Dùng hoạt hình lôi cuốn học sinh lớp một

08:12, 20/12/2018

Những giờ học Tự nhiên - Xã hội sẽ không chỉ đơn thuần là những lời giảng lý thuyết của giáo viên nữa, thay vào đó sẽ là những hình ảnh hoạt hình sinh động, lôi cuốn với nội dung dễ hiểu, chuyển tải nội dung bài học. 

Những giờ học Tự nhiên - Xã hội sẽ không chỉ đơn thuần là những lời giảng lý thuyết của giáo viên nữa, thay vào đó sẽ là những hình ảnh hoạt hình sinh động, lôi cuốn với nội dung dễ hiểu, chuyển tải nội dung bài học. 
 
Việc vận dụng phần mềm thiết kế phim hoạt hình của Minh Thảo vào dạy học giúp các em học sinh hứng thú hơn với bài học. Ảnh: V.Q
Việc vận dụng phần mềm thiết kế phim hoạt hình của Minh Thảo vào dạy học giúp các em học sinh hứng thú hơn với bài học. Ảnh: V.Q
Đó là ý tưởng của cô sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt: Đào Lê Minh Thảo. Đề tài “Vận dụng phần mềm làm phim hoạt hình ANIMAKER trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp Một” của em vừa đoạt giải khuyến khích vòng Chung kết Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka năm 2018 diễn ra vào tháng 10 vừa qua.
 
Minh Thảo sinh năm 1998, hiện đang là sinh viên năm 3, Khoa Tiểu học - Mầm non. Cô gái nhỏ nhắn mang một niềm yêu thích đặc biệt đối với nghề giáo, một phần được truyền cảm hứng từ người mẹ cũng là giáo viên của mình. Mơ ước được trở thành người “gõ đầu trẻ”, Thảo đã sớm có những bước chuẩn bị nghiêm túc về kiến thức và kỹ năng cho mình.
 
Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Eureka là giải thưởng cao quý dành cho sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học trên toàn quốc, góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên các trường do Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka lần thứ 20 năm 2018 thu hút sự tham gia của 106 trường đại học, cao đẳng, học viện đến từ 24 tỉnh, thành trong nước với 903 đề tài của 2.263 sinh viên. Vòng chung kết diễn ra với sự tranh tài của 165 đề tài thuộc 12 lĩnh vực, bao gồm: Xã hội và Nhân văn; Giáo dục; Kinh tế; Pháp lý; Kỹ thuật - Công nghệ; Quy hoạch, Kiến trúc và Xây dựng; Công nghệ Thông tin; Công nghệ Hóa, Dược; Công nghệ Sinh - Y sinh; Nông lâm ngư nghiệp; Tài nguyên và Môi trường, Công nghệ Thực phẩm. Kết quả, Ban Tổ chức đã trao giải thưởng cho tác giả, nhóm tác giả của 100 đề tài khoa học, bao gồm 11 giải nhất, 11 giải nhì, 15 giải ba và 63 giải khuyến khích.

Ý tưởng sử dụng phim hoạt hình vào dạy học được Thảo nghĩ đến trong thời gian đi thực tập, lúc em tham gia dự giờ một tiết học của học sinh lớp một. “Em nhận thấy rằng các em học sinh rất hiếu động, khó tập trung trong giờ học khiến giáo viên rất vất vả trong việc thu hút các em học sinh hứng thú vào bài học. Lúc đó, em nghĩ rằng cần có cách nào đó vừa phù hợp với đặc điểm tâm lý, vừa bổ ích để cuốn hút học sinh”. Theo Thảo, đối với học sinh tiểu học, các em nhớ và giữ gìn chính xác những sự vật, hiện tượng cụ thể hơn là những định nghĩa hoặc những câu giải thích bằng lời. Khả năng tập trung của các em vào một hoạt động hay giờ học còn chưa được lâu bền. Các em thích quan sát các sự vật, hiện tượng có màu sắc sặc sỡ, hấp dẫn. Quá trình nhận thức của các em đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Tư duy của học sinh lớp một là tư duy cụ thể, dựa vào trực quan của đối tượng và hình tượng cụ thể. Theo đó, phim hoạt hình với những lợi thế về âm thanh, hình ảnh đẹp, màu sắc phong phú, sinh động sẽ ăn sâu vào giác quan, nhận thức, kích thích trí não phát triển, phù hợp với ước mơ và phát triển trí tưởng tượng của các em học sinh. 

 
Thảo lựa chọn phần mềm thiết kế phim hoạt hình ANIMAKER, bởi đây là một phần mềm với nhiều ưu điểm như chi phí khá rẻ, phù hợp với những người không chuyên, dễ sử dụng, phù hợp trong việc tạo ra những bộ phim hoạt hình phục vụ việc dạy học ở tiểu học nói chung và trong môn Tự nhiên và Xã hội nói riêng. Để dựng một video hoạt hình, giáo viên cần lên kịch bản, nội dung căn cứ vào mục tiêu dạy học, nội dung chương trình và đặc điểm, khả năng, trình độ nhận thức của học sinh. Từ đó, xây dựng bối cảnh, nhân vật, câu chuyện. Bối cảnh là những cảnh vật quen thuộc, xung quanh cuộc sống học sinh, nhân vật phải phù hợp và phản ánh được nội dung câu chuyện.
 
Khi dạy học bằng phim hoạt hình trong môn Tự nhiên và Xã hội lớp một, giáo viên có thể kết hợp với phương pháp đàm thoại để đặt vấn đề cho học sinh, sử dụng phương pháp thảo luận cá nhân hoặc thảo luận nhóm để yêu cầu học sinh có thể suy nghĩ, giải quyết vấn đề, yêu cầu học sinh đóng vai lại nhân vật trong video để xử lí hoặc yêu cầu học sinh kể lại câu chuyện trong video. Từ đó, tạo không gian, thời gian thư giãn, giảm căng thẳng, tái tạo năng lượng cho trẻ để việc học tập không còn là gánh nặng mà trở thành niềm say mê, yêu thích. Học sinh cũng nhớ nội dung bài học nhanh và lâu hơn.
 
Trong quá trình thực hiện đề tài, Minh Thảo đã tiến hành thực nghiệm ở 3 trường: Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Lạc Dương), Trường Tiểu học Đa Thành và Trường Tiểu học Nam Thiên (TP Đà Lạt). “Việc sử dụng phim hoạt hình trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp một nói riêng và trong dạy học nói chung tại ba trường còn rất mới. Đa số giáo viên ở 3 trường đều thấy hứng thú và công nhận hiệu quả mà phương pháp này mang lại. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen và hình thành một cách dạy mới thì không phải là điều dễ dàng. Bởi cách làm này tốn nhiều thời gian của thầy cô để chuẩn bị cho bài học. Bên cạnh đó, sự hạn chế về thiết bị công nghệ thông tin và cả hạn chế về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của giáo viên cũng là một rào cản lớn. Do đó, việc trước tiên là giáo viên cần được tiếp cận, tìm hiểu để nắm rõ hơn về việc vận dụng phim hoạt hình, vận dụng tốt phần mềm ANIMAKER. Bên cạnh đó, nhà trường cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất, các buổi chuyên đề, tập huấn” - Minh Thảo chia sẻ.
 
Theo anh Lê Xuân Sơn - Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, đề tài của Minh Thảo là Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka đầu tiên mà sinh viên trong trường đạt được sau các lần tham gia. Từ những kết quả thu được cả về lí luận và thực tiễn, “cô giáo tương lai” Minh Thảo đang mong muốn rằng, cách thức vận dụng phần mềm thiết kế phim hoạt hình ANIMAKER trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp một sẽ được áp dụng vào thực tiễn và đem lại hiệu quả cao trong thời gian tới.
 
VIỆT QUỲNH