Bằng việc đổi mới hình thức ngày càng phong phú, hấp dẫn, đặc biệt là dựng lại tình huống giả định, sân khấu hóa…; Tỉnh Ðoàn đã và đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong đoàn viên, thanh niên với các nội dung có chọn lọc, phù hợp.
Bằng việc đổi mới hình thức ngày càng phong phú, hấp dẫn, đặc biệt là dựng lại tình huống giả định, sân khấu hóa…; Tỉnh Ðoàn đã và đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong đoàn viên, thanh niên với các nội dung có chọn lọc, phù hợp.
|
Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Lâm Hà) hào hứng khi tham gia tìm hiểu về phòng chống tội phạm công nghệ cao. Ảnh: H.Thắm |
Năm nay là năm thứ 2 Huyện Đoàn Lâm Hà phối hợp với Đoàn cơ sở Công an huyện, Chi đoàn Tòa án và Chi đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tổ chức chương trình Phiên tòa giả định. Theo Bí thư Huyện Đoàn Phan Tiến Dũng, đây là dịp để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong thanh niên. Tình huống giả định về vi phạm Luật An toàn giao thông - một trong những quy định của pháp luật còn bị xem nhẹ, đặc biệt là ở đối tượng thanh niên nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bởi khi tham gia giao thông, nếu không ý thức được hành vi của mình thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ cho người khác mà đôi khi là cho chính bản thân mình. Hiện tượng không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia... vẫn còn diễn ra. Năm nay, với việc tổ chức xoay vòng tại 5 trường THPT trên địa bàn huyện, đã có hơn 3.000 học sinh, phụ huynh được tiếp cận với những nội dung bổ ích.
Năm 2018, Tỉnh Đoàn đã chọn Lâm Hà, Di Linh và TP Đà Lạt để xây dựng điểm, đăng cai hoạt động cấp tỉnh và mở rộng Phiên tòa giả định. Theo chị Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn, đây là mô hình mới, hiệu quả, nhiều nội dung sinh động, phù hợp với thực tiễn, phản ánh rõ vấn đề vi phạm phổ biến trong môi trường học đường và xã hội hiện nay. Thay vì phương pháp truyền miệng hay đọc báo cáo thì với hình thức hấp dẫn, thu hút sẽ lan tỏa đến nhiều đối tượng tiếp cận, không chỉ riêng thanh niên mà còn tác động tới nhiều tầng lớp nhân dân. Mô hình này giúp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trở nên trực quan, sinh động đối với đông đảo đoàn viên, thanh thiếu niên, từ đó hình thành chuẩn mực ứng xử văn minh, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Theo đó, việc tổ chức tuyên truyền lưu động, mô hình Phiên tòa giả định, phát tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích, infographic... được thực hiện theo các chủ đề khác nhau tại các khu đông dân cư (như: khu du lịch, bến xe, trường học, bệnh viện, siêu thị, chợ...). Đây là những cách làm tạo nên hiệu quả trong công tác thực thi, bảo vệ pháp luật, xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật; quán triệt, truyền thông, phổ biến nội dung, chính sách, quy định mới, thi hành pháp luật trong thanh thiếu niên. Thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp để khuyến khích đoàn viên, thanh niên tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của đơn vị và cá nhân.
Đối với thanh niên vi phạm pháp luật tại cộng đồng, Đoàn các cấp đã phối hợp với hệ thống chính trị tại khu dân cư, qua đó phân công trách nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ tạo điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Trong năm, các cấp, các ngành đã cảm hóa được 78 thanh thiếu niên tiến bộ và các thanh thiếu niên này được kết nạp vào đoàn. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn còn liên hệ với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trên địa bàn để tạo công ăn việc làm ổn định cho thiếu niên vi phạm pháp luật sau khi được cảm hóa. Việc giáo dục ý thức và lợi ích của việc tuân thủ, chấp hành pháp luật được gắn liền với nội dung giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tuân thủ kỷ cương, kỷ luật công vụ trong thanh thiếu niên. Quá trình xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng, khen thưởng, tôn vinh gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong tuân thủ, chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên cũng liên tục được nhân rộng.
Nhằm kịp thời tuyên truyền, phổ biến, giúp nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật trong đoàn viên, tổ chức đoàn các cấp tiếp tục thực hiện đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa phương trên địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật đến năm 2021”. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo các huyện, thành đoàn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ, đội thanh niên xung kích tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mô hình CLB Tuổi trẻ với pháp luật, Thắp sáng niềm tin, Tuổi trẻ phòng chống tội phạm...
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.750 đội thanh niên xung kích với 24.400 đội viên tham gia. Tỉnh Đoàn đã chủ động phối hợp với các ngành hữu quan nhằm tận dụng và khơi thông các nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng, mở rộng hoạt động của 202 CLB Tuổi trẻ với pháp luật, Tuổi trẻ phòng chống tội phạm và thành lập mới 48 CLB Phòng chống bạo lực học đường tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Đoàn cũng tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cấp bộ Đoàn nghiên cứu, triển khai nhân rộng để công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật càng hiệu quả hơn trong thời gian tới.
HỒNG THẮM