Mẹ hiền của trẻ em khiếm thính

08:11, 15/11/2018

Với cô Nguyễn Thị Mai Linh (32 tuổi, giáo viên Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng, gần 10 năm làm công tác Tổng phụ trách Đội (TPT) cũng là chừng đó thời gian cô đã có bao nhiêu niềm vui, nụ cười và cả những giọt nước mắt với những cô cậu học sinh đặc biệt của ngôi trường này.

Với cô Nguyễn Thị Mai Linh (32 tuổi, giáo viên Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng, gần 10 năm làm công tác Tổng phụ trách Đội (TPT) cũng là chừng đó thời gian cô đã có bao nhiêu niềm vui, nụ cười và cả những giọt nước mắt với những cô cậu học sinh đặc biệt của ngôi trường này.
 
Cô Mai Linh (thứ 2, từ trái qua) hướng dẫn các em học sinh làm bánh. Ảnh: V.Quỳnh
Cô Mai Linh (thứ 2, từ trái qua) hướng dẫn các em học sinh làm bánh. Ảnh: V.Quỳnh
Vào buổi chiều, khu học nghề của Trường Khiếm thính thơm mùi bánh nướng. Cô Mai Linh vừa kiểm tra mẻ bánh quy mới ra lò của các em học sinh, vừa dạy thêm các em cách làm món bánh mới. Khách đến, các em háo hức mời nếm bánh. Cô Linh diễn tả lại lời khen của khách bằng ngôn ngữ ký hiệu và ánh mắt các em lấp lánh niềm vui khi thấy những cái gật đầu khen ngon. Lớp học vì thế mà rộn ràng hẳn lên.
 
Tại Trường Khiếm thính, cô Mai Linh là người trực tiếp dạy các em học sinh làm bánh, thêu thùa, móc len. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và trải qua một vài công việc, cô Linh quyết định trở về quê hương Lâm Đồng, chọn gắn bó với những em học sinh không may mắn nơi đây. Nhiệm vụ trực tiếp của cô là dạy nghề, nhưng TPT cũng là công việc mà cô yêu thích, bởi đó là điều kiện để cô tiếp xúc nhiều hơn và gần gũi hơn với các em học sinh.
 
Những ngày đầu mới về trường, nhận thấy học sinh ở đây có quá ít hoạt động ngoài giờ, cô Mai Linh cùng các thầy cô khác tổ chức những chương trình phù hợp với khả năng của các em. Cô Linh chia sẻ: “Việc giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh là rất quan trọng và cần thiết. Đội chính là môi trường tạo điều kiện, tạo cơ hội cho các em giao tiếp, hòa nhập và rèn luyện kỹ năng. Với đặc thù học sinh đặc biệt hơn các trường thông thường, các thầy cô tại Trường Khiếm thính vừa công tác vừa mày mò, tìm hiểu. Mình tiếp xúc hàng ngày với học sinh, thấy học sinh thiếu gì và điều gì là cần thiết cho học sinh thì sẽ tổ chức cái đó”.
 
Với những cô cậu học sinh đặc biệt nơi đây, cô Mai Linh gặp không ít khó khăn khi tổ chức các hoạt động Đội. Tập đánh trống, tập đi đội hình đội ngũ là cả một vấn đề. Thay vào đó, cô Linh thường xuyên kêu gọi các bạn sinh viên hoặc học sinh ở trường khác đến giao lưu với học sinh trong trường bằng hình thức văn nghệ. Bởi cô hiểu rằng, văn hóa văn nghệ bao giờ cũng níu con người trở nên gần nhau hơn, và học sinh trong trường cô cũng rất thích múa. Đối với học sinh, đó là cơ hội để các em giao lưu với người nói và có cơ hội hòa nhập với cộng đồng.
 
Đa số học sinh Trường Khiếm thính đều sống xa gia đình. Hiểu được sự thiếu thốn tình cảm của các em nên các thầy cô trong trường thường tổ chức cho các em vui chơi vào các dịp lễ, tết, để các em vừa có không khí gần gũi, ấm áp như ở nhà, vừa hiểu được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, biết rằng Trung thu thì có chị Hằng, chú Cuội, biết Tết cổ truyền thì có bánh tét, bánh chưng... Một trong những cách làm của cô Mai Linh và Trường Khiếm thính để trang bị kỹ năng sống cho học sinh là tổ chức cho các em hoạt động theo nhóm. Mỗi nhóm đều có các anh chị lớn và các em nhỏ. Các thầy cô là cha là mẹ, các học sinh lớn là anh là chị để chăm sóc, trông nom các em nhỏ hơn, giúp các em thấy có không khí của gia đình. Việc giáo dục giới tính cũng được nhà trường và các thầy cô chú trọng, bởi các em học sinh đã xa gia đình, ba mẹ lại hạn chế về ngôn ngữ ký hiệu nên các em ít có cơ hội để tìm hiểu kiến thức hay tâm sự. Hàng tháng, cô Mai Linh sẽ soạn các bài liên quan đến giới tính, chọn nội dung phù hợp, lựa chọn những kiến thức vừa đơn giản, dễ hiểu, vừa cần thiết với các em, chia sẻ với các em những vấn đề, tâm sự của tuổi dậy thì.
 
Cho đến giờ, sau gần 10 năm gắn bó với các em học sinh ở Trường Khiếm thính, cô Mai Linh vẫn mỉm cười bảo rằng mình đến với trường là một mối duyên. Bởi sau khi tốt nghiệp đại học, sau khi đã trải nghiệm một vài công việc khác nhau, cô Linh vẫn nhận thấy có lẽ mình hợp với nghề giáo viên nhất. “Thời sinh viên, tôi chưa biết đến ngôi trường này nhưng đã tham gia các nhóm tình nguyện, thăm các em nhỏ khiếm thính rồi dần hình thành mong muốn gắn bó với người khuyết tật để giúp ích điều gì đó cho các em. Khi đến với trường, dù nhiều khó khăn, ngỡ ngàng, nhưng tình cảm của các em học sinh lại là điểm tựa để mình vững vàng và gắn bó đến tận bây giờ”, cô Mai Linh cho biết. Nói là khó khăn, bởi từ những ngày đầu tiếp xúc với các em học sinh khiếm thính, cô Mai Linh đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, thậm chí có lúc đã rơi nước mắt vì bất lực. “Thời gian đầu, mình nói hoài học sinh không hiểu, rồi các em giận bỏ đi luôn. Mình đã bị sốc, bị buồn, bị bức xúc, nhưng dần dần cũng hiểu được tâm lý của các em. Mình cũng phải dành nhiều thời gian để học ngôn ngữ ký hiệu. Bởi chỉ khi giao tiếp được với học sinh thì mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của học sinh và mới biết được điều gì là phù hợp nhất với các em. Ngược lại, ở đây, học sinh gần như là người thầy của mình. Cô truyền cho trò kiến thức, còn trò dạy cho cô về ngôn ngữ ký hiệu” - cô Linh chia sẻ. 
 
Cô Nguyễn Thị Lợi - Phó Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng chia sẻ: “Với những học sinh khiếm thính, chỉ ai kiên trì và đồng cảm thì mới có thể hiểu các em, mới được các em vô cùng yêu quý. Cô Mai Linh chính là người nhẫn nại, gắn bó với các em trong từng chuyện nhỏ. Có những lúc học sinh làm cô giận nhưng cũng chính học sinh là người dỗ cô, vậy mới biết rằng tình cảm của các em học sinh dành cho cô Mai Linh không phải là ít”.
 
VIỆT QUỲNH