Tuyên truyền viên mang áo học trò

09:04, 05/04/2018

Hơn 1.600 học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) đã được trải nghiệm và truyền tải các thông điệp phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội bằng cách "hóa thân" vào các tiểu phẩm sinh động đúng dịp sinh nhật lần thứ 87 của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Hơn 1.600 học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) đã được trải nghiệm và truyền tải các thông điệp phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội bằng cách “hóa thân” vào các tiểu phẩm sinh động đúng dịp sinh nhật lần thứ 87 của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
 
Tiểu phẩm “Tệ nạn bạo lực học đường” của lớp 11A3. Ảnh: T.H
Tiểu phẩm “Tệ nạn bạo lực học đường” của lớp 11A3. Ảnh: T.H
Thay vì tiết chào cờ nghiêm trang đầu tuần, sáng thứ hai hôm ấy, cả sân trường THPT Bùi Thị Xuân sôi động bởi những vở kịch với các diễn viên không chuyên đến từ chính học sinh các khối lớp. Đó là không khí của buổi truyền thông tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên do Cục Chính trị (thuộc Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an) tổ chức. Đây là hoạt động thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01, 03 Trung ương nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên. Qua đó, tuyên truyền các kỹ năng để thanh thiếu niên tự bảo vệ mình trước cái xấu trong xã hội và truyền tải thông điệp ý nghĩa về giá trị cuộc sống an toàn. Đồng thời, khuyến khích mỗi thanh thiếu niên, học sinh là một tuyên truyền viên tích cực, góp phần giữ gìn môi trường học đường lành mạnh, giảm tỷ lệ giới trẻ vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội. 
 
Tại buổi tuyên truyền, học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân thể hiện 5 tiểu phẩm với các chủ đề: tệ nạn nghiện game, mạng xã hội; tệ nạn sử dụng ma túy; tệ nạn bạo lực học đường; tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; tình yêu tuổi học trò. 
 
Tập luyện hơn 1 tháng, tiểu phẩm “Tệ nạn bạo lực học đường” của lớp 11A3 thể hiện phần nào thực tế tình trạng bạo lực học đường đáng báo động trong thời gian qua. Trong tệ nạn này, chính học sinh vừa là thủ phạm, cũng vừa là nạn nhân có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Sự quan tâm sát sao, thông cảm của thầy cô, sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè và hơn hết nhận thức của học sinh chính là “vũ khí” giúp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Trong vai một học sinh bị nhóm bạn ở lớp gây gổ, đánh nhau, Lan Anh chia sẻ: “Bạo lực học đường làm mất đi vẻ đẹp, sự lễ phép vốn có của học sinh. Nó ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh bị bạo lực. Nghiêm trọng hơn còn có thể xảy ra án mạng khiến học sinh trở thành tội phạm khi chưa đủ tuổi thành niên. Qua tiểu phẩm này, lớp em muốn truyền tải thông điệp “chung tay ngăn chặn bạo lực học đường từ chính học sinh chúng ta”.
 
Với tiểu phẩm “Tệ nạn sử dụng ma túy” của lớp 12B6 đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những học sinh ham chơi hoặc nhẹ dạ dễ bị rủ rê lôi kéo trở thành con nghiện lúc nào không hay. Trong đó, sự thiếu quan tâm của gia đình và nhà trường là nguyên nhân chính khiến học sinh sa ngã. “Nói không với tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy chính là thông điệp mà tiểu phẩm lớp em muốn gửi tới các bạn học sinh”, Hoàng Thái cho hay. 
 
Phát biểu tại buổi truyền thông tuyên truyền, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó trưởng Ban chỉ đạo NQLT 01, 03/TW nhấn mạnh: “Tôi muốn gửi đến các em học sinh thông điệp: Các em là chủ nhân tương lai của đất nước, các em cũng là người quyết định tương lai của mình, vì vậy hãy lựa chọn cho mình một con đường đi đúng, lựa chọn cho mình những giá trị tốt đẹp để trở thành một con người tốt. Muốn vậy phải nói không với tội phạm và tệ nạn xã hội, cùng nhau góp sức đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ra khỏi đời sống xã hội, trong đó, các em học sinh chính là những tuyên truyền viên hiệu quả nhất”. 
 
“Thông qua buổi tuyên truyền đã truyền tải được những nội dung cơ bản về nhận thức, hiểu biết về pháp luật, về phòng, chống tội phạm, các tệ nạn ma túy, bạo lực học đường... đến các em học sinh. Qua đó, giúp trang bị những kiến thức, kỹ năng để các em nhận diện các loại tội phạm, cách xử lý tình huống khi gặp phải loại hình tội phạm này. Đồng thời, nâng cao hiểu biết pháp luật và góp phần thúc đẩy sự quan tâm phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các cơ quan truyền thông, cộng đồng xã hội về công tác phòng, chống tội phạm, góp phần giữ gìn môi trường học đường lành mạnh, giảm tỷ lệ thanh thiếu niên vi phạm pháp luật”, thầy Nguyễn Hữu Hóa - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết. 
 
Tuấn Hương