Chuyện của Thông

09:03, 01/03/2018

Chuyện về một họa sỹ trẻ đã lựa chọn nhiều ngã rẽ trong cuộc đời mình mà nhiều người cho là phiêu lưu, đáng tiếc. Nhưng đối với anh, đó là cách để được sống đúng với đam mê, sở thích và được thử sức năng lực tuổi thanh xuân của mình.

Chuyện về một họa sỹ trẻ đã lựa chọn nhiều ngã rẽ trong cuộc đời mình mà nhiều người cho là phiêu lưu, đáng tiếc. Nhưng đối với anh, đó là cách để được sống đúng với đam mê, sở thích và được thử sức năng lực tuổi thanh xuân của mình.
 
Họa sỹ Thế Thông tại Triển lãm “Phố bên đồi - Hồi ức trắng đen”. Ảnh: N.N
Họa sỹ Thế Thông tại Triển lãm “Phố bên đồi - Hồi ức trắng đen”. Ảnh: N.N
Công việc ở Sài Gòn tuy mang lại thu nhập chính nhưng đã chiếm hết thời gian của một người trẻ. “Sẽ thật khó để kiếm một nơi nào đó yên lành tràn trề cảm hứng sáng tác giữa Sài Gòn nhộn nhịp”. Đó là lý do Thế Thông chọn Đà Lạt và gắn bó với vùng đất này từ 5 năm về trước. Ngày bé, Thông được ba mẹ dẫn lên Đà Lạt chơi để rồi trong tâm hồn trẻ thơ mãi ghi nhớ về một vùng đất lành lạnh với nhiều loại hoa. Năm thứ nhất sinh viên, Thế Thông trở lại Đà Lạt ở một tháng để làm bài thực tế với chủ đề “vườn hồng”. Thông sống nhờ ở nhà một người dân dưới một con dốc cao để ký họa hàng trăm bức tranh về hồng - loại quả đặc trưng của phố núi. Lần này, Đà Lạt ghi dấu sâu đậm hơn để rồi Thông chọn nơi đây để sống như là ngã rẽ thứ hai của mình. Gọi đó là ngã rẽ thứ hai, bởi trước đó vài năm Thế Thông đã quyết định thi vào Trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh khi đang học dở dang một ngành ở một trường “hot” thời điểm đó. “Rất khó khăn khi lựa chọn thay đổi, nhưng thay đổi để được làm điều mình thích thì mình sẵn sàng và phải cố gắng, cố gắng rất nhiều” - Thông nói. Nhưng, có lẽ ngã rẽ đó là đúng khi Thông học tập bằng cả đam mê, trở thành một trong 4 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của khoa, được đề xuất học tiếp thạc sỹ ngay nhưng Thông từ chối. Bằng cấp chỉ là điều kiện cần, nhưng năng lực mới là điều kiện đủ để Thế Thông được nhận vào làm việc cho một công ty Singapore ở Việt Nam. Cũng với sự cống hiến bằng năng lực, nỗ lực và trách nhiệm, Thế Thông được công ty ghi nhận và đề nghị đi du học ở Singapore sau đó về làm việc cho công ty ít nhất trong vòng 15 năm. Tuy nhiên, một lần nữa Thế Thông từ chối. 
 
Họa sĩ Thế Thông sinh năm 1989 tại Sài Gòn, lớn lên ở Bình Thuận, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 2012. Thế Thông từng triển lãm tranh “Mỹ thuật trẻ” cùng các họa sĩ khác. Năm 2014 - 2015 làm chủ nhiệm dự án Hội Họa Ước Mơ (Library of Dream) cho trẻ em câm điếc tại Đà Lạt và triển lãm nhóm “Phố bên đồi lần I” năm 2016. Năm 2017, Thế Thông tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Phố bên đồi - Hồi ức trắng đen”. Thế Thông hiện sống ở Đà Lạt, dạy vẽ và làm họa sỹ tự do.

Sau 5 năm, “Sài Gòn mang lại nhiều cơ hội và thu nhập, nhưng lựa chọn gắn bó với Đà Lạt đã cho mình nhiều hơn thế” - Thông chia sẻ. Đó là hai năm gắn bó với những đứa trẻ khiếm thính, giúp các em có ước mơ và nụ cười thông qua màu sắc và nét vẽ. Đà Lạt cho Thông nhiều cảm xúc trong hội họa, nhiều tình người đẹp đẽ để sau 5 năm Thế Thông đã sáng tác về vùng đất này và cho chính mình một bộ tranh gồm 17 bức trắng đen giới thiệu tại Triển lãm “Phố bên đồi - Hồi ức trắng đen”. Bộ ảnh trắng đen là một dấu ấn của Thế Thông. Nếu như trước đây người ta biết đến Thế Thông với những nét vẽ gần gũi với thiên nhiên, với trẻ thơ thì nay, bộ ảnh trắng đen như một sự trưởng thành, một cách nhìn phù hợp với thực tại của cuộc sống. Đặc biệt, đó cũng là bộ ảnh mà vị trí của chàng họa sỹ trẻ được tô đậm hơn trong làng hội họa. Trong 5 năm ấy, cũng có không ít cơ hội, nhiều lời đề nghị hấp dẫn đến với Thông nhưng nghĩ suy rồi cũng từ chối đơn giản để thanh xuân được sống với chính mình. Và hiện tại, Thế Thông vẫn gắn bó với Đà Lạt, vẫn vẽ và dạy vẽ.

 
“Thông muốn dạy các em theo cách mà mình đã làm ngày xưa, nghĩa là đưa những nét vẽ hướng về thiên nhiên, hướng về những điều gần gũi xung quanh khi mà cuộc sống trẻ em thành phố bị chi phối bởi quá nhiều thiết bị điện tử nên các em không thể hiện được” - Thông chia sẻ. Một bà mẹ trẻ, sau khi nhìn bức tranh con mình vẽ lại kỷ niệm khi hai mẹ con đánh đàn trên một sân khấu đã nói với thầy dạy vẽ của con mình rằng: Cám ơn thầy Thế Thông đã dìu dắt cháu từng bước hoàn thiện trong từng nét vẽ. Ngày nào cháu đi học về, mẹ và bố đều rất ngạc nhiên và hạnh phúc, tự hào vô cùng và nhận biết công sức của thầy phải nhiều lắm lắm! Hôm nay cháu đã vẽ một kỉ niệm tuyệt vời của hai mẹ con...
 
Thế Thông khác nhiều so với bạn bè cùng trang lứa, không học lên thạc sỹ, đi du học hay làm cho các công ty nước ngoài với mức thu nhập cao. Thuê một căn phòng để ở, một căn nhà nhỏ kế bên làm xưởng vẽ và dạy vẽ. Theo cách mà người ta đang nhắc nhiều là công nghệ 4.0, Thông vẫn hoàn thành tốt việc phụ trách hình ảnh cho nhiều công ty ở Sài Gòn. Với Thế Thông, khi chứng minh được năng lực thì có lẽ việc sống ở đâu đã không còn quan trọng bằng hiệu quả công việc như thế nào. Trong suy nghĩ của Thông, việc đi đúng với đam mê và không ngại thay đổi là điều đáng khuyến khích nhưng chắc chắn nó phải dựa trên nền tảng là năng lực và sự cố gắng. Với Thông, có cơ hội thì nên thử sức với đam mê nhưng phải giới hạn cho mình một khoảng thời gian và trong mức độ cho phép.
 
NGỌC NGÀ