Tôi lần đầu tiên gặp Nguyễn Tường Luân, tên thường gọi là Toni, tay guitar cổ điển hiếm hoi của thị trấn miền cao Di Linh, tại đêm văn nghệ gây quỹ từ thiện, giúp đỡ những học sinh dân tộc thiểu số nghèo do nhóm Những Người Bạn, một nhóm thiện nguyện trên địa bàn huyện Di Linh, tổ chức.
Tôi lần đầu tiên gặp Nguyễn Tường Luân, tên thường gọi là Toni, tay guitar cổ điển hiếm hoi của thị trấn miền cao Di Linh, tại đêm văn nghệ gây quỹ từ thiện, giúp đỡ những học sinh dân tộc thiểu số nghèo do nhóm Những Người Bạn, một nhóm thiện nguyện trên địa bàn huyện Di Linh, tổ chức. Mới đầu, tôi ngỡ Toni là thợ làm đàn guitar. Chỉ khi anh lả lướt những ngón tay thuôn dài trên phím đàn và những giai điệu lịm ngọt trong bản Romance ngân lên, tôi mới biết là mình nhầm.
|
Toni trong một chương trình biểu diễn guitar cổ điển. Ảnh: T.Chu |
Sau lần gặp ấy, tôi chủ động liên lạc với Toni, mục đích là để nghe lại những âm thanh run lẩy bẩy khi những ngón tay ma mị của chàng trai sinh năm 1971 này lướt trên những sợi dây đàn. “Từ những ngày còn bé tẹo, tôi đã say mê tiếng guitar. Bố tôi cũng rất mê âm nhạc. Bản thân ông là người chơi đàn guitar khá diệu nghệ. Bố tôi chính là người phát hiện khả năng âm nhạc ở tôi và tận tình dìu dắt tôi đi những bước đầu tiên với guitar cổ điển”, Toni chia sẻ.
Chí thú học và chơi guitar cùng bố cho tới năm 14 tuổi, anh tình cờ gặp thầy giáo Nguyễn Văn Chức mới từ Đà Lạt xuống Di Linh dạy học. Mê tiếng đàn của thầy giáo Chức, Toni xin ngay làm môn đệ, tiếp tục thụ giáo cả lý thuyết lẫn thực hành... Năm 1992, anh chuyển xuống TP Hồ Chí Minh, theo học rồi làm nghề sửa chữa điện tử. Năm 1997, Toni trở về quê nhà và thi đỗ vào Khoa Vật lý Trường Đại học Đà Lạt. Tốt nghiệp đại học, anh lại một lần nữa xuống TP Hồ Chí Minh. Năm 2005, Toni quay trở về Di Linh, sống bằng nghề sửa chữa máy tính và mở lớp dạy guitar. Tỉ tê dông dài một tí như vậy để thấy rằng, giữa bao bộn bề lo toan, chạy ngược chạy xuôi kiếm sống, anh vẫn không quên được những ngón nghề guitar đã học. Càng gắn bó với guitar, Toni càng muốn có thêm nhiều người cùng mình phổ biến nhạc cụ này. Thế là, năm 2017, Trung tâm Âm nhạc Song Nguyễn ra đời tại thị trấn Di Linh và đã có khá đông người tới học guitar cùng anh. Từ ngày Trung tâm Âm nhạc Song Nguyễn đi vào hoạt động, đời sống âm nhạc ở thị trấn miền núi này rộn ràng thêm tí.
Tuy không phải là người được đào tạo bài bản, nhưng bằng những trải nghiệm thực tế, Toni đã biết cách khai thác những thủ pháp kỹ thuật phù hợp, dễ hiểu và dễ tiếp thu đối với người học. Nhờ vậy, Trung tâm Âm nhạc Song Nguyễn ngày càng có nhiều người biết và tìm đến để học guitar. Tâm, một học viên của Trung tâm Âm nhạc Song Nguyễn, cho hay: “Mặc dù mới theo Toni học guitar cổ điển được mấy tuần nhưng tôi thấy cách dạy của anh rất dễ tiếp thu”. Tương tự, Phụng, một học viên khác của Trung tâm Âm nhạc Song Nguyễn, nhận xét: “Nghe tiếng thầy Toni chơi guitar cổ điển hay đã lâu nên tôi tìm đến đây để học guitar. Tôi hy vọng sau này mình cũng có thể chơi được guitar hay như thầy”.
Ngoài mở lớp dạy guitar cổ điển, Toni còn ôm đàn guitar góp mặt trong rất nhiều sự kiện văn hóa văn nghệ ở địa phương. Do đó, tiếng đàn guitar của anh cũng vì thế mà được dịp ngân sâu khắp những con phố nhỏ. Những ngón đàn thuần thục, nhuần nhị đến độ phóng túng cao, Toni làm chủ cây đàn khiến người nghe không thể không chú ý bởi sự biểu cảm tinh tế đến mức mê hoặc. Nhạc sĩ Phạm Ngọc Lai, hội viên chuyên ngành Âm nhạc Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, cho rằng, nếu nghe Toni chơi đàn, người đối diện chắc chắn phải thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về anh. Bên trong một con người hơi khép mình, là một sự tinh tế sang trọng mang hơi hướng cổ điển. Mà tiếng guitar ngọt ngào, quyến rũ, xuyên thấm tim người nghe của anh đã nói lên tất cả.
TRỊNH CHU