Hoạt động Ðoàn cơ sở trước yêu cầu đổi mới (Kỳ 1)

09:03, 22/03/2019

Những năm gần đây, hoạt động Đoàn cơ sở tại nông thôn đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của các đoàn xã, thị trấn, chi đoàn thôn, buôn vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập...

[links()] Những năm gần đây, hoạt động Đoàn cơ sở tại nông thôn đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của các đoàn xã, thị trấn, chi đoàn thôn, buôn vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Ở nhiều địa phương, chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn cơ sở cũng như việc tập hợp, đoàn kết đoàn viên thanh niên (ĐVTN) vẫn là “bài toán” khó, phức tạp. Nguyên nhân của những khó khăn đó là gì và đâu là giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác Đoàn ở cơ sở?
 
Khi Ðoàn vắng bóng đoàn viên
 
Lâm Ðồng là địa phương tập trung nhiều dân tộc sinh sống với nhiều tôn giáo khác nhau, nên một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở đoàn trong tỉnh là đoàn kết, tập hợp thanh niên dân tộc, tôn giáo. Nhưng thực tế, đối với các xã nông thôn, vùng sâu vùng xa, việc tập hợp ÐVTN không phải là điều dễ dàng. Ðây được xem là “bài toán” quan trọng nhất nhưng cũng khiến các tổ chức Ðoàn đau đầu nhất.
 
Thời đại mới đặt ra những yêu cầu và thách thức đối với chất lượng các hoạt động Đoàn tại cơ sở
Thời đại mới đặt ra những yêu cầu và thách thức đối với chất lượng các hoạt động Đoàn tại cơ sở
 
Khó tập hợp
 
Mặc dù đang trong thời gian Tháng Thanh niên với nhiều hoạt động sôi nổi khẳng định nhiệt huyết và vai trò của tuổi trẻ, thế nhưng tại thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), việc vận động, tập hợp ĐVTN tại các chi đoàn thôn tham gia vào các hoạt động như ra quân “Ngày Chủ nhật xanh” lại không phải là một điều dễ dàng. Các chương trình vẫn được diễn ra, nhưng phần lớn đều nhờ vào lực lượng đoàn viên hiện là học sinh tại các trường THCS & THPT trên địa bàn là chính. Bởi theo anh Lơ Mu Ha Thiêm - Bí thư Đoàn thị trấn Lạc Dương: “Việc tập hợp ĐVTN nông thôn lâu nay thật sự khó khăn. Vì dựa trên tinh thần tự nguyện nên mỗi khi có hoạt động gì, chúng tôi phải xuống tận thôn để vận động từng đoàn viên tham gia nhưng số lượng cũng chẳng được bao nhiêu. Có lẽ trong thời đại công nghệ thông tin, các bạn trẻ hào hứng với điện thoại và Internet hơn là các phong trào Đoàn”.
 
Khó tập hợp ĐVTN cũng là tình trạng chung mà các Đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh gặp phải. Anh Phan Tiến Dũng - Bí thư Huyện đoàn Lâm Hà buộc phải công nhận rằng: “Khó khăn lớn nhất mà địa phương gặp phải hiện tại là việc tập hợp ĐVTN. Thanh niên trong huyện chủ yếu đi làm ăn xa. Bộ phận ở nhà chủ yếu là làm nông nên cũng không thể nào buộc họ phải cắt xén bớt thời gian dành cho hoạt động Đoàn. Bên cạnh đó, sự phân hóa xã hội ngày càng sâu khiến các nhóm thanh niên dần xa nhau dẫn đến khó tập hợp. Thanh niên vùng dân tộc và tôn giáo có nhiều khác biệt nên cũng khó hòa nhập chung”. 
 
Là một trong những tổ chức cơ sở đoàn vững mạnh, thế nhưng việc tập hợp ĐVTN ở xã Tam Bố (huyện Di Linh) cũng không ngoại lệ dù tỷ lệ đoàn viên chiếm gần 40% thanh niên toàn xã. Nếu như các hoạt động vui chơi, hội trại, văn nghệ, thể thao còn huy động được trên 50% số lượng ĐVTN thì các hoạt động khác như dọn dẹp vệ sinh môi trường cũng chỉ huy động được 30% ĐVTN. Riêng các buổi tuyên truyền về luật pháp, về Luật ATGT hay bảo hiểm xã hội thì đa phần chỉ có các bí thư chi đoàn tham gia, rất hiếm xuất hiện các ĐVTN trên tinh thần tự nguyện.
 
Mặc dù chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn dân cư đang từng bước được nâng cao, nhưng chị Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn vẫn phải thừa nhận rằng: Chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đoàn, nhất là chi đoàn còn thấp; nội dung, hình thức sinh hoạt và hoạt động của Đoàn còn thiếu hấp dẫn, ít sáng tạo, chưa theo kịp sự chuyển động của tình hình thanh niên cũng như yêu cầu tập hợp thanh niên trong giai đoạn hiện nay.
 
 
Ðâu là nguyên nhân?
 
Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn trên địa bàn dân cư giai đoạn 2018 - 2022” do Tỉnh Đoàn tổ chức vào tháng 6/2018, các cán bộ Đoàn cơ sở đã chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên: Đó là do nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn cơ sở chậm đổi mới, chưa phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên; đội ngũ bí thư chi đoàn, đoàn cơ sở thay đổi nhanh nhưng chưa chuẩn bị tốt đội ngũ thay thế. Điều kiện, phương tiện hoạt động, nguồn lực cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở cơ sở vẫn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý đoàn viên thiếu chặt chẽ, thậm chí bị buông lỏng; công tác bồi dưỡng chuẩn bị cho thanh niên vào Đoàn chưa được quan tâm đầy đủ.
 
Bên cạnh đó, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, xã hội của một bộ phận cán bộ Đoàn cơ sở còn yếu, tụt hậu so với thanh niên. Chất lượng đoàn viên ở một số lĩnh vực, khu vực chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; vai trò của đoàn viên chưa được phát huy, khả năng vận động, tập hợp thanh niên còn nhiều hạn chế; một bộ phận đoàn viên còn thụ động, ý thức xây dựng tổ chức chưa cao. Một bộ phận thanh niên chưa nhạy bén chính trị, thiếu mạnh dạn trong việc dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thiếu tính xông pha lăn xả. Mối quan hệ giữa thủ lĩnh thanh niên với ĐVTN chưa gắn bó, chưa nắm bắt kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của ĐVTN.
 
Đồng tình với điều này, anh Trần Thế Hoàng - Phó Bí thư Huyện đoàn Đạ Tẻh cho rằng: Hiện tại số ĐVTN ở huyện rất ít, ở một vài tổ dân phố thuộc thị trấn, số lượng ĐVTN chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hầu hết thanh niên đi học, đi làm ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp… nên huy động tham gia phong trào rất khó. Chỉ có bí thư, phó bí thư các chi đoàn là tham gia bởi được gắn trách nhiệm như thôn đội trưởng, tổ vay vốn… nên cũng gần như là bắt buộc phải tham gia. Hằng năm, bí thư chi đoàn đều được tham gia tập huấn, được trang bị kỹ năng nói, kỹ năng thu hút đám đông nhưng cái quan trọng nhất là đám đông thì lại không có được.
 
Có một thực tế cần phải nhìn nhận là, nếu muốn tập hợp ĐVTN ở nông thôn thì phải cho họ thấy lợi ích trước mắt. Thế nhưng, theo bạn Nguyễn Tấn Tài (đoàn viên Chi đoàn Thôn 1A, xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh): “Nhu cầu của ĐVTN là việc làm, vốn phát triển kinh tế gia đình, các tụ điểm vui chơi, sinh hoạt giải trí... nhưng thật sự các tổ chức Đoàn chỉ đáp ứng một phần nhỏ. Chính vì vậy mà ĐVTN dành nhiều thời gian để làm kinh tế ở nhà, truy cập mạng xã hội vào thời gian rảnh hơn là tham gia các hoạt động mà tổ chức Đoàn phát động”. 
 
Còn theo anh Huỳnh Hữu Kha Ly - Bí thư Đoàn xã Tam Bố, một phần lý do khiến ĐVTN không mấy mặn mà với phong trào Đoàn là các hoạt động hướng quá nhiều đến việc giáo dục thanh niên bằng những phương pháp chưa thực sự phù hợp với trình độ và nhận thức của ĐVTN. “Ở xã Tam Bố, hầu như thanh niên tại các chi đoàn thôn đều có trình độ học vấn từ cấp III trở xuống. Do đó, khi nghe các chương trình tập huấn về luật này quy định kia, họ không hiểu nên nhanh chóng cảm thấy chán nản và lần sau không còn hứng thú tham gia. Số ĐVTN có mặt ở địa phương ngoài trường học, thì phần đông là đã lập gia đình, nên cũng không còn mặn mà với hoạt động Đoàn” - anh Kha Ly chia sẻ.
 
Anh Vũ Thành Công Bí thư Huyện đoàn Di Linh:
 
“ĐVTN ở trên địa bàn khu dân cư đã ít, hầu hết lại có xuất phát điểm về trình độ khá thấp, bởi đa số các bạn tốt nghiệp đại học, cao đẳng đều đã đi làm ăn xa. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động Đoàn. Khi mà con người ở địa phương không có thì Đoàn không thể nào đặt yêu cầu quá cao về chất lượng của Đoàn cơ sở, ngay cả bí thư chi đoàn cũng không có nhiều lựa chọn”.
 
 
Chị Nguyễn Thị NhungBí thư Huyện đoàn Ðam Rông:
 
“Với đặc thù là huyện vùng sâu vùng xa, thanh niên ở huyện còn nghèo, cuộc sống và thu nhập không ổn định cũng gây nên tâm lý tự ti, khiến ĐVTN không thoải mái khi tham gia các hoạt động Đoàn. Bên cạnh đó, khi các phương tiện thông tin giải trí khá nhiều như hiện nay, thanh niên có nhiều sự lựa chọn các hình thức giải trí hơn nên việc tham gia vào tổ chức đoàn cũng không còn là ưu tiên số một như trước đây. Đó cũng là trở ngại lớn nhất để thu hút tập hợp thanh niên”.
 
 
Anh Lò Vũ Ðại Bí thư Ðoàn xã N’Thol Hạ (Ðức Trọng):
 
“Khi mà tất cả những ĐVTN đều sử dụng Facebook, Đoàn xã phải tận dụng, lập Fanpage để thông báo các hoạt động ở trên đó. Các CLB được lập ra theo sở thích của ĐVTN như âm nhạc, múa hát, cồng chiêng,... Bên cạnh đó, các hoạt động xã hội được tăng cường tổ chức nhằm tăng tinh thần đền ơn đáp nghĩa cho ĐVTN. Đây cũng là một cách để thu hút, tập hợp, giáo dục và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng”. 
 
 
Anh Ðỗ Duy Toàn Ðoàn viên Chi đoàn Thôn 2, xã Quốc Oai (Ðạ Tẻh):
 
“Phong trào Đoàn phải có gì đó thực sự hấp dẫn hơn. Nếu chỉ đơn giản là nhu cầu giải trí về mặt tinh thần thì chỉ cần một chiếc ti vi, điện thoại là đủ. Chúng tôi vẫn nhắc nhau về cái thời “guitar, đèn cầy”, chỉ cần không gian ấm cúng đơn giản như vậy thôi mà mỗi lần có đến vài chục người cùng tham gia. Thế nhưng chừng đó là không đủ để hấp dẫn các ĐVTN trong thời đại ngày nay”.
 
VIỆT QUỲNH - HỒNG THẮM