Không chỉ tích cực trong việc vận động, tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương mà chàng thanh niên Liêng Hót Ha Mak (dân tộc Cil, sinh năm 1995) còn đang từng ngày giúp bà con tập đọc, tập viết để biết được con chữ, cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.
Không chỉ tích cực trong việc vận động, tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương mà chàng thanh niên Liêng Hót Ha Mak (dân tộc Cil, sinh năm 1995) còn đang từng ngày giúp bà con tập đọc, tập viết để biết được con chữ, cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.
|
Trước mỗi buổi của lớp học xóa mù chữ, Ha Mak cẩn thận điểm danh từng người. Ảnh: H.T |
Chúng tôi gặp Ha Mak khi cậu đang cẩn thận quét lớp, lau bảng, chuẩn bị phấn, thước kẻ... trong lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số thôn Hang Hớt (xã Mê Linh) do Huyện Đoàn Lâm Hà tổ chức. Ha Mak là người con của buôn làng Hang Hớt, cũng đồng thời là lớp trưởng lớp học này. Để hỗ trợ cho lớp học, Ha Mak đi đến từng nhà thông báo, vận động từng người đi học. Anh Nguyễn Văn Linh - Bí thư Đoàn xã Mê Linh bảo rằng, Ha Mak chính là “linh hồn” của lớp học. Bằng ngôn ngữ địa phương, Ha Mak dễ dàng giao tiếp, hướng dẫn kiến thức lại cho “học sinh” - điều mà cán bộ đoàn xã và giáo viên đứng lớp gặp rất nhiều khó khăn.
Một tuần 3 buổi, Ha Mak dành trọn tâm huyết của mình cho lớp học chỉ với một mong ước: bà con có được con chữ để đọc, viết, tính toán... những điều bình thường trong cuộc sống hằng ngày. Ngày chúng tôi quay trở lại, những bàn tay run run, ngượng ngùng cầm viên phấn rớt lên rớt xuống, nguệch ngoạc từng nét trên tấm bảng nhỏ ngày nào nay đã thành thục hơn, đa số bà con đã viết, đọc được tên của mình. Chú Ha Dong đưa con đi bệnh viện đã biết ký giấy tờ và viết tên của mình và con, biết đóng tiền chỗ nào, bao nhiêu? Cô Ka Phương đi ra quán mua hàng đã biết nên đưa tờ tiền nào, đếm đủ số tiền được thối lại. Cô chẳng còn lo sợ bị tính nhầm như ngày trước... Ha Mak niềm nở kể lại rất nhiều những thay đổi mà cậu hằng ngày được chứng kiến. Vẫn phải thường xuyên đi từng nhà để vận động, nhắc nhở giờ lên lớp nhưng Ha Mak bảo rằng, giúp được đến đâu cậu cũng sẽ hết lòng. “Em chỉ mong đóng góp một phần nào đó thôi. Em không được học cao như các anh chị, cũng không có khả năng sư phạm nên không thể truyền dạy bài bản cho các cô chú, anh chị nên em cứ cố gắng nói hết những gì mình biết cho bà con dễ hiểu. Cái cảm giác người đáng tuổi cha mẹ mình cầm tay mình nói lời cảm ơn, em thật sự không thể diễn tả lại bằng lời. Đó là hạnh phúc” - Ha Mak chia sẻ.
Thôn Hang Hớt nơi Ha Mak làm Bí thư Chi đoàn thôn có 90 đoàn viên, thanh niên. Mỗi tháng, Ha Mak tổ chức họp một lần để triển khai công việc như trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh, giúp đỡ các đoàn viên khó khăn... Ở tuổi 23, Ha Mak hiểu những người bạn đồng trang lứa của mình để từ đó gần gũi, dễ dàng đưa ra những lời khuyên bảo, hướng họ tham gia vào những hoạt động bổ ích, rèn luyện bản thân. Tôi nhớ lại lần bất ngờ gặp Ha Mak ở tòa án tỉnh vào ngày diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án truy sát cán bộ quản lý rừng tại xã Phi Tô (huyện Lâm Hà). Buồn thay, chính người thân của em lại có mặt trong đó. Chăm chú theo dõi phiên tòa đến những phút cuối, Ha Mak bảo đó là bài học đắt giá cho chính cậu và những người thân trong dòng họ. Sau phiên tòa, Ha Mak lên mạng tìm kiếm thông tin cơ bản về Luật Bảo vệ rừng rồi in ra giấy, phát cho đoàn viên, thanh niên ở thôn trong cuộc họp với hy vọng những thanh niên DTTS không may mắn được đến trường có cơ hội tiếp cận với kiến thức pháp luật, tránh đi vào vết xe đổ đó.
Nói rồi Ha Mak buồn bã kể về quãng thời gian cách đây 5 năm khi cậu phải bỏ giữa chừng chương trình lớp 12 tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Đà Lạt). Vẫn là lý do đơn giản và quen thuộc: gia đình nghèo, anh em đông. Ước mơ làm bác sĩ cũng từ đó gác lại, nhường chỗ cho những nỗi lo cơm áo gạo tiền của gia đình. Nghỉ học, Ha Mak đi làm thuê. Ai thuê gì làm nấy, từ khuân vác, đào hố, làm cỏ cà phê... để có tiền phụ giúp bố mẹ nuôi 5 đứa em. “Khoe” chiếc áo da đã sờn rách mua từ hơn 4 năm trước, Ha Mak bảo đây là món quà đầu tiên em mua tặng chính mình từ những đồng tiền lương ít ỏi mình kiếm. Nó cũng là nhắc nhớ cho em về những ngày tháng khó khăn.
Dẫu ở thời điểm hiện tại Ha Mak chưa nhận được sự ủng hộ của gia đình khi dành nhiều thời gian tham gia các phong trào, hoạt động nhưng với sự nhiệt tình, tâm huyết của mình, Ha Mak không nản chí. Ha Mak bảo rằng việc từ bỏ con đường học tập trước kia là một sai lầm thì đây sẽ chính là con đường tiếp tục để cậu được học hỏi, mở rộng hiểu biết của mình. “Em vẫn luôn nói với các bạn rằng, dù mình nghỉ học sớm, không có được nhiều con chữ trong đầu nhưng không thể là người thiếu hiểu biết. Có rất nhiều cách để học. Dẫu mình ở đâu thì cũng phải biết lắng nghe và học hỏi để phân biệt những hành động đúng, sai và không làm gì trái với những quy định của pháp luật” - Ha Mak chia sẻ.
Với những hoạt động tích cực của mình, Ha Mak là thanh niên dân tộc tiêu biểu trong phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2017, là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2018... “Dù tuổi còn trẻ, nhưng Ha Mak cũng là người rất có tiếng nói, uy tín trong vùng đồng bào dân tộc nói riêng và trong thanh niên ở Hang Hớt nói chung. Trong hầu hết các hoạt động cần sự hỗ trợ của thanh niên thì vai trò vận động thanh niên của Ha Mak luôn tích cực. Đoàn xã cũng hoàn toàn yên tâm và tin tưởng khi giao phó cho cậu ấy bất kỳ nhiệm vụ gì”, Bí thư Đoàn xã Mê Linh cho biết thêm.
HỒNG THẮM