Ðể sinh viên hứng thú với phong trào "Sinh viên 5 tốt"

08:11, 07/11/2018

"Sinh viên 5 tốt" là phong trào lớn được Hội SV Việt Nam phát động, nhằm xây dựng một môi trường cho SV rèn luyện toàn diện trên 5 tiêu chí: Ðạo đức, Học tập, Thể lực, Tình nguyện, Hội nhập. Sau 5 năm thực hiện, phong trào này đã dần lan tỏa sâu rộng đến các trường ÐH, CÐ trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn khiến SV chưa thật sự hứng thú với phong trào này.

“Sinh viên (SV) 5 tốt” là phong trào lớn được Hội SV Việt Nam phát động, nhằm xây dựng một môi trường cho SV rèn luyện toàn diện trên 5 tiêu chí: Ðạo đức, Học tập, Thể lực, Tình nguyện, Hội nhập. Sau 5 năm thực hiện, phong trào này đã dần lan tỏa sâu rộng đến các trường ÐH, CÐ trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn khiến SV chưa thật sự hứng thú với phong trào này.
 
Phong trào “Sinh viên 5 tốt” nhằm xây dựng một thế hệ sinh viên phát triển toàn diện. Ảnh: V.Quỳnh
Phong trào “Sinh viên 5 tốt” nhằm xây dựng một thế hệ sinh viên phát triển toàn diện. Ảnh: V.Quỳnh

Môi trường phát triển toàn diện 
 
Phong trào “SV 5 tốt” được Tỉnh Đoàn Lâm Đồng bắt đầu đưa vào thực hiện tại các trường ĐH, CĐ từ năm 2013, sau Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội SV Việt Nam lần IX diễn ra tại Hà Nội. 
 
“SV 5 tốt” là danh hiệu dành cho SV có uy tín, là minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng trong mỗi cá nhân SV để rèn luyện, hoàn thiện bản thân, được đưa vào hệ thống khen thưởng cấp Quốc gia, là cơ sở quan trọng cho việc xét học bổng, du học, tuyển dụng, xét ở ký túc xá...
 
Phong trào “SV 5 tốt” là môi trường hiệu quả để đoàn viên, hội viên, HSSV rèn luyện, phấn đấu toàn diện trên các mặt. Đến nay, phong trào đã được triển khai rộng rãi tới tất cả các trường ĐH, CĐ, trung cấp trong toàn tỉnh, thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của đoàn viên, hội viên, HSSV với những hiệu quả mang lại tích cực.
 
Phát biểu tại Lễ tuyên dương “SV 5 tốt” cấp tỉnh năm 2018 vừa diễn ra vào tháng 10 vừa qua, chị Trần Thị Chúc Quỳnh - TUV, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng khẳng định: “Chính các gương mặt tiêu biểu được tuyên dương sẽ là hạt nhân xuất sắc truyền đi cảm hứng thi đua sôi nổi trong mỗi HSSV, để các bạn HSSV tăng cường học tập nâng cao chuyên môn, rèn luyện đạo đức, trang bị kỹ năng sống cần thiết đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới”.
 
Phong trào “SV 5 tốt” có hiệu quả thiết thực giúp năng lực SV tăng dần theo các năm và trở thành phong trào thi đua trong SV tại tất cả các trường ĐH, CĐ. Tiêu biểu, từ năm học 2015 - 2016 đến nay, Trường ĐH Đà Lạt có 5 SV đạt danh hiệu “SV 5 tốt” cấp tỉnh và 750 SV đạt cấp trường. Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt có 2 SV đạt danh hiệu “SV 5 tốt” cấp tỉnh, 106 SV đạt danh hiệu “SV 5 tốt” cấp trường, 400 SV đạt danh hiệu “SV 5 tốt” cấp khoa. Ban Thư ký Hội SV Trường ĐH Yersin Đà Lạt cũng đã trao tặng 90 gương “SV 5 tốt” cấp trường và cấp Liên chi hội,...
 
Theo thầy Phan Tuấn Anh - Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Đà Lạt: “Dựa trên tiêu chí của Trung ương Hội, Hội SV nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hóa các tiêu chí của danh hiệu “SV 5 tốt” các cấp thành những hoạt động cụ thể, thiết thực, giúp SV xác định được mục tiêu, để có hướng phấn đấu nhằm đạt danh hiệu các cấp”. 
 
Đạt được danh hiệu “SV 5 tốt” là niềm tự hào mà bất cứ SV nào cũng mong muốn có được. Nguyễn Thị Thắm - SV năm 4 Lớp QTKD K12, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ÐH Yersin Ðà Lạt - một trong 7 “SV 5 tốt” cấp tỉnh năm 2018 chia sẻ: ““SV 5 tốt” là mục tiêu em đặt ra để nỗ lực, cố gắng trong học tập và rèn luyện. Điều quan trọng nhất của một SV là nỗ lực toàn diện để tạo giá trị và chứng tỏ bản thân mình, danh hiệu “SV 5 tốt” là một “tấm vé” chứng nhận cho sự nỗ lực không ngừng này”. 
 
Gặp khó khăn về tiêu chí Hội nhập
 
Mà cụ thể ở đây là ngoại ngữ. Yêu cầu về tiêu chí Hội nhập của danh hiệu “SV 5 tốt” là phải đạt từ điểm 8,0 trở lên (tính theo thang điểm 10) đối với 1 môn thi ngoại ngữ gần nhất theo chương trình học của trường hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ đảm bảo tốt nghiệp đầu ra theo quy định của nhà trường. Theo chị Trần Thị Chúc Quỳnh, tiêu chí này là khó khăn và cản trở lớn nhất của SV Lâm Đồng. Bởi môi trường học và thực hành ngoại ngữ còn nhiều hạn chế khiến không nhiều SV đạt được số điểm theo yêu cầu.
 
Đây cũng là lý do mà mặc dù được triển khai từ năm 2013, nhưng đến 2 năm trở lại đây, Tỉnh Đoàn mới tổ chức được lễ tuyên dương “SV 5 tốt” cấp tỉnh bởi các năm trước số lượng quá ít. Năm 2017, toàn tỉnh cũng chỉ có 3 SV và năm 2018 là 7 SV được tuyên dương “SV 5 tốt” cấp tỉnh.
 
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, nhìn nhận trên khía cạnh của SV thì phong trào này chỉ dành cho các SV khá giỏi, các SV yếu kém không cảm thấy đủ động lực để vươn lên đạt danh hiệu này dù phong trào đặt ra chỉ là mục tiêu để SV hướng tới hoàn thiện chính mình.
 
Hạn chế về công tác truyền thông, công tác tuyên truyền, triển khai chưa đi vào chiều sâu cũng khiến nhiều SV chưa thấy được giá trị của danh hiệu này, từ đó chưa có động lực mạnh mẽ, chưa có sự đầu tư hết mình.
 
Nhằm khắc phục những hạn chế này, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã ban hành Hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào “SV 5 tốt” giai đoạn 2018 - 2022. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu phong trào đến hội viên, SV bằng nhiều hình thức cụ thể, sinh động, như: Tổ chức tuyên truyền trên bảng tin, website, fanpage mạng xã hội, infographic... trong trường học, tại các địa điểm tập trung nhiều SV; Xây dựng chuyên mục “SV 5 tốt” trên các tờ thông tin nội bộ, ấn phẩm, trang tin điện tử, mạng xã hội của nhà trường; Tuyên truyền lồng ghép thông qua các hoạt động tình nguyện, các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tổ chức. Đồng thời xây dựng các nhóm giải pháp tạo môi trường cho SV rèn luyện theo mỗi tiêu chí. 
 
Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ và phát huy “SV 5 tốt” cũng được đẩy mạnh, như có các chế độ ưu tiên về học phí, điều kiện học tập, nơi ở, sử dụng phòng thí nghiệm, thư viện... đối với “SV 5 tốt”. Thực hiện các hoạt động kết nối “SV 5 tốt” với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ trong việc tìm học bổng, giới thiệu việc làm; giới thiệu địa điểm thực tập, kiến tập, giới thiệu tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học... Từ đó tạo điều kiện để SV có thể khẳng định và thể hiện được năng lực của chính mình, nhận thấy ý nghĩa thật sự của danh hiệu “SV 5 tốt” mang lại.
 
VIỆT QUỲNH