Khởi nghiệp từ mật ngọt

09:05, 11/05/2018

Mạnh dạn, táo bạo, chàng trai trẻ Phạm Toản (Hoài Ðức, Lâm Hà) đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp từ chính sản phẩm đặc thù của địa phương và bước đầu thành công với thương hiệu mật ong sạch PT Lâm Ðồng.

Mạnh dạn, táo bạo, chàng trai trẻ Phạm Toản (Hoài Ðức, Lâm Hà) đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp từ chính sản phẩm đặc thù của địa phương và bước đầu thành công với thương hiệu mật ong sạch PT Lâm Ðồng.
 
Phạm Toản khởi nghiệp từ nghề nuôi ong mật với mong muốn xây dựng thương hiệu mật ong Lâm Đồng. Ảnh: T.H
Phạm Toản khởi nghiệp từ nghề nuôi ong mật với mong muốn xây dựng thương hiệu mật ong Lâm Đồng.
Ảnh: T.H

Rong ruổi theo ong
 
Vì hoàn cảnh gia đình, Phạm Toản phải nghỉ học khi bắt đầu lên lớp 10. Giữa vùng cà phê trù phú Lâm Hà, Toản bắt tay vào công việc của một nông dân thực thụ. Nhưng nghịch cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của cà phê khiến Toản suy nghĩ và chọn cho mình một lối đi khác. Không có vốn, Toản mạnh dạn mua nợ thùng nuôi và giống ong để gây dựng đàn ong mật. 
 
Khởi đầu với 250 thùng, Toản bắt đầu những tháng ngày rong ruổi theo ong. Khi hoa cà phê Lâm Hà vào mùa nở trắng xóa trên các triền đồi cũng là lúc Toản chăm chút đàn ong đợi đến ngày cho mật ngọt. Vốn chịu khó tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm nuôi ong của những người đi trước, nên đàn ong của Toản ít khi bị dịch bệnh. Trước sự phổ biến của mật ong hoa cà phê đặc trưng ở Lâm Hà, Toản thuê xe chở đàn ong rong ruổi ra tận Bắc Giang “đánh ong” mùa hoa vải, hay ngược về miền Trung vào mùa lá keo, lá tràm… để đa dạng về sản phẩm, vừa giúp duy trì đàn ong với lượng mật đều đặn khi hết mùa hoa cà phê. 
 
Rồi công sức của chàng trai sinh năm 1995 cũng được đền đáp. Mùa mật ngọt đầu tiên, Toản mang gửi vài chai ở các đại lý quanh vùng. Mật ong của Toản được khai thác hoàn toàn tự nhiên và lọc thủ công nên giữ được nguyên hương vị. Với tiêu chí “đảm bảo chất lượng, chứng minh bằng hành động”, Toản đưa ra thị trường những chai mật nguyên chất không pha trộn. Người tiêu dùng tìm đến mật ong Phạm Toản ngày càng nhiều. Không chỉ phục vụ trong vùng, Toản bắt đầu gửi mật ong ra thị trường Hà Nội. Tại các điểm gửi mật ong, Toản đều để riêng sản phẩm thử cho khách tự cảm nhận. Sau đó, Toản còn mạnh dạn thuê cửa hàng ở hồ Tuyền Lâm để mang sản phẩm của mình đến tay khách du lịch. Chị Mina - du khách đến từ Đức vui vẻ cho biết: “Những lọ mật ong nhỏ xinh xắn của Phạm Toản thật tiện lợi khi mang đi du lịch. Chúng tôi được nếm thử và khá hài lòng với sản phẩm”.  
 
Xây dựng thương hiệu mật ong Lâm Ðồng
 
Mỗi năm trại ong của Toản bán ra thị trường khoảng 20 tấn mật thô. Cuộc sống ổn định, nhưng chàng trai trẻ Phạm Toản không muốn dừng lại ở đó. “Mong muốn lớn nhất của tôi là xây dựng được thương hiệu mật ong Lâm Đồng với sản phẩm đạt chất lượng. Qua đó, nâng cao giá trị mật ong Lâm Hà nói riêng và Lâm Đồng nói chung”, Toản chia sẻ.
 
Để hiện thực hóa ý tưởng, Toản tiến hành “công cuộc” “cải tổ” mật ngọt. Thay vì bán mật thô, Toản bắt đầu chuyển sang sản phẩm mật ong sạch. Để chứng minh sản phẩm chất lượng, trên mỗi chai mật ong Phạm Toản đều in mã vạch và có thẻ bảo hành đổi trả trong vòng một năm. Làm điều này, Toản chấp nhận bỏ hết các nhãn mác trong 3 năm qua và bỏ chi phí in ấn lại cũng như xin cấp mới giấy phép kinh doanh. Mục tiêu Toản hướng đến là tạo sự đặc trưng cho sản phẩm mật ong của địa phương. 
 
Ngoài trại ong của gia đình, hiện Toản còn liên kết thu mua với các hộ nuôi ong trong vùng để tránh việc bị thương lái ép giá. Tuy nhiên, các sản phẩm thu mua cũng được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng. Gia đình chị Ngô Thị Hòa đã nhiều năm làm nghề nuôi ong mật ở Lâm Hà cho hay: “Trước đây, cứ vào mùa mật, gặp người nào đến thu mua tôi bán cho người đó nên giá cả luôn bấp bênh. Giờ đây, hợp đồng với Phạm Toản nên giá cả ổn định cũng như không bị ế hàng”.  
 
Những chai mật ong mang thương hiệu PT Lâm Đồng với chứng nhận chất lượng đang sẵn sàng đến tay người tiêu dùng cả nước và có thể vươn xa hơn. Và con đường khởi nghiệp từ mật ngọt của chàng trai trẻ Phạm Toản đang cố gắng góp phần để xây dựng một thương hiệu riêng cho mật ong Lâm Đồng. 
 
TUẤN HƯƠNG