Bí thư Đoàn đa năng

09:03, 29/03/2018

Trưa. Cái nắng như thiêu đốt làm bốc hơi những giọt mồ hôi chưa kịp lau khô trên khuôn mặt của chàng thanh niên Rơ Ông Ha Xuyên. Thế nhưng, Ha Xuyên vẫn cứ đi, đi để được gặp những trai, gái đôi mươi của núi rừng, gặp những bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã trở nên thân thuộc với chàng...

Trưa. Cái nắng như thiêu đốt làm bốc hơi những giọt mồ hôi chưa kịp lau khô trên khuôn mặt của chàng thanh niên Rơ Ông Ha Xuyên. Thế nhưng, Ha Xuyên vẫn cứ đi, đi để được gặp những trai, gái đôi mươi của núi rừng, gặp những bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã trở nên thân thuộc với chàng...
 
Mô hình vườn rau thanh niên do Rơ Ông Ha Xuyên xây dựng đã được nhiều thanh niên địa phương học hỏi. Ảnh: Đ.T
Mô hình vườn rau thanh niên do Rơ Ông Ha Xuyên xây dựng đã được nhiều thanh niên địa phương học hỏi. Ảnh: Đ.T
Con đường từ trung tâm huyện Đam Rông đi đến xã Liêng SRônh chẳng dễ chịu gì khi cái nắng nóng táp liên hồi vào mặt. Hiện, Rơ Ông Ha Xuyên là Bí thư Đoàn xã Liêng SRônh đảm nhận công tác thanh niên nhưng trước đây anh là cán bộ văn hóa của xã. Chính vì vậy, mọi công tác anh đều sâu sát với bà con, nắm và hiểu rất rõ về tình hình của địa phương cũng như người dân. Bước đầu, khi đảm nhận công tác thanh niên, Rơ Ông Ha Xuyên đã căn cứ vào tình hình của địa phương và nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ thanh niên có nghị lực và sức khỏe, để triển khai các công việc. Anh Rơ Ông Ha Xuyên chia sẻ: Liêng Srônh còn nghèo, đời sống của người dân đa phần còn khó khăn. Thế mà, đến cọng rau cũng phải đi mua thì làm sao cải thiện được đời sống. Nếu nhà nào cũng có một khoảng vườn trồng rau, nuôi gà thì có thể dành dụm được một khoảng tiền cho sinh hoạt khác. Nói là làm, anh tận dụng khoảng vườn của mình để trồng các loại rau theo kiểu gối đầu. Hái xong luống này thì luống khác cũng vừa lên, cứ thế gia đình nhỏ của anh không bao giờ thiếu rau xanh. Hơn nữa, rau do chính tay mình trồng ra thì lại đảm bảo an toàn. Mình làm được rồi thì giới thiệu mô hình cho các thanh niên khác trong thôn buôn, trong toàn xã cùng làm. Với điều kiện tự nhiên của Liêng SRônh là nắng nóng, khô hạn nên tiết kiệm nguồn nước tưới và tận dụng từ nguồn nước sinh hoạt là điều mà Rơ Ông Ha Xuyên áp dụng rồi giới thiệu cho mọi người. “Toàn xã có đến 290 thanh niên. Nếu mỗi người tranh thủ độ 10 phút buổi chiều để trồng rau thì hiệu quả cao lắm. Nếu không, thanh niên cứ tụ tập nhau lại, nhậu nhẹt, rượu chè thì xảy ra nhiều chuyện, vừa tốn thời gian, tiền bạc, đôi khi lại gây gổ đánh nhau mất tình làng nghĩa xóm nữa” - Rơ Ông Ha Xuyên cho biết.
 
Không chỉ giúp người dân địa phương cải thiện đời sống bằng những luống rau xanh, Rơ Ông Ha Xuyên còn là một cây văn nghệ năng nổ của xã. Từng học Khoa Địa - Sử của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt nên anh đã biết lồng ghép những kiến thức địa lý, lịch sử vào những tiết mục văn nghệ do Đoàn xã dàn dựng. đặc biệt, trong Lễ giao nhận quân năm 2018 để đưa tiễn những thanh niên ưu tú của địa phương Đam Rông lên đường nhập ngũ, anh là “hoa tiêu”, “chủ công” trong việc động viên, cổ vũ thanh niên địa phương dựng trại, tập duyệt văn nghệ, động viên thân nhân các tân binh. Ngoài tham gia công tác xã hội, Rơ Ông Ha Xuyên còn là một tấm gương tiêu biểu trong việc thanh niên của địa phương nhận giao khoán quản lý và bảo vệ rừng. Có một gia đình nhỏ, nguồn thu nhập từ công việc này cũng giúp cải thiện một phần cuộc sống của gia đình anh nhưng hơn hết đó là tình yêu với núi rừng Liêng SRônh. Đã có nhiều trường hợp thanh niên của xã nhận giao khoán bảo vệ rừng nhưng bị cắt hợp đồng do không làm tốt công tác tuần tra, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy. Trước tình hình đó, Rơ Ông Ha Xuyên lại làm công tác vận động, giải thích cho thanh niên địa phương có hợp đồng nhận giao khoán, bảo vệ rừng. Gia đình chị Rơ Ông Ka Nương (26 tuổi, ngụ tại thôn 1, xã Liêng SRônh) nhận khoảng 13 ha rừng, mỗi năm chị nhận được khoảng 6 đến 8 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy số tiền không lớn nhưng đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp cải thiện một phần cuộc sống. Đây là một trong những gia đình mà Ha Xuyên thường xuyên lui tới để trao đổi, động viên họ giữ đất, giữ rừng cho thật tốt.
 
Chia tay Rơ Ông Ha Xuyên, anh tranh thủ buổi trưa để làm lại hàng rào khu vườn rau của mình. Anh không dùng lưới B40 mà tận dụng tre nứa có sẵn ở địa phương để làm. Làm trước rồi vận động các thanh niên, người dân địa phương làm theo là cách mà Ha Xuyên đang thực hiện. Nói như Rơ Ông Ha Xuyên thì không phải cứ vác tiền ra chợ là giải quyết được mọi việc mà phải biết tận dụng những những thứ có sẵn để phục vụ trồng trọt, sản xuất. Có như vậy thì đời sống của bà con mới được cải thiện và ngày càng khấm khá.
 
ĐỨC TÚ