Với khát vọng làm giàu chính đáng trên chính quê hương của mình và nhận thấy tiềm lực về nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương, Bùi Thị Nga (SN 1989) ở Thôn 5, xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên là người tiên phong mang nghề đan giỏ nhựa về huyện. Sau hơn 3 năm, số lượng thợ của Nga đã lên đến hơn 200 người, mang lại thu nhập trên 600 triệu đồng mỗi vụ.
Với khát vọng làm giàu chính đáng trên chính quê hương của mình và nhận thấy tiềm lực về nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương, Bùi Thị Nga (SN 1989) ở Thôn 5, xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên là người tiên phong mang nghề đan giỏ nhựa về huyện. Sau hơn 3 năm, số lượng thợ của Nga đã lên đến hơn 200 người, mang lại thu nhập trên 600 triệu đồng mỗi vụ.
|
Nga bên sản phẩm giỏ nhựa được chị em vừa sản xuất. Ảnh: V.Q |
Tầm hơn một tháng nữa, mùa đan nhựa năm nay mới bắt đầu (kéo dài từ tháng bảy năm nay đến tháng một năm sau), nhưng Bùi Thị Nga đã sớm chuẩn bị về nhân lực và đặt mục tiêu tăng số lượng đơn hàng và doanh thu lên gấp đôi năm 2017. Kinh nghiệm và thực tế nhìn thấy từ 3 mùa vừa qua là điều giúp Nga tin tưởng vào mục tiêu của mình.
Từ nhỏ, cô gái sinh ra và lớn lên ở vùng sâu này đã có ham muốn làm giàu và khát vọng làm được một điều gì đó cho riêng mình. Tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, bỏ lại mọi cơ hội việc làm Nga trở về quê hương Cát Tiên với suy nghĩ: “Nếu mình chỉ mãi làm công ăn lương thì thu nhập không thể nào tăng đột phá được. Chỉ khi mình làm chủ, bản thân mình mới có khả năng phát triển và có cơ hội vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho người khác”. Chính vì vậy, Nga vừa làm công việc là nhân viên của một dự án thuộc tổ chức phi Chính phủ, vừa tìm kiếm con đường khởi nghiệp của riêng mình. Đó là lý do khi được tiếp cận với nghề đan giỏ nhựa, cô đã nhận thấy tiềm năng về lực lượng lao động nhàn rỗi có sẵn tại địa phương và ngay lập tức nắm bắt cơ hội ấy. Năm 2015, Nga khăn gói về Biên Hòa, Đồng Nai để trực tiếp học việc và tìm kiếm nguồn hàng, đưa nghề đan nhựa về địa phương của mình.
Đến hiện tại, khi số lượng sản phẩm đã lên tới 20.000 giỏ với doanh thu khoảng 200 triệu đồng vào tháng cao điểm, Nga vẫn nhớ những khó khăn và vất vả của những ngày đầu, khi bắt đầu chỉ với 50 sản phẩm cùng 10 người thợ cũng mới tập tành học đan nhựa như cô. Những ngày đầu mới biết đan, Nga chấp nhận lỗ cả vốn lẫn công khi người này đan sai bước này, người kia lại làm sai bước khác, hầu như cô đều phải sửa lại trước khi tự mình chở hàng đi giao cho công ty.
“Nguyên năm đầu tiên, mình hầu như không lời hoặc lời rất ít. Tại vì các cô các chị có làm sai thì mình cũng không thể nào trừ tiền của họ mà phải cùng họ sửa lại để hoàn thiện sản phẩm. Số tiền các cô làm ra cũng không nhiều, mình không nỡ trừ tiền. Cũng phải động viên nhiều để họ bám nghề” - Nga chia sẻ. Sản phẩm chủ yếu mà Nga nhận gia công là giỏ hoa, giỏ rác,... là những sản phẩm nhỏ gọn, đơn giản, dễ làm, phù hợp với khả năng của lực lượng lao động tại địa phương.
Đến hiện tại, Nga vẫn song hành đồng thời 2 công việc, 1 liên quan đến ngành học của mình, 1 là niềm đam mê làm giàu và khởi nghiệp, mặc dù biết sẽ vất vả. Thời gian làm việc của Nga tăng lên gấp đôi, mỗi tối sau khi kết thúc công việc chính, cô lại ngồi đan nhựa, mày mò kỹ thuật đan các sản phẩm mới đến tận nửa đêm để kịp tiến độ giao hàng cho người ta. “Nếu như thợ chỉ làm trong thời gian nhàn rỗi thì mình bắt buộc phải làm để hoàn thành đơn hàng đúng thời gian đã chốt, tránh ảnh hưởng đến công ty. Một nguyên tắc mà mình tự đặt ra là phải hết sức tôn trọng giờ giấc giao hàng đã hẹn với công ty, tạo lập được uy tín thì công ty mới sẵn sàng làm việc lâu dài với mình” - Nga chia sẻ.
“Thật ra, nghề này không mang về cho mình nhiều lợi nhuận, mỗi sản phẩm chỉ thu được từ 500 đồng đến 1000 đồng sau khi trừ chi phí, có khi còn chấp nhận lỗ đối với những sản phẩm tốn nhiều công, đòi hỏi sự kỳ công và tỉ mỉ. Nhưng đây là nghề nuôi sống mình trong những ngày mình đang “nuôi” giấc mơ khởi nghiệp” - Nga nói vậy, bởi hiện tại, cô gái nhỏ này vẫn đang ấp ủ những dự định khác trong tương lai.
Hiện tại, số lượng người đan nhựa của Nga đã lên đến 200 thợ với 5 trưởng nhóm, chủ yếu là người trong xã và các xã lân cận, có cả phụ nữ, đàn ông, người già và trẻ em. Bởi kỹ thuật đơn giản nên ai cũng có thể tranh thủ lúc rảnh rỗi để làm và kiếm thêm thu nhập. Nga cũng không cần phải mở xưởng bởi mỗi người sẽ đưa sản phẩm về nhà mình để làm, điều này giúp cả Nga và thợ đều làm việc tiện lợi.
Anh Điểu K’Viên - Bí thư Huyện Đoàn Cát Tiên, chia sẻ: “Nga là một trong những người trẻ ở địa phương luôn có tinh thần cố gắng, không ngừng học hỏi và phấn đấu cho niềm đam mê của mình. Với việc đưa nghề đan nhựa về quê, Nga cũng góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm cho nhiều nông hộ trong thời gian nông nhàn, giúp họ tăng thêm một phần thu nhập tuy không nhiều nhưng cũng rất cần thiết. Nga cũng tạo cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ tại địa phương thoát khỏi nghề nông và làm chủ bản thân”.
VIỆT QUỲNH