Người thổi làn gió mới ở trường chuyên Thăng Long

09:05, 10/05/2018

11 năm đi học thì có tới 10 năm liền là học sinh xuất sắc, là học sinh đầu tiên của Trường THPT Chuyên Thăng Long đoạt giải quán quân tại Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc gia học sinh trung học với đề tài khoa học xã hội và hành vi... Đó là những gì mà cô và trò trong trường nói về Trương Bá Bình Phương.

11 năm đi học thì có tới 10 năm liền là học sinh xuất sắc, là học sinh đầu tiên của Trường THPT Chuyên Thăng Long đoạt giải quán quân tại Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc gia học sinh trung học với đề tài khoa học xã hội và hành vi... Đó là những gì mà cô và trò trong trường nói về Trương Bá Bình Phương.
 
Trương Bá Bình Phương (bìa phải) tham gia Cuộc thi KHKT Quốc gia. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Trương Bá Bình Phương (bìa phải) tham gia Cuộc thi KHKT Quốc gia. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Người đầu tiên 
 
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thăng Long cho biết: Trương Bá Bình Phương (17 tuổi) hiện là học sinh lớp 11 chuyên Anh Trường THPT Chuyên Thăng Long, không phải là trường hợp đầu tiên của nhà trường đem công trình nghiên cứu ở lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi tham gia Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc gia học sinh trung học. Tiếp nối truyền thống, Bình Phương đã đạt giải cao nhất trong cuộc thi lần này. Đây là lần đầu tiên một đề tài nghiên cứu về du lịch - thế mạnh của thành phố Đà Lạt được mang đến cuộc thi này. Trương Bá Bình Phương đã cùng một học sinh khác ở Trường THPT Chuyên Thăng Long phối hợp thực hiện đề tài với tên gọi: “Nghiên cứu sức hấp dẫn của một số sản phẩm du lịch tại thành phố Đà Lạt đối với khách du lịch Việt Nam từ 18 đến 22 tuổi”. 
 
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Dung cho hay: “Khi cầm trên tay danh sách đăng ký đề tài, không ít thầy cô Trường THPT Chuyên Thăng Long đều lo sợ rằng với độ tuổi và sự trải nghiệm còn ít dạn dày của Bình Phương sẽ rất khó để hoàn thiện đề tài. Mặt khác, trong tiền lệ, khó có đề tài nào về xã hội có khả năng đi sâu vào các cuộc thi này. Các thầy cô cũng trao đổi để Bình Phương có quyết định chắc chắn hơn, tuy nhiên em vẫn quyết tâm làm, nên nhà trường cũng cổ vũ động viên và hỗ trợ hết mình”.
 
Suốt nhiều tháng trời, bên cạnh việc học, người ta vẫn thấy Bình Phương và các bạn trong đội thi cần mẫn lúc thực hiện phương pháp nghiên cứu lý thuyết trong không gian thư viện của nhà trường, cũng có khi rong ruổi khắp nơi trong thành phố để thực hiện phương pháp điều tra anket (phương pháp chủ đạo), quan sát, điều tra xã hội học... Bởi vậy, công trình nghiên cứu của Bình Phương hội tụ khá đầy đủ những vấn đề liên quan đến sức hấp dẫn của một số sản phẩm du lịch tại thành phố Đà Lạt đối với khách du lịch Việt Nam từ 18 đến 22 tuổi. Song, khi trình bày rất nhiều thầy cô đã phản biện đề tài của Bình Phương “em rất chịu khó lắng nghe và cầu thị nên đề tài sau này tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện tròn trịa hơn khi so tài cấp quốc gia” - cô Nguyễn Thị Ngọc Dung nói. Còn với riêng Bình Phương: “Tình yêu thật lớn với thành phố quê hương đã cho mình động lực mạnh mẽ để lựa chọn hướng đi này. Biết sẽ rất khó với một đề tài xã hội nhưng mình hướng đến việc tìm ra những giải pháp cụ thể và tin rằng với tình yêu Đà Lạt, sự am hiểu về mảnh đất này và sự hỗ trợ của gia đình, những người xung quanh mình vẫn muốn, vẫn tin sẽ làm được gì đó cho Đà Lạt”. Và công trình nghiên cứu của cậu học sinh đã đưa ra được hướng đi với những sản phẩm cụ thể đạt được tỉ lệ yêu thích cao qua khảo sát như: câu lạc bộ du khảo văn hóa bản địa, từ điển du lịch mini, xây dựng điểm đến lý tưởng như công viên ánh sáng mô hình chụp ảnh Đà Lạt một thời hương xa…
 
“Khoa học phải gắn với thực tiễn, có tính ứng dụng cao và khoa học còn chứa đựng cả tình yêu trong đó thì rất đáng ghi nhận và giải nhất tại cuộc thi vừa qua đã chứng minh điều đó” - cô Ngọc Dung khẳng định.
 
Thổi làn gió mới
 
Không chỉ với các học sinh lớp 11 Anh mà với nhiều học sinh khác trong Trường THPT Chuyên Thăng Long, Trương Bá Bình Phương là linh hồn của các hoạt động phong trào với khả năng tập hợp các bạn học sinh rất cao.
 
 Trong truyền thống của Trường THPT Chuyên Thăng Long, các học sinh phát triển khá toàn diện về học tập cũng như các hoạt động phong trào. Tuy nhiên, đa phần các em đều ghi dấu tên mình cho các thành tích học sinh giỏi. Còn với Trương Bá Bình Phương thì khác. Các thầy cô trong Đoàn trường đã kể với chúng tôi một loạt vị trí phong trào Đoàn có tên Bình Phương: Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường, Ủy viên Ủy ban Hội LHTN của trường; Khối trưởng học sinh; Phó Chủ nhiệm CLB Kỹ năng sống, từng đoạt giải khuyến khích tại Hội thi Báo cáo viên giỏi cấp thành phố... Theo đánh giá của các thầy cô giáo, Bình Phương là đầu mối của BCH Đoàn trường trong việc tổ chức các hoạt động phong trào trong nhà trường. Và đây cũng là cái tên được Đoàn trường “chọn mặt gửi vàng” chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức các hoạt động từ thiện và nhân đạo như: Tổ chức chương trình “Chung tay đón tết” gây quỹ từ thiện giúp đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập trong và ngoài nhà trường; thăm và tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các trường tiểu học ngoại thành... Bên cạnh đó, chàng trai này cũng là Chủ nhiệm CLB dân vũ của nhà trường, thường xuyên tập luyện và tổ chức cho câu lạc bộ tham gia các hội thi cấp thành phố cũng như các hoạt động trong nhà trường nhằm tạo sân chơi bổ ích cho đoàn viên, thanh niên sau những giờ học căng thẳng. Thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu với các đơn vị bạn trong và ngoài nước như trường đặc biệt tham gia giao lưu định kỳ với Trường ACJC của Singapore, nghiên cứu khoa học và giao lưu văn hóa tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà do tổ chức International Research Experiences (iREs), Mỹ tổ chức...
 
“Không chỉ là người mở ra cho nhà trường hướng đi tập trung đào tạo học sinh tham dự các cuộc thi quốc gia và quốc tế ở cả hai khối tự nhiên và xã hội, Bình Phương còn thổi làn gió mới cho các học sinh ở trường Chuyên Thăng Long vừa ghi danh ở các cuộc thi học sinh giỏi vừa tham gia tích cực các phong trào Đoàn, các hoạt động xã hội” - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thăng Long khẳng định.
 
N. NGÀ