Năm học 2018-2019, các trường THPT trên địa bàn tỉnh chú trọng tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo cho học sinh nhằm đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Năm học 2018-2019, các trường THPT trên địa bàn tỉnh chú trọng tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo cho học sinh nhằm đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
|
Học sinh Trường THPT LangBiang tìm hiểu cách rang, xay cà phê của người đồng bào K’Ho thôn B’Nơr C, thị trấn Lạc Dương |
Chuyến đi tìm hiểu làng nghề dệt truyền thống và tham quan mô hình trồng, rang, xay cà phê của người đồng bào K’Ho thôn B’Nơr C, thị trấn Lạc Dương vào trung tuần tháng 3 vừa qua đã để lại nhiều ấn tượng cho cô và trò Tổ Văn - Anh văn Trường THPT LangBiang (huyện Lạc Dương). Kra Jãn Suyn - lớp 12A1 háo hức: “Được tận mắt thấy cách dệt một tấm thổ cẩm cũng như cách rang, xay để cho ra một ly cà phê thơm ngon thật thú vị. Nhà em cũng trồng cà phê nhưng chưa bao giờ em nghĩ tự mình có thể pha ly cà phê từ chính những quả chín trong vườn. Chuyến trải nghiệm này giúp em có thêm lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, có thể là mở một quán cà phê tự rang, xay từ nguyên liệu có sẵn ở vườn nhà”.
Với cô Lê Thị Hồng Vân - giáo viên Anh văn: “Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống B’Nơr C và quán K’Ho Coffee là nơi thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài đến tham quan, vì vậy, chuyến đi cũng là dịp để các em học sinh vừa trải nghiệm hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài để nâng cao khả năng nghe - nói tiếng Anh”.
Theo thầy Nguyễn Mậu Pháp - Phó Hiệu trưởng nhà trường: “Chuyến đi là sự trải nghiệm về hoạt động thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Qua đó, tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học, các lĩnh vực giáo dục khác nhau để có thể trải nghiệm thực tiễn trong nhà trường, gia đình và xã hội. Đồng thời, giúp các em có cơ hội để tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng và hoạt động hướng nghiệp”.
Còn với Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Di Linh), hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với sản xuất, kinh doanh được nhà trường thực hiện từ năm học 2017 - 2018. Hiện nay, nhà trường đang có ba sản phẩm được tạo ra từ hoạt động nghiên cứu khoa học và trải nghiệm sáng tạo của học sinh, gồm: than sinh học nung từ vỏ sầu riêng, than tiền hoạt tính từ gáo dừa và chế phẩm Rosemary chiết xuất từ tinh dầu các loại lá cây như sả, chanh, hương nhu... để phòng chống muỗi, côn trùng. Nguyễn Hoài Bảo - học sinh lớp 12A4 cho biết: “Từ hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chúng em có thể áp dụng những kiến thức được học để nghiên cứu ra các sản phẩm có thể ứng dụng hiệu quả vào thực tế. Từ đó, gắn với sản xuất, kinh doanh, rất có ích trong hoạt động hướng nghiệp sau này. Ví dụ như chế phẩm Rosemary phòng chống muỗi, côn trùng đã được bán cho học sinh, giáo viên trong trường cũng như người dân khu vực xung quanh trường”.
Từ năm học 2017 - 2018, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh là một trong những nhiệm vụ của giáo dục trung học. Hoạt động này được đẩy mạnh trong năm học 2018 - 2019. Theo đó, Sở GDÐT yêu cầu các trường đảm bảo đủ về mặt thời gian và không gian cho các hoạt động trải nghiệm. Ðồng thời, các nội dung trải nghiệm phù hợp với môn học, nhóm môn học theo khối lớp theo định hướng phát huy năng lực và phẩm chất của học sinh.
“Bên cạnh hoạt động dạy học, ngành Giáo dục đang khuyến khích các trường tổ chức, thu hút học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo góp phần phát triển năng lực học sinh. Qua đó, nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục trung học từ việc đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Đồng thời, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống để hội nhập sau này”, ông Trần Đức Lợi, Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng cho hay.
VIỆT HÙNG