Với sự tự tin và niềm yêu thích kinh doanh, ba học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long (Ðà Lạt) - đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia Cuộc thi "Giải quyết tình huống kinh doanh" tại Úc và đã giành giải nhất.
Với sự tự tin và niềm yêu thích kinh doanh, ba học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long (Ðà Lạt) - đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia Cuộc thi “Giải quyết tình huống kinh doanh” tại Úc và đã giành giải nhất.
|
Niềm vui của ba “nhà kinh doanh” học trò khi giành chiến thắng tại cuộc thi. Ảnh: T.Hương |
“Tiếng nói” chung
Không bỗng dưng mà ba học trò ở hai khối lớp khác nhau lại có sự phối hợp ăn ý trong cách nói chuyện, cách giải quyết vấn đề... Đó không phải từ khi “đàn anh” lớp 12 Đào Lê Minh Nhật, Thái Minh Long và “cô em” Trần Kim Hương - cùng học chuyên Anh “bắt tay” tham dự cuộc thi lần đầu tiên cả ba tham gia, cũng là lần đầu Việt Nam có mặt ở cuộc thi này. Thật ra, “Ở trường, chúng em biết đến nhau qua các hoạt động của khối chuyên Anh cũng như Câu lạc bộ Kỹ năng sống. Ba anh em tìm thấy nhiều điểm chung, cùng sở thích, cùng ước mơ... nên chúng em rủ nhau tham gia cuộc thi tại Úc. Có lẽ “tiếng nói” chung đã giúp chúng em vượt qua bỡ ngỡ và giành được chiến thắng”, Kim Hương chia sẻ.
Một truyền thống mà ngôi trường chuyên ở thành phố hoa duy trì được trong nhiều năm nay là sự kết nối của các thế hệ học sinh. Thông qua nhiều hoạt động của trường giúp học sinh có sự gắn kết. Minh Nhật, Minh Long và Kim Hương biết đến cuộc thi “Giải quyết tình huống kinh doanh” tại Úc cũng một phần nhờ vào sự kết nối này. Bên cạnh đó, theo cả ba, học chuyên Anh là một thuận lợi để dễ dàng tiếp cận với nhiều kênh thông tin. Đến với cuộc thi, cùng với công cụ tiếng Anh, cả ba tìm hiểu qua mạng xã hội và sự giới thiệu từ một cựu học sinh của trường.
Với cái tên “Người tiên phong”, đội thi của ba học trò chuyên Thăng Long đã “đánh gục” hàng trăm thí sinh đến từ những ngôi trường có tiếng trên cả nước để “giành vé” đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi tại Úc.
Tự tin hội nhập
Minh Nhật, Minh Long và Kim Hương đều không sinh ra trong gia đình hoạt động kinh doanh. Nhưng cả ba có một niềm yêu thích đối với lĩnh vực này khi đều muốn trở thành những nhà kinh doanh trong tương lai. Long chuẩn bị sang Nhật du học, Nhật vào Đại học RMIT, còn Hương dự định hết lớp 12 cũng theo học về kinh doanh.
Với đề bài chung “Phân tích thị trường điện thoại Trung Quốc, đưa ra định hướng phát triển cho những thương hiệu điện thoại lớn”, cả ba lên ý tưởng và chọn hãng điện thoại Oppo để “trổ tài” kinh doanh. Trước lợi thế của những đội thi khác khi đã được học môn kinh tế trong chương trình cấp 3 nên am hiểu lý thuyết về kinh doanh; vì vậy, các đội dựa vào những kiến thức được học để tập trung giải pháp như tăng doanh số, tăng lợi nhuận... Khắc phục hạn chế chưa được học về lĩnh vực kinh doanh, đội “Người tiên phong” lựa chọn những giải pháp mang tính sáng tạo để tạo điểm mới lạ. Bằng nhìn nhận cũng như tìm hiểu thực tế, đội “Người tiên phong” quyết định chọn thương hiệu Oppo - hiện doanh số thấp hơn những hãng nổi tiếng như Lenovo, Huaiwei, Vivo... nhưng đang được giới trẻ ưa chuộng nên có tiềm năng phát triển trong tương lai. Đặc biệt, những giải pháp mang tính sáng tạo như tạo ra sự khác biệt cho giới trẻ khi tự tay thiết kế sản phẩm, tùy chọn vật liệu mặt lưng hay định hướng hợp tác với một công ty chuyên tái chế rác thải nhựa trên mặt đại dương để tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường… đã thuyết phục được ban giám khảo vì tính thực tế và ứng dụng cao. Vượt qua 12 đội thi đến từ các nước Úc, Newzealand, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore...; đội “Người tiên phong” của ba học sinh đến từ Việt Nam đã giành chiến thắng. Tuy mỗi người chịu trách nhiệm một lĩnh vực như phân tích thị trường, đối tượng khách hàng tiềm năng, phân tích đối thủ, đưa ra định hướng... nhưng sự “tâm đầu ý hợp” trong cách ứng xử, giải quyết tình huống đã chứng tỏ ba cô cậu học trò là những “nhà kinh doanh” tài ba trong một cuộc thi kinh doanh dành cho học sinh trung học.
“Thật sự chúng em rất lo lắng trước những đội thi đến từ nhiều quốc gia và ban giám khảo toàn người nước ngoài. Tại cuộc thi, chỉ có chúng em là người Việt Nam. Cả ba đều tự nhủ phải thật bình tĩnh và cố gắng. Bài thi của đội em được đánh giá cao về phong cách thuyết trình, sáng tạo về giải pháp cũng như sự tự tin xử lý tình huống. Và khi nghe xướng tên đội chiến thắng đến từ đất nước xa xôi nhất - Việt Nam, cả ba vỡ òa sung sướng”, Minh Nhật cho hay.
Sự tự tin của ba cô cậu học trò cũng được thể hiện qua ước mơ chung: “sau này muốn thành lập một công ty chuyên về giáo dục để thúc đẩy những tài năng cũng như phục vụ và phát triển cộng đồng”, Minh Long bộc bạch.
“Bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, nhà trường luôn động viên, khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi không chỉ về học thuật mà cả những cuộc thi trải nghiệm sáng tạo. Trường tạo mọi điều kiện để phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong mọi mặt, cố gắng giúp học sinh tiếp cận tư duy của công dân toàn cầu”, cô Lê Thị Bích Lệ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thăng Long khẳng định.
TUẤN HƯƠNG