Cho đi không mong nhận lại

09:09, 06/09/2018

Người ít thì cũng hơn chục lần, người nhiều thì trên 20 lần hiến máu tình nguyện. Thế nhưng, với họ, đã cho đi là không tiếc nuối, là không mong nhận lại bất cứ điều gì. Bởi lẽ, hiến máu cứu người tự thân đã là một nghĩa cử cao đẹp và với những người "máu lửa" như họ thì việc làm đó cũng chỉ là lẽ thường trong cuộc sống hàng ngày.

Người ít thì cũng hơn chục lần, người nhiều thì trên 20 lần hiến máu tình nguyện. Thế nhưng, với họ, đã cho đi là không tiếc nuối, là không mong nhận lại bất cứ điều gì. Bởi lẽ, hiến máu cứu người tự thân đã là một nghĩa cử cao đẹp và với những người “máu lửa” như họ thì việc làm đó cũng chỉ là lẽ thường trong cuộc sống hàng ngày.
 
Anh Vũ Văn Sáng và anh Tình “máy cày” (bên phải) chia sẻ về công việc hiến máu tình nguyện. Ảnh: Đ.Anh
Anh Vũ Văn Sáng và anh Tình “máy cày” (bên phải) chia sẻ về công việc hiến máu tình nguyện. Ảnh: Đ.Anh

Hơn 30 phút ngồi đợi, tôi mới được tiếp chuyện với anh Phạm Văn Tình (39 tuổi, ngụ tại Tổ dân phố 3C, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh). Mọi người hay gọi anh là Tình “máy cày” vì trước đây anh chạy xe máy cày và hiện tại chuyển qua sửa chữa máy cày cho bà con trong vùng. Công việc nhiều buộc anh phải làm không có ngày nghỉ nhưng hễ có đợt hiến máu là anh sẵn sàng tạm gác lại công việc để đi. Cách đây đúng 20 năm, anh đã bắt đầu hiến máu lần đầu chỉ với suy nghĩ đơn giản rằng thanh niên trai tráng, giúp được gì cho ai thì giúp. Từ đó đến nay, đã 23 lần anh hiến máu tình nguyện. Anh chia sẻ: “Khi lần đầu đi hiến máu, dù chưa hiểu lắm về việc này nhưng bản thân tôi không cảm thấy lo lắng. Điều này có lẽ do “máu” cách mạng của gia đình truyền lại. Do đó, lúc nào tôi cũng tiên phong khi có các đợt hiến máu dù có được thông báo hay không”. Bản thân anh Tình cũng đã nhiều lần trực tiếp đến Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh để hiến máu đột xuất. Trong những lần đó, có một lần anh hiến máu cho một thanh niên đánh nhau bị đâm trọng thương nhưng cuối cùng người thanh niên này cũng không qua khỏi. Một chút buồn vì nỗ lực của anh và các y bác sỹ đã không níu giữ được mạng sống. Sự việc đó càng thôi thúc anh tham gia hiến máu hơn nữa, bởi anh biết rằng đang có rất nhiều trường hợp cần máu hàng ngày, hàng giờ. “Dù công việc bận rộn nhưng được tham gia hiến máu là tôi rất vui. Đây là việc làm có ý nghĩa nên tôi cũng vận động anh em ruột và nhiều người khác cùng tham gia hiến máu” - anh Tình chia sẻ. Với nghĩa cử cao đẹp đó, anh Tình đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ tặng bằng khen, 2 lần được tỉnh tôn vinh và nhận được Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp hiến máu cứu người.
 
Cùng chung suy nghĩ như anh Tình, anh Vũ Văn Sáng (32 tuổi, ngụ tại xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh) cũng đã có trên 10 lần hiến máu tình nguyện tại huyện nhà. Trước đó, từ năm 2006, anh cũng đã rất nhiều lần hiến máu tại Sài Gòn, Đà Lạt. Lần hiến máu khiến anh nhớ nhất chính là tại Sài Gòn. Khi đó, một vụ tai nạn đường sắt khiến rất nhiều người bị thương nên phải huy động lực lượng hiến máu. Anh là một trong những người phải truyền máu trực tiếp cho bệnh nhân trong quá trình chuyển viện. “Mình nằm tầng trên, người bị thương nằm bên dưới và nhận máu truyền trực tiếp từ mình. Một cảm giác hồi hộp, lo lắng nhưng đang níu giữ chính sự sống của mình” - anh Sáng nhớ lại. Hiện tại, anh Sáng đang kiêm nhiệm nhiều việc ở thôn và xã: Bí thư Chi đoàn Công an xã, thôn đội trưởng Thôn 2... Không chỉ nhiệt tình trong công việc, anh cũng rất tích cực hiến máu và vận động mọi người hiến máu. Anh chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi thấy tiếc nuối khi hiến máu. Bản thân tôi cứ nghĩ đơn giản rằng, cho đi và không mong nhận lại, chỉ mong người được tiếp nhận máu có thêm cơ hội để sống. Đó mới là điều có ý nghĩa nhất”. Từ năm 2013, anh Sáng thành lập Đội thanh niên nhân đạo Giọt Hồng xã Đạ Kho với 11 thành viên tham gia. Đến nay, Đội đã vượt qua giới hạn của xã và thu hút được 34 thanh niên trong toàn huyện tham gia. Đội có nhiệm vụ ứng phó nhanh trong những trường hợp cần máu đột xuất. Mỗi khi có yêu cầu từ Hội Chữ thập đỏ huyện là 3 - 4 anh em cùng đến Trung tâm Y tế để sẵn sàng hiến máu. “Nhiều khi thấy mình đến hiến máu là người nhà bệnh nhân như bắt được vàng nên hay quan tâm mua đồ ăn, nước uống. Những lúc như thế mình và anh em rất ngại vì cảm giác như làm phiền thêm cho gia đình” - anh Sáng chia sẻ thêm.
 
Theo anh Trần Thế Hoàng, Phó Bí thư Huyện Đoàn Đạ Tẻh, đoàn viên, thanh niên luôn là lực lượng nòng cốt trong các đợt hiến máu tình nguyện. Mỗi lần có đợt hiến máu, thông qua rất nhiều kênh; trong đó, có mạng xã hội, để Huyện Đoàn thông báo đến các bạn và thường thì anh em đăng ký tham gia rất đông. Năm 2017, đoàn viên, thanh niên đã hiến 174 đơn vị máu và từ đầu năm đến nay đã hiến 120 đơn vị máu. Đặc biệt, có 2 CLB hiến máu tình nguyện trực thuộc Huyện Đoàn là CLB xã Triệu Hải và CLB Công an huyện. Bất cứ khi nào cần máu đột xuất là anh em từ 2 CLB đều có thể tiếp ứng trực tiếp. Anh Hà Vĩnh Du, Bí thư Đoàn xã Triệu Hải cho biết: “CLB hiện có 22 thành viên và đã tham gia hiến máu đột xuất 6 lần. Dự kiến, trong tháng 10 tới, tôi sẽ thành lập ngân hàng máu sống để có thể tiếp ứng nguồn máu một cách nhanh nhất khi cần. Không chỉ anh em trong CLB, rất đông đoàn viên, thanh niên trong xã cũng rất tích cực tham gia hiến máu. Từ đầu năm đến nay, qua 4 đợt, anh em đã hiến hơn 50 đơn vị máu. Cứ mỗi lần có đợt hiến máu, Đoàn xã luôn có số lượng người tham gia vượt hơn so với số huy động”. Bản thân anh Du cũng đã trên 10 lần hiến máu tình nguyện. Theo anh, mình hiến máu thì mới dễ dàng vận động anh em khác tham gia. Với cách tuyên truyền về lợi ích của việc hiến máu, đã có rất nhiều thanh niên tham gia; trong đó, có 4 thanh niên từng nằm trong diện quậy phá của xã cũng đã rất nhiệt tình tham gia. “Có trường hợp khi người thân cấp cứu, được anh em đến cho máu trực tiếp tại bệnh viện. Từ đó về sau, người này đã tự nguyện tham gia hiến máu. Lâu lâu không thấy gọi đi hiến máu là người này lại chủ động gọi để hỏi” - anh Du kể lại.
 
ÐÔNG ANH