Thanh niên cần tỉnh táo trước những âm mưu "diễn biến hòa bình"

10:06, 21/06/2018

Trong mọi giai đoạn, thanh niên luôn là lực lượng xã hội to lớn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với vai trò xung kích, tiên phong và là tương lai của đất nước, thanh niên cũng luôn cần tăng cường sức "đề kháng" trước các âm mưu "diễn biến hòa bình". 

Trong mọi giai đoạn, thanh niên luôn là lực lượng xã hội to lớn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với vai trò xung kích, tiên phong và là tương lai của đất nước, thanh niên cũng luôn cần tăng cường sức “đề kháng” trước các âm mưu “diễn biến hòa bình”. 
 
“Hãy là những cư dân mạng tỉnh táo và có trách nhiệm” là chia sẻ của rất nhiều bạn trẻ, thanh niên trong những ngày vừa qua. Và đó cũng chính là thể hiện trách nhiệm, phát huy vai trò của thanh niên trong việc đấu tranh phòng, chống các âm mưu “diễn biến hòa bình”.
Với sự phát triển ngày càng nhanh của internet, công nghệ thông tin và sức lan tỏa ngày một lớn của mạng xã hội luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực. Trên internet vẫn tồn tại không ít các trang mạng có dụng ý xấu, đăng tải các bài viết, video tuyên truyền xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước khiến dư luận hoang mang và gây mất an ninh chính trị, trật tự xã hội. Đặc biệt, với tính tương tác của các trang mạng xã hội và đối tượng tham gia chủ yếu là học sinh - sinh viên, những người trẻ tuổi, nhận thức chính trị chưa vững dễ bị tác động và chuyển hóa, các thế lực thù địch đã lợi dụng những điểm yếu này để mua chuộc, lôi kéo, kích động thanh niên đi vào con đường chống phá sự nghiệp đổi mới đất nước. Thực tế cho thấy, không ít bạn trẻ, thanh niên đã có những bình luận đồng tình, ủng hộ các luận điệu sai trái của các đối tượng chống phá. Tạo điều kiện cho các đối tượng này lợi dụng, móc nối, thực hiện các âm mưu gây bất lợi cho đất nước. Thực tế này đòi hỏi mỗi người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo trước các nguồn thông tin trên mạng, tránh rơi vào bẫy của những thế lực thù địch.
 
Anh Phan Tuấn Anh - Bí thư Đoàn Trường Đại học Đà Lạt chia sẻ: Mỗi người dân, đặc biệt là các bạn trẻ khi tham gia vào không gian mạng cần hết sức thận trọng và tỉnh táo trước các thông tin, thủ đoạn của những thế lực thù địch. Sử dụng mạng xã hội hay sử dụng Internet, cũng phải học cách tham gia lành mạnh vì nó là cộng đồng ảo nhưng các mối quan hệ lại rất thật với nhau. Vì vậy, tôi nghĩ việc đầu tiên là các bạn trẻ cần được trang bị những kiến thức cơ bản về văn hóa sử dụng Internet, văn hóa ứng xử, cũng như những giá trị nói chung, từ đó có hành vi phù hợp hơn. Yếu tố thứ hai là chính bản thân các bạn trẻ cũng phải tự chú ý, đừng để ảnh hưởng bởi những thông tin xấu, bởi khi chúng ta like, share là chúng ta đang cổ vũ cho một điều xấu. Ngay tại Trường Đại học Đà Lạt, chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối, tọa đàm cùng sinh viên, hướng các bạn sinh viên trở thành những người đọc thông minh, biết tìm đọc những thông tin lành mạnh, nhân văn, bổ ích và tỉnh táo, sáng suốt để tự mình nhận biết những thông tin xuyên tạc, sai trái. Đồng thời, cũng tăng cường nắm bắt tình hình đoàn viên, thanh niên để tránh tình trạng các em bị lôi kéo, lợi dụng, kích động vào các hoạt động ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia.
 
Anh Đỗ Phan Anh - giảng viên Trường Đại học Đà Lạt cũng cho hay: Chúng tôi ngoài việc giảng dạy chuyên môn, chuyên ngành cho sinh viên vẫn luôn khuyến khích các em tham gia các chương trình xã hội, khơi gợi tình yêu nước, yêu đồng bào và đặc biệt trước những thông tin “xấu” trên mạng xã hội, thể hiện lòng yêu Tổ quốc hãy giữ một trái tim “nóng” và một cái đầu “lạnh”, tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc, thông tin “độc hại”... Hay như bạn Nguyễn Hồng Ngọc (sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Yersin Đà Lạt) cho rằng: “Ngoài việc học tập trên lớp thì hằng ngày tôi và các bạn vẫn chú trọng cập nhật các thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Có một thực tế là bên cạnh nhiều nguồn tin chính thống, tin cậy, chính xác, thì vẫn còn một số thông tin xấu, độc, xuyên tạc xuất hiện trên các trang mạng xã hội, tác động không tốt đến nhận thức, bản lĩnh, lập trường, tâm lý của một bộ phận giới trẻ, sinh viên. Để tạo sức đề kháng với các thông tin xấu, tôi nghĩ rằng, ngoài việc tích cực tham gia các hoạt động, phong trào, sân chơi bổ ích của Đoàn Thanh niên, nhà trường và của khoa, mỗi sinh viên cần chủ động tìm kiếm, nắm bắt những thông tin chính thức được đăng tải trên các cơ quan báo chí chủ lực của đất nước, để khi được tiếp nhận những thông tin chính thống, tin cậy, bản thân mỗi sinh viên sẽ có cách tiếp cận và đánh giá vấn đề chính trị, xã hội một cách đúng đắn, khách quan”.
 
Cũng theo anh Phan Đức Thái - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng: Để giúp thanh niên nhận diện được âm mưu của các thế lực thù địch, ngoài việc trang bị cho họ lý luận chính trị để có khả năng phản biện lại những quan điểm sai trái thì cần tạo môi trường thuận lợi để họ được phát triển và cống hiến. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cho thanh niên; phát huy tinh thần tự giác học tập, rèn luyện bản thân của thanh niên để góp phần nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cùng với đó là tạo cơ hội để thanh niên được học tập, được làm việc, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đoàn thanh niên, tạo ra môi trường phù hợp với lứa tuổi để đoàn viên, thanh niên thi đua lao động, sáng tạo và cống hiến. Để hướng thanh niên đến giá trị chân chính, nhân văn, trước hết bản thân cán bộ đoàn, đoàn viên phải nhận thức được những giá trị chân chính trong cuộc sống, phải biết bảo vệ và cổ vũ để những giá trị ấy lan tỏa rộng.
 
DIỄM THƯƠNG