Xuất phát từ nhu cầu của bản thân và tính thực tiễn trong đời sống, Dự án "Dầu gội túi lọc từ lá dâu tằm" của nhóm giảng viên trẻ và sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Ðà Lạt đã đoạt giải khuyến khích Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - mô hình khởi nghiệp sáng tạo lần thứ I - 2018 và lọt vào vòng gọi vốn của Tổ Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Ðồng.
Xuất phát từ nhu cầu của bản thân và tính thực tiễn trong đời sống, Dự án “Dầu gội túi lọc từ lá dâu tằm” của nhóm giảng viên trẻ và sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Ðà Lạt đã đoạt giải khuyến khích Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - mô hình khởi nghiệp sáng tạo lần thứ I - 2018 và lọt vào vòng gọi vốn của Tổ Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Ðồng. Ðây cũng là một trong 60 đề án lọt vào vòng bán kết Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ I, năm 2018 do Trung ương Ðoàn tổ chức.
|
Nhóm giảng viên, sinh viên của dự án và sản phẩm dầu gội túi lọc từ lá dâu tằm mang đến nhiều tiện lợi. Ảnh: V.Quỳnh |
Tận dụng nguyên liệu thế mạnh
Nhắc đến dầu gội thảo mộc, người ta sẽ nghĩ nhiều đến các nguyên liệu quen thuộc từ xưa như bồ kết hay vỏ bưởi. Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu và tự áp dụng đối với bản thân mình, cô Nguyễn Huyền Sâm - giảng viên môn Sinh học - Khoa Tự nhiên Trường Cao đẳng Sư phạm nhận ra rằng, dầu gội từ lá dâu tằm tuy mới lạ, chưa được nhiều người biết đến nhưng lại có những hiệu quả khác biệt so với các nguyên liệu khác. Đó là lý do mà cô Sâm cùng các cộng sự hình thành nên ý tưởng khởi nghiệp là dầu gội túi lọc từ lá dâu tằm.
Còn cô Trần Thị Kim Anh - giảng viên Khoa Tiểu học - Mầm non, một thành viên của dự án, cho biết: Chúng ta đang ngày càng sử dụng quá nhiều hóa chất lên tóc và da đầu. Có một số người vẫn lựa chọn những liệu pháp là các loại lá trong tự nhiên nhưng hầu hết chúng ta không có nhiều thời gian để lựa chọn lá, làm sạch và nấu.
Đối với khu vực Lâm Đồng, đặc biệt là huyện Lâm Hà đang phát triển mạnh nghề trồng dâu, nuôi tằm thì việc sử dụng lá dâu là nguyên liệu chính để làm sản phẩm túi lọc gội đầu là sự lựa chọn phù hợp với đặc điểm vùng miền, vừa tăng thu nhập cho người dân và vừa tạo ra một loại sản phẩm tốt cho tóc.
Có thể thấy, trong những năm qua, diện tích trồng dâu của Lâm Đồng ngày càng tăng để phục vụ cho việc nuôi tằm. Tuy nhiên, lá dâu làm thức ăn cho tằm phải là lá non. Lá dâu già, nhiều nước đều ảnh hưởng xấu đến tằm như phát dục không đều, dễ nhiễm bệnh, kén mòng... dẫn đến thất thu cao. Chính vì vậy mà người nông dân bỏ đi rất nhiều những lá dâu chưa đạt chuẩn. “Với việc tạo ra sản phẩm dầu gội túi lọc từ lá dâu tằm, chúng tôi mong muốn những lá già thay vì bỏ đi, chúng ta có thể thu lại để chế biến. Việc làm này giúp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lá dâu, vừa tăng thu nhập cho người dân trồng dâu.” - Phạm Bảo Mai Hương (sinh viên năm 3 Khoa Tiểu học - Mầm non), người trực tiếp tham gia vào công đoạn làm sản phẩm cho biết.
Để tăng cường hiệu quả của lá dâu tằm, các giảng viên và sinh viên nghiên cứu, phối trộn thêm với bồ kết, lá ổi để làm sạch tóc cộng với hương nhu trắng, hương thảo, vỏ bưởi, sả chanh... để cung cấp tinh dầu giúp nuôi dưỡng tóc bóng mượt, đồng thời tạo mùi thơm cho sản phẩm.
Khởi nghiệp để tạo cảm hứng cho sinh viên
Là một giảng viên còn rất trẻ, cô Kim Anh (sinh năm 1990) đang là Bí thư Chi đoàn Khoa Tiểu học - Mầm non, còn cô Huyền Sâm đang là Phó Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Hai cô đều chia sẻ rằng, việc mình cùng tham gia vào các dự án khởi nghiệp cùng với các bạn sinh viên là để truyền động lực, cảm hứng nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp cho các bạn. “Khi nhắc tới khởi nghiệp, các bạn sinh viên đều nghĩ đó là việc gì đó rất to tát và rất ngại tham gia. Chính vì vậy mà chúng tôi muốn tạo sân chơi, truyền cảm hứng cho các phong trào, hoạt động, thúc đẩy đam mê nghiên cứu cho sinh viên...” - cô Kim Anh chia sẻ.
Dự án “Dầu gội túi lọc từ lá dâu tằm” đã là dự án thứ 2 do giảng viên kết hợp với sinh viên trong trường đoạt giải các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp. Theo cô Huyền Sâm, trong 3 năm trở lại đây, phong trào nghiên cứu khoa học và ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm đã phát triển hơn. Nếu như trước đây cần phải có giảng viên đi kèm với sinh viên trong các dự án thì bây giờ đã có các bạn tách ra làm riêng.
Hiện tại, toàn Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đã có 6 đề tài tham gia các cuộc thi khởi nghiệp. Các bạn sinh viên đã tham gia nhiều hơn vào các Diễn đàn khởi nghiệp của tỉnh, các lớp tập huấn và áp dụng vào thực tiễn cuộc sống ở gia đình của các em.
Với Mai Hương, ngoài tham gia vào các lớp tập huấn khởi nghiệp như trước đây, việc trực tiếp tham gia vào dự án lần này giúp cô sinh viên năm 3 đam mê khởi nghiệp vừa lấy được kinh nghiệm cho bản thân, vừa được học hỏi các dự án khác và nắm bắt các cơ hội được đầu tư vốn. Theo Hương, khởi nghiệp giúp em vừa vận dụng được kiến thức, lại có thể hình thành tư duy làm chủ và làm giàu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Hiện tại, với việc lọt vào vòng gọi vốn của tỉnh và là một trong 60 đề án lọt vào vòng bán kết Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ I, năm 2018 do Trung ương Đoàn tổ chức, các thành viên của Dự án “Dầu gội túi lọc từ lá dâu tằm” đã có đủ niềm tin và cơ sở để phát triển sản phẩm và đưa ra thị trường.
“Ưu điểm của sản phẩm là được tạo ra từ thiên nhiên, không chứa hóa chất, không tổn hại đến sức khỏe người mua. Tuy nhiên, sẽ còn có nhiều khó khăn như người tiêu dùng đã quen với sản phẩm họ đang sử dụng, việc khiến các khách hàng đổi loại dầu gội là một thử thách rất lớn chúng tôi cần vượt qua. Tuy nhiên, khi đã được cả nhà trường cũng như tỉnh hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để khởi nghiệp như hiện nay, chúng tôi nhất định sẽ bắt tay đưa ý tưởng thành hiện thực” - cô Huyền Sâm chia sẻ.
VIỆT QUỲNH