Nằm trong chuỗi hoạt động của hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" năm 2018, tại TP Ðà Lạt, các bạn trẻ có đam mê với nông nghiệp đã có cơ hội được tham quan, giao lưu với các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp tiêu biểu của Lâm Ðồng, đồng thời được giải đáp những thắc mắc của mình trong quá trình khởi nghiệp.
Nằm trong chuỗi hoạt động của hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2018, tại TP Ðà Lạt, các bạn trẻ có đam mê với nông nghiệp đã có cơ hội được tham quan, giao lưu với các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp tiêu biểu của Lâm Ðồng, đồng thời được giải đáp những thắc mắc của mình trong quá trình khởi nghiệp.
|
Các thành viên của hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tham quan các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: V.Quỳnh |
Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018 với chủ đề: “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” có sự tham gia của 100 thanh niên, sinh viên (SV) có dự án, mô hình, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hành trình nằm trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động của Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2018 (Techfest 2018), với mục đích nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, SV đã và đang có nhu cầu khởi nghiệp, giúp các thành viên tham gia chương trình có thêm kiến thức, sự hiểu biết và các mối quan hệ cần thiết để trở thành các nhà quản trị, điều hành thành công.
Hành trình diễn ra từ ngày 18 - 29/11, được chia thành 2 đoàn, xuất phát từ Hà Nội và Cần Thơ và dừng chân tại 11 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Lâm Đồng là điểm dừng chân thứ 3 của hành trình. |
Bên cạnh đó, cũng tạo cơ hội cho thanh niên, HSSV phát huy tinh thần sáng tạo, áp dụng những kiến thức đã lĩnh hội để lập ra những dự án khởi nghiệp có tính khả thi trong đời sống kinh doanh; đồng thời, hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; huy động, phối hợp kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp các bạn thanh niên, SV khởi nghiệp có thêm những kiến thức, kỹ năng như: Tọa đàm “Thương mại điện tử trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; tọa đàm “Ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp”; tọa đàm “Xây dựng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, phát huy thế mạnh của địa phương”; hay phiên kết nối đầu tư giữa các nhà đầu tư và các thanh niên, SV có dự án khởi nghiệp...
Tìm sự hỗ trợ từ các vườn ươm khởi nghiệp và người cố vấn
Đó là lời khuyên mà các chuyên gia nông nghiệp và khởi nghiệp đã đưa ra cho các bạn trẻ trong buổi tọa đàm “Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC)” nằm trong khuôn khổ các hoạt động của hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2018 tại TP Đà Lạt vừa diễn ra tuần qua.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã giới thiệu khái quát về thực trạng, tiềm năng phát triển lĩnh vực NNCNC tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay. Đồng thời khẳng định, khởi nghiệp từ NNCNC đang là hướng đi phù hợp với thanh niên.
Đây cũng là nhận định của chị Nguyễn Thị Thu Vân - Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam. Chị Vân cho rằng: Việt Nam là đất nước nông nghiệp và 70% các bạn trẻ ở vùng nông thôn nên phong trào thanh niên khởi nghiệp trong nông nghiệp phát triển rất mạnh, mà con số 1.300 dự án thanh niên ứng dụng NNCNC để sản xuất nông nghiệp thống kê được trên cả nước là một bằng chứng.
Tại buổi tọa đàm, nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề khởi nghiệp nông nghiệp đã được các bạn trẻ đặt ra cho các chuyên gia. Trong đó tập trung chủ yếu đến các vấn đề liên quan về vốn và cách tiếp cận thị trường.
Bạn Phan Văn Toàn - hiện đang công tác tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam khu vực phía Nam, đặt câu hỏi: “Hiện tôi đang phát triển mô hình trồng rau sạch trên phế phẩm của con trùn quế và bán trùn quế thương phẩm. Vậy làm thế nào để tôi có thể thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư và tìm đầu ra cho sản phẩm của mình?”.
Trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Minh Ngọc, Phó GĐ Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: “Bạn muốn thu hút được vốn đầu tư thì việc đầu tiên là phải nói rõ với nhà đầu tư bạn có cái gì hơn người ta, sản phẩm của bạn có gì đặc biệt. Có như vậy mới thuyết phục được nhà đầu tư”. Trong khi đó, anh Phan Thanh Sang - chủ trang trại hoa lan YSA Orchid Farm (TP Đà Lạt) cho rằng: “Việc cần làm trước khi kêu gọi vốn là bạn phải hình thành đầy đủ quy trình sản suất và xây dựng được thương hiệu cho nông sản của mình. Phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất, lấy các giấy chứng nhận, sau đó mới tính đến chuyện lớn hơn”.
Theo ông Nguyễn Đức Tùng - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân: Vốn là vấn đề mà bất cứ bạn trẻ nào cũng quan tâm khi khởi nghiệp. Bên cạnh đó, người trẻ Việt Nam còn gặp một số khó khăn, hạn chế khác như: kỹ năng tiếp cận thị trường, phân tích giá trị khởi nghiệp,... Ông Tùng đưa ra lời khuyên: Các bạn trẻ khi khởi nghiệp nên tham gia một Vườn ươm khởi nghiệp để được các mentor (người cố vấn) hỗ trợ. Mentor phải hiểu sâu về dự án, nghiên cứu, đánh giá giá trị thương hiệu từ thị trường để từ đó tiếp cận nguồn vốn.
Trả lời câu hỏi của bạn Hoàng Thương - SV Trường ĐH Thủ Dầu Một: “Có rủi ro không khi đưa nghiên cứu của mình ra thị trường để khởi nghiệp?”, ông Tùng cho rằng: Đã dấn thân vào con đường khởi nghiệp thì các bạn phải chấp nhận rủi ro. Để hạn chế thấp nhất các rủi ro đó, các bạn nên chuẩn bị cho mình một nền tảng tốt, nghiên cứu sâu.
“Cái quan trọng nhất là phải có mentor để cùng ngồi nghe ý tưởng của bạn, phân tích chỗ nào phù hợp, cần điều chỉnh cái gì, chiến lược dòng tiền ra sao, chiến lược xâm lấn thị trường, tiếp cận khách hàng như thế nào,... Thế nên, việc tìm đến các vườn ươm để được đội ngũ các mentor hỗ trợ là một điều vô cùng cần thiết đối với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp” - ông Tùng khẳng định.
VIỆT QUỲNH