Khoảng cách giữa chiến tranh và hòa bình quá đỗi xa xôi. Biết bao thế hệ đã phải hy sinh trong chiến tranh để đổi lấy hòa bình. Những người trẻ hôm qua đã gửi lại tuổi thanh xuân và nụ cười cho khoảnh khắc sinh tồn của dân tộc, cho chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và thế hệ trẻ hôm nay, lại tiếp tục nối nghiệp cha anh giữ gìn nền hòa bình, dựng xây sự phồn vinh của đất nước và ghi dấu tên mình giữa năm châu.
Khoảng cách giữa chiến tranh và hòa bình quá đỗi xa xôi. Biết bao thế hệ đã phải hy sinh trong chiến tranh để đổi lấy hòa bình. Những người trẻ hôm qua đã gửi lại tuổi thanh xuân và nụ cười cho khoảnh khắc sinh tồn của dân tộc, cho chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và thế hệ trẻ hôm nay, lại tiếp tục nối nghiệp cha anh giữ gìn nền hòa bình, dựng xây sự phồn vinh của đất nước và ghi dấu tên mình giữa năm châu.
|
Thanh niên các DTTS tỉnh Lâm Đồng tại triển lãm ảnh “Sức sống Trường Sa” do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng phối hợp cùng Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tổ chức. Ảnh: Đ.Tuấn |
Tuổi trẻ hôm qua…
Chúng tôi gặp cựu chiến binh (CCB) Phan Văn Ngọt (70 tuổi) vào những ngày cuối tháng tư lịch sử, khi cả nước đang nhớ về ngày chiến thắng vĩ đại 30/4/1975. Tâm thức của người CCB cũng ngược dòng thời gian trở về những năm tháng tham gia chiến đấu từ những năm 1967 trên địa bàn Tuyên Đức - Lâm Đồng. “Những năm tháng ấy chúng tôi còn rất trẻ”, CCB Phan Văn Ngọt đã mở đầu như thế khi nói về thời điểm mà thanh niên xung phong lên đường chiến đấu gần như là đồng loạt, đặc biệt sau chiến thắng Mậu Thân 1968 khi phong trào cách mạng lên cao, tất cả chỉ một mục tiêu “bảo vệ Tổ quốc”. Bà Trần Thị Tuyết - vợ CCB Phan Văn Ngọt là người con gái sinh ra ở mảnh đất anh hùng, cái nôi cách mạng Xuân Trường, TP Đà Lạt tham gia làm phong trào từ lúc 14 tuổi. “Thời điểm đó, nhà nhà là cơ sở cách mạng. Gia đình nào cũng có con em đi bộ đội hoặc làm phong trào… Ngày nào cũng nghe tin nổ súng, chết chóc, áp bức, bắt bớ nên trong lòng mỗi người chỉ một lòng căm phẫn. Ai cũng hăng hái lên đường để mong chung sức sớm có hòa bình”, bà Tuyết nói. Nhưng chiến tranh là thảm kịch cho tất cả mọi người. Hệ lụy của nó là vô vàn những mất mát đau thương. Và tháng tư về, nỗi nhớ đồng đội dường như da diết, cào xé hơn. “Bạn bè đồng trang lứa lên đường thời điểm đó đã hy sinh gần hết rồi. May mắn sống đến tận bây giờ mới thấu hiểu hết giá trị của hòa bình mang lại”, người cựu binh già ngậm ngùi...
Những tháng ngày thiếu cơm, lạt muối, lội suối, trèo đèo tất cả vì một mục tiêu “làm cách mạng đến cùng”… là một phần cuộc đời của CCB Hoàng Phi Núi (79 tuổi), người từng là chiến sỹ ở đơn vị 810 trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Lâm Đồng - Tuyên Đức những ngày tháng 4/1975. Đó là những tháng ngày mà Đảng bộ hai tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức đã vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể đường lối chiến tranh nhân dân, thực hiện chủ trương chiến đấu lâu dài, kết hợp có hiệu quả phương châm đấu tranh 3 mũi: chính trị, vũ trang và hoạt động binh vận; tiến hành đấu tranh trong đô thị, nông thôn và xây dựng căn cứ vững chắc… Các tổ chức Đảng đã phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết Kinh, Thượng; tranh thủ được sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ chí tình của các địa phương kết nghĩa, cũng như các địa phương bạn trên cùng địa bàn Nam Tây Nguyên tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần cùng quân dân cả nước đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành chiến thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. “Không bút mực nào có thể kể hết những gian khổ, ác liệt, mất mát, hy sinh trong chiến tranh. Có được hòa bình hôm nay là sự đánh đổi vô cùng lớn. Nhiều gia đình, nhiều con người đã hy sinh, đó là vết thương chung của dân tộc. Người trẻ phải ghi nhớ lịch sử để biết ông cha ta đã hy sinh xương máu nhiều đến nhường nào để lấy đó làm tấm gương, làm động lực viết tiếp trang sử mới”, CCB Hoàng Phi Núi tâm tình.
Chiến tranh đã lùi xa. Tuổi trẻ hôm qua đã đặt nền móng để xây dựng và phát triển đất nước. Thế hệ trẻ hôm nay đang tiếp tục phát huy năng lực trí tuệ, tinh thần yêu nước để nâng cao giá trị Việt Nam trong lòng thế giới.
… Và hôm nay
Hào khí chiến thắng lịch sử 30/4/1975 vẫn còn trong mọi ngõ hẻm, góc phố, ngả đường và đi vào tiềm thức mỗi người dân Việt. Sức sống Việt Nam ngày một mạnh mẽ dâng cao. Thế hệ trẻ Việt Nam cũng đang từng ngày vươn ra biển lớn ghi dấu ấn trong lòng nhân loại. Trên dải đất Nam Tây Nguyên nói riêng, những người trẻ với trí tuệ và nhiệt huyết cũng đang hòa mình trong dòng chảy ấy.
Đơn cử như Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt và là chủ của một trong những trang trại hoa lan lớn nhất nước đã cùng các thành viên trong Hiệp hội Hoa và UBND TP Đà Lạt vận động được hàng trăm cá nhân, tổ chức quyên góp hơn 40 tấn rau củ cùng tiền mặt, hàng tết trị giá hơn 350 triệu đồng gửi tặng chiến sỹ Trường Sa nhân dịp tàu ra tặng quà tết và thay - thu quân mùa xuân 2018. 40 tấn các loại rau củ xứ lạnh tươi ngon nhất, có thể bảo quản, vận chuyển dài ngày; gần 400 giò phong lan, lan hồ điệp, cùng rất nhiều hạt giống các loại rau, hoa, thiết bị nhà kính, phân bón, xơ dừa, rêu làm giá thể, màng phủ để trồng rau... đã được gửi ra Trường Sa. Trước đó Phan Thanh Sang là một trong 10 thanh niên tiêu biểu vừa vinh dự được Trung ương Đoàn chọn ra thăm Trường Sa năm 2017. Anh đã mang theo mô hình trồng rau xanh tiết kiệm nước tưới ra với Trường Sa. “Đó là cách mình dùng năng lực và trí tuệ của tuổi trẻ đóng góp cho biển đảo, cho đất nước”, anh Sang nói. Hay Phan Văn Quyền - chàng trai xứ B’Lao, sinh năm 1995 là một trong những thanh niên đại diện của Việt Nam cùng với đại diện thanh niên 10 nước trong khu vực ASEAN tham gia cuộc gặp gỡ và đối thoại với nguyên Tổng thống Mỹ, Barack Obama vào ngày 19/3/2018 vừa qua tại Singapore, để trao đổi về những dự án cộng đồng của các đại biểu. Thông qua hoạt động này, để Quỹ Obama có thể hỗ trợ trong việc tạo nên sự thay đổi tích cực nơi cộng đồng mà các đại biểu đang sinh sống. Dự án mà Quyền mang đến sự kiện này là “Ethnic Viet” - bảo tồn, quảng bá hoa văn và những giá trị văn hóa của người dân tộc thiểu số, hướng tới sự phát triển đời sống một cách bền vững. Trước đó Quyền là một trong những gương mặt đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị thanh niên ASEAN 2017 với chủ đề “Thúc đẩy khởi nghiệp trẻ ASEAN, Hội nghị và triển lãm thanh niên Đông Nam Á tại Jakarta, Indonesia năm 2017; Quán quân Cuộc thi “Nhà làm phim trẻ các nước Đông Nam Á 2016” tại Singapore; Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên Đông Nam Á tại Manila, Philippines năm 2017; Đại biểu Việt Nam tham dự Chương trình trao đổi thanh niên Đông Á và Nhật Bản năm 2016 tại Nhật Bản... Và còn nhiều những cái tên khác, trên từng lĩnh vực khác nhau nhưng họ có chung trí tuệ và tuổi trẻ để cống hiến cho quê hương, đất nước.
Xã hội càng phát triển thì những vấn đề xã hội mới càng nảy sinh. Thanh niên là nhóm xã hội chịu sự tác động mạnh mẽ của những biến đổi xã hội đó. Bởi thế không tránh khỏi những “dấu lặng buồn” từ chính thanh niên. Tuy vậy, một bộ phận ấy không thể che mờ hết những đóng góp của thế hệ trẻ trong dòng chảy phát triển của đất nước. “Lớp con sau” đang viết tiếp trang sử hào hùng từ “lớp cha trước”, “Người hôm nay viết tiếp người hôm qua…”.
HOÀNG MY