Từ "ao làng" vươn mình ra "biển lớn"

10:02, 12/02/2019

Lần đầu tiên tham gia Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, hai học sinh trường huyện của Lâm Đồng đã đoạt giải ba. Ý tưởng khởi nghiệp này đã được hai doanh nghiệp hỗ trợ để có thể hiện thực hóa trong một ngày không xa. 

Lần đầu tiên tham gia Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức, hai học sinh trường huyện của Lâm Đồng đã đoạt giải ba. Ý tưởng khởi nghiệp này đã được hai doanh nghiệp hỗ trợ để có thể hiện thực hóa trong một ngày không xa. 
 
Niềm vui của Ân và Kiên cùng thầy Phó Hiệu trưởng khi hai bạn đoạt giải ba Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2018. Ảnh: T.Hương
Niềm vui của Ân và Kiên cùng thầy Phó Hiệu trưởng khi hai bạn đoạt giải ba Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2018. Ảnh: T.Hương
Đó là hai học sinh: Phan Nguyễn Thiên Ân và Hoàng Trung Kiên - lớp 11A2 Trường THPT Chu Văn An, huyện Đức Trọng với Dự án “Sản xuất phân phối sản phẩm từ lá thông phục vụ đời sống”. Học tập tại một ngôi trường không nằm ở khu vực trung tâm, nhưng Ân và Kiên đã mạnh dạn đăng ký tham gia cuộc thi với niềm yêu thích kinh doanh và sự nung nấu ý tưởng từ nhiều năm trước. 
 
Ân cho hay: “Sinh ra và lớn lên ở vùng có nhiều thông, em thích cây thông, quả thông, lá thông từ nhỏ và nhất là mùi thơm đặc trưng của thông. Mùa hè, em thường cùng các bạn lên rừng thông chơi, thấy lá thông khô rụng rất nhiều, người ta thường gom vào một chỗ để đốt. Em thấy điều này rất nguy hiểm, vừa dễ gây cháy rừng, khói bụi cũng làm ô nhiễm không khí. Thế là em và Kiên có ý tưởng thu gom lá thông khô để tạo ra sản phẩm ứng dụng trong thực tế, đó là sáp thơm từ tinh dầu và gỗ nhân tạo từ bã lá thông sau khi ép”.
 
Năm 2018 là năm đầu tiên Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” mở rộng đến đối tượng học sinh trung học. Sau khi vượt qua vòng thi cơ sở và vòng thi toàn quốc, ý tưởng khởi nghiệp của Ân và Kiên lọt vào vòng thi chung kết, tranh tài với 10 dự án của sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm cùng 4 dự án của học sinh các trường THPT trên toàn quốc và đoạt giải ba.

Từ những kiến thức được học cũng như tìm tòi trên mạng, Ân và Kiên biết rằng tinh dầu từ lá thông có tính sát khuẩn và làm sạch không khí nên quyết định sẽ làm sáp thơm chống mối mọt. Và sau khi chưng cất, bã có thể dùng làm gỗ nhân tạo vì không bị rã khi ngâm vào nước. Sản phẩm được làm ra có nhiều công dụng, chi phí thấp, lại tận dụng được nguyên liệu có sẵn tại địa phương là một trong những yếu tố giúp ý tưởng của đôi bạn giành được giải. 

 
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để tạo ra được hai sản phẩm này, đôi bạn phải mất hơn hai tháng từ khi bắt tay vào làm. Kiên kể: “Khó khăn nhất là việc xay nhỏ lá thông, vì không có loại máy nào có thể cắt vụn từng lá thông. Chúng em mang ra chỗ xay bột, người ta nói không xay được, đến thử máy xay sinh tố, cũng không thể xay nhỏ mịn, cuối cùng phải cắt nhỏ lá thông bằng kéo thủ công và dùng máy xay tiêu xay từng ít một, công đoạn này tốn nhiều thời gian nhất”. Thêm vào đó, tìm ra loại keo dính phù hợp cũng khiến đôi bạn vất vả, phải đặt mua trên mạng bởi một vài tiệm có bán nhưng giá quá mắc.
 
Kiên vốn bị tật cườm mắt từ nhỏ, vì vậy, ý tưởng khởi nghiệp của đôi bạn với mong muốn lớn nhất là sau này có thể giúp Kiên tìm được việc làm phù hợp với điều kiện sống ở địa phương, Kiên sẽ lập nghiệp được từ chính sản phẩm do bàn tay, khối óc của mình. Và, suy nghĩ nhân văn đó cũng góp phần vào giải ba mà Ban giám khảo đánh giá về ý tưởng khởi nghiệp của Ân và Kiên. Ngoài giải thưởng Ban tổ chức trao, ý tưởng khởi nghiệp này còn được hai doanh nghiệp Việt Nam tại Anh hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật để phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất, kinh doanh trong tương lai.
 
Với niềm tự hào về học trò của mình, thầy Hoàng Khắc Thưởng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết: “Đây là niềm vui và vinh dự của thầy và trò. Nhưng lớn nhất là niềm tin các em học sinh đã có nhận thức về khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhà trường đang thực hiện việc điều chỉnh phương pháp giảng dạy, dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh, học đi đôi với hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
 
Bà Phạm Thị Hồng Hải - Phó Giám đốc Sở GDĐT cho rằng: “Tuy không phải là trường trung tâm nhưng học sinh THPT Chu Văn An đã mạnh dạn tham gia một cuộc thi lớn và đoạt giải. Sự nỗ lực của thầy và trò đã biến ý tưởng thành sản phẩm thực tế”. 
 
Và, bên cạnh giải thưởng cùng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp của hai học trò trường huyện còn nhận được sự quan tâm đặc biệt: “Ngoài việc được Tập đoàn CJ Hàn Quốc tặng học bổng, Tập đoàn này sẽ theo dõi quá trình học tập của các em và mong muốn các em sẽ làm việc cho Tập đoàn trong tương lai”, Phó Giám đốc Sở GDĐT Phạm Thị Hồng Hải cho biết thêm.
 
TUẤN HƯƠNG