũ, cộng với sương gió đã “phủ” đời chàng thanh niên ở xã Mađaguôi.
 
Tốt nghiệp THPT, Đức không lựa chọn thi đại học mà quyết định đi học Trung cấp thú y vốn đã yêu thích từ lâu. Tiếp đó, Đức tham gia đợt nghĩa vụ quân sự trong thời gian 2 năm. Với kiến thức có được, bên cạnh lịch huấn luyện của đơn vị, Đức kiêm luôn vị trí quản lý chăn nuôi. Từ thực tế tích cóp kinh nghiệm, trở về nhà, Đức quyết tâm đặt mục tiêu làm giàu trên mảnh đất quê hương.
 
Đầu tiên, Đức chọn nuôi gà thịt. Mọi khâu từ xây dựng chuồng trại, thức ăn, con giống... được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, vừa mới khởi đầu, chàng trai 9X đã chịu thất bại cay đắng. Dịch bệnh xảy ra, trong số 1.000 con gà đang nuôi thì có đến hơn 200 con phát bệnh và chết. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, chữa trị kịp thời để cứu đàn thì đến lúc xuất chuồng, giá gà thương phẩm trên thị trường lại quá thấp. “Tính tiền vốn, thức ăn, thuốc men… thì bán xong coi như lỗ”, Đức kể.
 
Không nản chí, Đức tiếp tục nuôi 100 cặp bồ câu nhưng vì nuôi quy mô nhỏ nên không tìm được đầu ra ổn định. “Của đau con xót, không khí gia đình khi ấy căng thẳng vì bao nhiêu vốn liếng gia đình cùng với số tiền đi vay của người thân đổ dồn hết vào đó. Nhưng thấy con chịu khó ở nhà tìm cách phát triển kinh tế, cả nhà bảo nhau phải cùng cố gắng”, bà Dương Thị Lý, mẹ Đức nhớ lại. 
 
Thời điểm đó ở xã Mađaguôi, người dân vẫn chủ yếu canh tác lúa nước. Khi nhiều hộ dân ở Mađaguôi bắt đầu thử nghiệm với cây dâu tằm, một lần nữa, Đức đánh bạo thử vận may của mình. 
 
Hợp thổ nhưỡng và thời tiết, chỉ trong thời gian ngắn, vườn dâu xanh mướt ngút ngàn, nổi bật cả một vùng. Tuy nhiên, số phận lại tiếp tục đùa giỡn với chàng trai trẻ khi cây dâu đang tươi tốt thì bất ngờ héo úa, chết dần. Dù hoang mang nhưng Đức cũng rất tỉnh táo để đi tìm hiểu lý do. Xác định nguyên nhân là do đất nhiễm phèn nhiều, Đức mất hơn 1 năm để cải tạo bằng nhiều cách như bón vôi, rửa đất… Đức tiến hành đào mương, mở hệ thống thoát nước và lắp đặt hệ thống tưới tự động. Cộng thêm chi phí cải tạo đất, mua giống, mua tằm…, số vốn đầu tư lên đến gần 200 triệu. Đức đã thành công khi “trời không phụ lòng người”. Hiện nay Đức có 1,5 ha đất trồng dâu và đang nuôi 2,5 hộp kén tằm/ lứa. Với chu kỳ khoảng 20 ngày/lứa, mỗi tháng Đức và gia đình thu được khoảng 2 tạ kén. Giá kén cao ổn định như hiện nay, mỗi tháng từ trồng dâu nuôi tằm, Đức thu về trên dưới 30 triệu đồng. 
 
Tuy vậy, Đức vẫn giữ nghề chính của mình là bác sĩ thú y. Đức cũng vừa hoàn thành chương trình vừa học vừa làm ngành Thú y của Trường Đại học Tây Nguyên. Dẫu bận rộn việc học và phát triển kinh tế gia đình, Đức vẫn là một Phó Bí thư Đoàn xã năng nổ, nhiệt huyết. Anh Trịnh Thế Lực, Bí thư Đoàn xã Mađaguôi nói rằng ở địa phương, hiếm có thanh niên nào năng động và cần mẫn như Đức. “Ở đây, cứ 10 thanh niên thì hết 6, 7 người chọn thành phố lớn làm nơi lập nghiệp. Địa phương chưa có nhiều công ty, doanh nghiệp để các bạn sau khi đi học về phát huy năng lực chuyên môn. Hiện chỉ một số ít thanh niên chịu ở lại cùng gia đình phát triển kinh tế” - anh Lực cho hay. 
 
Thành công mà chàng trai 9X có được sau những ngày tháng gian nan trở thành động lực cho nhiều thanh niên trong xã cùng làm theo. Đức còn dự định tìm thêm nguồn vay vốn, mở rộng hoạt động, tiến hành thu mua kén của các hộ khác trong xã để không còn phải đối mặt với tình trạng ép giá của thương lái. “Đức là thanh niên tiên phong trong việc triển khai một mô hình mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi đã bàn với nhau trong thời gian tới, Đức cùng anh em sẽ hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên DTTS, vì quỹ đất ở địa phương còn trống khá nhiều, hiệu quả lại cao hơn nhiều so với trồng lúa”, Bí thư Đoàn xã cho biết thêm.
 
HỒNG THẮM