Những con đường dẫn từ trung tâm xã vào thôn của các xã Phi Tô, Phú Sơn (huyện Lâm Hà) mùa mưa chìm trong bùn lầy, trơn trượt. Rời Ðà Lạt, vượt qua quãng đường vất vả đó, 40 sinh viên của Trường Ðại học Ðà Lạt đã mang Mùa hè xanh đến với người dân nơi đây...
Những con đường dẫn từ trung tâm xã vào thôn của các xã Phi Tô, Phú Sơn (huyện Lâm Hà) mùa mưa chìm trong bùn lầy, trơn trượt. Rời Ðà Lạt, vượt qua quãng đường vất vả đó, 40 sinh viên (SV) của Trường Ðại học Ðà Lạt đã mang Mùa hè xanh (MHX) đến với người dân nơi đây. Khác với MHX những năm trước, năm nay, các bạn trẻ triển khai một mô hình mới: đưa tri thức về với người dân K’Ho ở vùng sâu, vùng xa.
|
Đội sinh viên Mùa hè xanh chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây cà phê cho bà con nông dân. Ảnh: V.Quỳnh |
Chuyển giao công nghệ
“Trước giờ, người ta đã quá quen với hình ảnh các bạn SV MHX giúp bà con đào mương, cuốc đất, làm đường, sửa nhà,... Nhưng thực tế, những việc đấy thanh niên địa phương có thể làm nhanh và hiệu quả hơn. Chính vì vậy, chúng tôi thay đổi cách làm bằng việc đưa lợi thế của các bạn SV là kiến thức và kỹ thuật tiên tiến vào chiến dịch, với mong muốn giúp người dân thấy được sự khác biệt ở hiệu quả công việc. Làm sao để khi chiến dịch kết thúc, SV rời đi nhưng giá trị và lợi ích vẫn còn ở lại, nhân rộng”. Anh Phan Tuấn Anh - Bí thư Ðoàn Trường Ðại học Ðà Lạt chia sẻ |
Trong tiết mưa rả rích, qua một tiếng rưỡi đồng hồ di chuyển bằng... máy cày, chúng tôi mới từ trung tâm xã Phú Sơn vào được thôn Preteing 2 chỉ dài 8 km. Đây là nơi đóng quân của 20 SV tham gia tình nguyện. Trên phương tiện đặc biệt ấy, tất cả mọi người đứng và lắc lư cùng con đường dằn xóc, dầm mưa. Một bên là đồi, một bên là vực, chiếc xe thỉnh thoảng lại trượt ngang khiến người ngồi trên không khỏi thót tim.
Anh Phan Văn Tin - Bí thư Đoàn xã Phú Sơn, cũng là người trực tiếp cầm lái đưa xe chậm rãi từng chút một đi qua quãng đường dài, vẫn bình tĩnh cười bảo: “Hôm trước, khi chúng tôi chở SV vào thôn, đồ đạc, hàng hóa còn chất đống trên xe, che cả người. Đường sá khó khăn, thời tiết lại không thuận lợi như vậy, chúng tôi chỉ sợ các bạn trẻ đến từ thành phố nhìn thấy sẽ nản. Nhưng đúng là không có gì bằng nhiệt huyết thanh niên, các bạn vẫn nhiệt tình, xông xáo. Ngày bà con trong thôn nhìn thấy đoàn SV tình nguyện vào đến nơi, chân tay lấm lem bùn lầy mà vẫn cười tươi, vừa mừng vừa thương lắm!”.
Đúng như lời anh Tin kể, chúng tôi đến nơi lúc mưa vẫn đang nặng hạt, nhưng trên những khuôn mặt trẻ vẫn rộn ràng tiếng nói cười, những đôi chân vẫn bám trên nền đất nhão để giúp nhà này lợp lại mái, giúp nhà kia sửa lại khoảnh sân.
Khu vườn cà phê sau nhà của chị K’Dung (thôn Preteing 2) mấy ngày nay tấp nập người ra vào. Lúc đầu là các SV hàng ngày vào giúp chị ủ phân từ vỏ cà phê theo kỹ thuật mới. Mấy ngày sau, có thêm nhiều hàng xóm xung quanh qua xem. Với 6 sào cà phê, một tay chị phải lo chăm bón khi chồng đi làm xa, còn con trai mới bị gãy chân. K’Dung bảo rằng thật may vì có các SV phụ giúp trong những ngày này.
Chạy đua với thời gian và cả thời tiết bất lợi khi hầu như mưa suốt ngày, 20 ngày ở lại thôn Preteing 2, Huỳnh Hữu Duy (SV năm 3 Khoa Sinh học, Trưởng nhóm SV tình nguyện tại xã Phú Sơn) vẫn đang cố gắng chuyển giao “Công nghệ ủ phân từ vỏ cà phê và phế phụ phẩm nông nghiệp” cho nhiều bà con nông dân nhất có thể.
Mặc thời tiết bất lợi, Duy vẫn cùng các bạn trong nhóm hướng dẫn chị K’Dung đi kiểm tra khu vực ủ phân vi sinh bằng vỏ cà phê phía sau nhà. Sau gần 20 ngày, vỏ cà phê bắt đầu phân hủy. Theo đúng quy trình, hơn 1 tháng nữa, số phân ủ này có thể bón trực tiếp cho vườn cà phê nhà chị K’Dung. Chị chia sẻ: “Những năm trước, vỏ cà phê mình toàn bán rẻ cho thương lái trong khi phải mua phân hóa học về bón cây, tốn cả mấy chục triệu một mùa. Bây giờ, được các bạn SV hướng dẫn kỹ thuật ủ phân, mình mới biết có thể tận dụng vỏ cà phê làm phân bón cây, vừa tiết kiệm mà lại đơn giản, dễ thực hiện”.Trong những ngày lưu lại Preteing 2, nhóm của Duy đã thực hiện chuyển giao công nghệ ủ phân cho thêm 5 hộ gia đình khác với tổng số 22 khối vỏ cà phê. “Ở đây hầu như mọi người chưa biết đến công nghệ này. Nghe có vẻ khó nhưng thực tế rất dễ thực hiện, bà con chỉ cần giữ lại vỏ cà phê và dùng chế phẩm sinh học mua trên thị trường về trộn lẫn và ủ trong khoảng từ 2 - 3 tháng. Sau đó có thể đem bón cho vườn cà phê như một dạng phân hữu cơ, vừa tốt cho cây vừa thân thiện với môi trường, mà lại giúp tiết kiệm một phần chi phí” - Duy cho biết.
Cũng thực hiện chủ trương đưa tri thức về buôn, nhưng ở xã Phi Tô (Lâm Hà), đội SV tình nguyện lại triển khai mô hình “Chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, chống sâu bệnh trong canh tác cây cà phê” cho bà con ngay khi xuống địa bàn. Đang cao điểm mùa mưa, nhóm SV Trường Đại học Đà Lạt vẫn miệt mài dọn cỏ, tranh thủ tổ chức hướng dẫn tỉa cành, bón phân tới bà con nông dân Thôn 5.
Gương mặt Lý Thị Cẩm Nhung (sinh viên năm 4, Khoa Nông - Lâm) rạng rỡ hẳn lên khi có dịp chia sẻ: “Việc đầu tiên mà nhóm chúng mình làm khi vừa đến là lấy mẫu đất, gửi về khoa để xét nghiệm xem đất ở đây thừa và thiếu những gì. Bà con trong thôn thường bón phân sai kỹ thuật, họ đổ thẳng vào gốc cây khiến cây không hấp thụ hết và còn bị cháy lá. Do đó bọn mình hướng dẫn kỹ thuật bón phân theo tán cây, nghĩa là cào nhẹ lớp đất trên bề mặt hai bên gốc cây, nơi có những bộ rễ tơ để cây dễ hấp thụ dinh dưỡng, sau đó lấp đất lại cho phân đỡ bị trôi hoặc bốc hơi”.
Sau khi được hướng dẫn, chị K’Réo (Thôn 5, xã Phi Tô) mới “ngộ” ra rằng: “Việc đơn giản vậy thôi mà mình không biết, từ lâu nay mình đã bón phân sai cách. Những năm sau, mình sẽ áp dụng theo kỹ thuật bón phân được các SV hướng dẫn”. Đó là cảm nhận gửi gắm cả niềm tin yêu, sự cảm phục của bà con nơi đây dành cho đội SV tình nguyện MHX.
Ðưa tri thức trẻ vào Mùa hè xanh
Bí thư Đoàn Trường Đại học Đà Lạt Phan Tuấn Anh cho biết: Điểm khác biệt và cũng là mục tiêu chính của MHX năm nay là đưa tri thức về với buôn làng, bởi đây là mô hình phù hợp, khi mà SV vừa có môi trường thực tế để áp dụng những kiến thức đã được học trên ghế nhà trường, lại có thể giúp cho bà con tự đứng lên bằng đôi chân của mình khi áp dụng những kỹ thuật mới trong lao động sản xuất. Giá trị của MHX không chỉ tồn tại trong thời gian nó diễn ra, mà sẽ góp phần phát triển kinh tế tại các địa phương đi lên, bền vững và lâu dài hơn.
|
Các bạn sinh viên hướng dẫn bà con nông dân ủ phân từ vỏ cà phê. Ảnh: V.Quỳnh |
Từ MHX năm 2016, Đoàn Trường Đại học Đà Lạt đã bắt đầu thử nghiệm việc chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân trong chiến dịch MHX. Tuy nhiên, đến năm nay, đoàn SV tình nguyện mới chính thức “tự tin” đưa các mô hình đó làm nhiệm vụ chính của chiến dịch. Nhất là khi đề tài “Công nghệ ủ phân từ vỏ cà phê và phế phụ phẩm nông nghiệp” do Huỳnh Hữu Duy làm chủ nhiệm hoàn thành và được nghiệm thu vào tháng 5/2018. Duy chia sẻ, đây cũng chính là bước chuẩn bị của Duy và Khoa Nông lâm cho đội ngũ thực hiện chiến dịch đưa tri thức về nông thôn trong MHX năm nay.
Ngoài hai nhiệm vụ chính là chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cà phê và công nghệ ủ phân từ vỏ cà phê cho bà con, SV tình nguyện Trường ĐH Đà Lạt còn triển khai nhiều hoạt động như tạo sân chơi cho thiếu nhi, làm sân bóng chuyền cho thanh niên địa phương, cải tạo đường sá, giúp đỡ một số gia đình hộ nghèo sửa sang nhà cửa, điều tra xã hội học...
Có tận mắt nhìn thấy hình ảnh bà con nông dân ở thôn Preteing 2 mặc trời mưa vẫn chăm chú theo dõi sự hướng dẫn của SV, có nhìn thấy bàn tay lấm lem bùn đất của các cô cậu SV hàng ngày chỉ quen với giáo trình, máy tính, hay nhìn thấy hình ảnh những vườn cà phê sau khi được đội SV tình nguyện tỉa cành trở nên gọn gàng sạch đẹp hơn những vườn xung quanh và ánh mắt hài lòng của chủ vườn, mới cảm nhận hết giá trị và ý nghĩa mà MHX mang lại. Như lời hát ngân nga của một bạn nữ trong lúc đang giúp người dân tỉa cành cà phê:
“Tạm biệt ghế nhà trường ta lại đến với Mùa hè xanh
Xanh biển xanh rừng, xanh cây xanh lá
Bàn chân ta qua xanh miền đất lạ
Đi xây cuộc đời xanh những bài ca”.
VIỆT QUỲNH