Học để thay đổi cuộc đời...

08:09, 07/09/2018

Hà Manh (sinh năm 2000) - cậu bé mồ côi cha, người dân tộc T'ring (một nhánh của dân tộc K'Ho) vừa chính thức trở thành Á khoa đầu vào khóa 42, ngành Quản trị du lịch và lữ hành Trường Đại học Đà Lạt. Trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, Hà Manh đã xuất sắc đạt được 23,5 điểm, trong đó môn Văn em đạt 9,25 điểm, là một trong 3 em có điểm môn Ngữ văn cao nhất của tỉnh Khánh Hòa trong kỳ thi năm nay.

Hà Manh (sinh năm 2000) - cậu bé mồ côi cha, người dân tộc T’ring (một nhánh của dân tộc K’Ho) vừa chính thức trở thành Á khoa đầu vào khóa 42, ngành Quản trị du lịch và lữ hành Trường Đại học Đà Lạt. Trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, Hà Manh đã xuất sắc đạt được 23,5 điểm, trong đó môn Văn em đạt 9,25 điểm, là một trong 3 em có điểm môn Ngữ văn cao nhất của tỉnh Khánh Hòa trong kỳ thi năm nay.
 
Niềm vui của Hà Manh khi em trở thành tân sinh viên Trường Đại học Đà Lạt. Ảnh: V.Quỳnh
Niềm vui của Hà Manh khi em trở thành tân sinh viên Trường Đại học Đà Lạt. Ảnh: V.Quỳnh
Ngày Hà Manh nhận giấy báo trúng tuyển Đại học, cả thôn Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) rộn ràng hẳn lên bởi niềm vui và sự tự hào. Không tự hào sao được, khi mà số học sinh đậu đại học ở xã nghèo này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. Và không vui sao được, khi vượt qua bao khó khăn, chàng trai Hà Manh đã chạm bước chân đầu tiên vào hành trình thực hiện ước mơ của mình: trở thành hướng dẫn viên du lịch.
 
Gặp Hà Manh vào những ngày đầu em mới nhập học, chàng trai người T’ring với nụ cười rất hiền vẫn còn hơi rụt rè khi chia sẻ câu chuyện của mình. Nhưng đến khi hỏi về chuyện học, mắt em sáng hẳn lên và em nói bằng thái độ mạnh dạn, tự tin và quyết đoán. Đến nỗi tôi đã ngồi đó, lắng nghe và có một niềm tin rằng, chàng trai này sẽ quyết tâm theo đuổi con đường học vấn đến cùng, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.
 
Hà Manh sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha từ năm em 8 tuổi, một mình mẹ em phải nuôi 7 người con. Em chia sẻ rằng, lúc ba mất, em còn nhỏ nên chưa cảm nhận hết nỗi đau. Lớn lên dần, em mới thấu hiểu hết sự thiệt thòi và mất mát. Mà thiệt thòi lớn nhất là vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo, mẹ em lại thường xuyên đau ốm nên 6 người anh chị của em không ai được học hết lớp 8.
 
Hà Manh là con út, em lớn lên trong gian khó, nhọc nhằn, thấy được các anh vì ít học mà suốt ngày cứ quẩn quanh bên nương rẫy, thấy chị gái vì không biết chữ mà làm gì cũng gặp khó khăn, nên em quyết tâm vượt khó vươn lên để theo đuổi con chữ. Bởi em nhận ra: “Tri thức là con đường duy nhất để em thay đổi cuộc đời - theo một hướng tốt hơn”.
 
12 năm đến trường, trong đó có 7 năm học nội trú xa nhà, không ít lần em nhụt chí, có ý định nghỉ học, nhất là trong những lần mẹ ở nhà đau ốm phải vào bệnh viện. Nhưng rồi nhờ các anh chị khuyến khích, Hà Manh lại tự động viên mình phải cố gắng. “Vẫn biết là mình khổ nhưng nhiều khi nhìn lại, em thấy vẫn còn có những người khổ hơn mình nhiều. Thế nên thay vì ngồi đó than thở thì mình phải không ngừng cố gắng trong học tập. Mình còn được đi học đã là một may mắn lớn - Em vẫn thường xuyên tự nhủ như vậy, và cố gắng học như học thay luôn phần các anh các chị đã bỏ lỡ” - Hà Manh chia sẻ.
 
Ngày Hà Manh khăn gói lên thành phố Nha Trang học cấp III, mặc dù trường đã tạo điều kiện ăn ở, học hành, nhưng mẹ em vẫn dặn trước, rằng “Nếu nhà trường không cho học bổng thì đành nghỉ, chứ mẹ không lo nổi”. Nhìn các anh chị quẩn quanh với cái nghèo, nhìn người mẹ năm nay 60 tuổi già yếu vì những nhọc nhằn, bệnh tật, Hà Manh hiểu điều mẹ nói là hiển nhiên. Chính vì vậy mà em luôn cố giành học bổng để đỡ bớt gánh nặng cho mẹ. 3 năm học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Khánh Hòa là 3 năm em đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi và nhận được học bổng hiếu học của tỉnh Khánh Hòa.
 
Dù trường cấp III cách nhà chỉ 60 km, nhưng tháng nào có học bổng, Hà Manh mới bắt xe về thăm nhà mỗi tháng 1 lần, còn nếu không có học bổng thì 2 - 3 tháng em mới “dám” về một lần, để tiết kiệm chi phí. Thay vào đó, em ở lại trường để ôn luyện. Số điểm 9,25 môn Văn mà em đạt được trong kỳ thi vừa qua cũng là nhờ vào những thời gian tự ôn luyện đó. Bởi không học thêm, em chỉ nghe cô giảng bài trên lớp, rồi về tự tìm hiểu thêm trên mạng Internet.
 
Không nghĩ quá nhiều về những khó khăn mà mình phải đối mặt, Hà Manh chỉ biết cố gắng học tập từng ngày. Chàng trai ở độ tuổi sôi nổi nhất vẫn thường xuyên tham gia hoạt động Đoàn và tham gia văn nghệ, vẫn tranh thủ làm thêm vào thời gian nghỉ tết và nghỉ hè. Tiền làm được em giành để mua sách. Em bảo rằng thành quả mà em có được hôm nay, hoặc ít nhất là việc em đậu đại học đều nhờ vào sách. Nên mặc dù nghèo, mặc dù đồng tiền kiếm ra vô cùng vất vả, nhưng em chẳng hề tiếc khi nhịn ăn để mua thêm sách cho mình. 
 
Với mong muốn được đi nhiều nơi, khám phá văn hóa các vùng miền khác nhau của đất nước, Hà Manh đã đăng ký xét tuyển khối C nguyện vọng vào ngành Quản trị du lịch và lữ hành, Trường ĐH Đà Lạt. Khi hỏi rằng, lúc nhập học em có lo lắng không? Em đã trả lời ngay lập tức, rằng “Có, nhưng không lo nhiều lắm chị ạ!”. Bởi “Ngày em nhận giấy báo trúng tuyển, mẹ em mừng lắm nhưng ngồi lâu nơi bậu cửa, nhìn xa xăm rồi bảo: Con học đại học là quá sức đối với cả gia đình. Vậy mà em thuyết phục mẹ, thuyết phục anh chị, rồi nhờ sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm tìm kiếm các nguồn hỗ trợ mà em được một mạnh thường quân là bạn của cô giáo hỗ trợ tiền nhập học. Nếu không có, em cũng không biết lấy đâu ra. Vậy là em yên tâm khăn gói lên Đà Lạt trọ học, bắt đầu con đường mới trên cuộc đời của mình” - Hà Manh cười bảo.
 
Trở thành tân sinh viên, chàng trai 18 tuổi đã lên kế hoạch cụ thể cho mình. Ăn ở, học tập để duy trì học bổng, trau dồi tiếng Anh và đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt là những gì mà Hà Manh đã vạch sẵn đường đi. “May mắn” là từ mà Hà Manh đã nhắc đến rất nhiều trong suốt buổi trò chuyện, bởi em đã được đi học đến giờ, và đã nhận được nhiều sự giúp đỡ ngay từ lúc em mới bước chân vào cổng trường đại học. Ngoài những học bổng khuyến khích của trường và khoa, em cũng vừa nhận được học bổng Vallet vào ngày 3/9 vừa rồi. Nhưng trên hết, chính sự quyết tâm và cố gắng của em mới mang lại cho em những cơ hội để thực hiện ước mơ của mình.
 
VIỆT QUỲNH