Hoạt động Ðoàn cơ sở trước yêu cầu đổi mới (Kỳ 3)

08:03, 26/03/2019

Trước những khó khăn đang gặp phải, hoạt động Ðoàn trong thời kỳ mới đang đặt ra cho những người làm công tác Ðoàn nhiều thách thức. Trong đó, câu hỏi lớn nhất là phải tổ chức những hoạt động gì và với hình thức như thế nào để thật sự thu hút, đoàn kết, tập hợp đoàn viên thanh niên (ÐVTN) tham gia vào tổ chức.

Chủ động thay đổi để phù hợp với thanh niên thời đại mới
 
[links(right)] Trước những khó khăn đang gặp phải, hoạt động Ðoàn trong thời kỳ mới đang đặt ra cho những người làm công tác Ðoàn nhiều thách thức. Trong đó, câu hỏi lớn nhất là phải tổ chức những hoạt động gì và với hình thức như thế nào để thật sự thu hút, đoàn kết, tập hợp đoàn viên thanh niên (ÐVTN) tham gia vào tổ chức.
 
Các hoạt động trải nghiệm các mô hình khởi nghiệp thành công tạo sự hấp dẫn với các bạn ĐVTN.
Các hoạt động trải nghiệm các mô hình khởi nghiệp thành công tạo sự hấp dẫn với các bạn ĐVTN.
 
Ðổi mới các hình thức tập hợp
 
Mặc dù ngay cả Trung ương Đoàn cũng phải nhìn nhận thực tế rằng chất lượng hoạt động Đoàn ở địa bàn dân cư còn nhiều hạn chế, thế nhưng, ở một vài nơi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hằng ngày vẫn đang có những mô hình hoạt động thu hút được sự tham gia của đông đảo ĐVTN.
 
Thôn Liêng Trang 2 (xã Đạ Tông, huyện Đam Rông) có 95% người đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên sinh sống, trình độ dân trí thấp. Mặc dù toàn bộ ĐVTN đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng việc sinh hoạt chi đoàn vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật mỗi tuần vẫn được duy trì đều đặn từ nhiều năm nay. 
 
Anh Kơ Sã Ha Brãn - Bí thư Chi đoàn thôn Liêng Trang 2 biết được rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN để tổ chức các mô hình, hoạt động phù hợp, nên “Tổ đổi công thanh niên” được thành lập và duy trì hoạt động nhằm giúp nhau xóa đói, giảm nghèo. Thông qua hoạt động của tổ, ĐVTN có cơ hội trao đổi khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, góp phần đưa kinh tế gia đình ngày càng đi lên; tăng cường tình đoàn kết; giảm thiểu tư tưởng trông chờ, ỷ lại. 
 
Hiểu rằng trong bản thân mỗi người trẻ đều có nhiệt huyết được cống hiến cho mảnh đất mình đang sinh sống, nhưng điều quan trọng là phải có người đứng ra tập hợp, gầy dựng được phong trào, anh Hà Vĩnh Du - Bí thư Đoàn xã Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh) đã cùng BCH Đoàn xã tổ chức cho các ĐVTN tham gia nhiều chương trình ý nghĩa, thiết thực như: Tân trang xe đạp cũ tặng học sinh nghèo đến trường, phát bánh và sữa vào sáng thứ hai hàng tuần cho 120 em học sinh khó khăn, sửa chữa nhà cho những cụ già neo đơn... Thông qua những hoạt động mang tính cộng đồng này mà Đoàn xã Triệu Hải đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của ĐVTN, đồng thời nhận được sự ủng hộ của nhiều cá nhân, đơn vị, ngay cả những người dân trong xã đi làm ăn xa. 
 
Có thể thấy rằng, một trong những điểm quan trọng nhất làm nên thành công của tổ chức Ðoàn trong thời kỳ mới là phải làm cho ĐVTN hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia các phong trào Đoàn. Bên cạnh đó, cán bộ Ðoàn các cấp cũng phải thật sự gần gũi, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của ÐVTN trong địa bàn phụ trách để xây dựng các mô hình hoạt động, tập hợp thật sự hấp dẫn và thu hút ĐVTN tham gia. 
 
Theo chị Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng: “Đoàn bắt buộc phải tùy vào đối tượng để tổ chức các hoạt động, đưa các mô hình thích hợp. Thanh niên bây giờ có nhu cầu về vốn, việc làm thì việc tổ chức các đợt tham quan mô hình, các diễn đàn khởi nghiệp sẽ có sức hút, sức tác động lớn. Mạng xã hội Facebook cũng được tận dụng để lan tỏa các mô hình hay, các hành động đẹp đến với ĐVTN”. Chương trình “Giao lưu thực tế, kết nối khởi nghiệp” được Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức vào tháng 10/2018 là minh chứng rõ nhất cho điều này. Chương trình đã thu hút và kết nối hơn 150 bạn ĐVTN có niềm đam mê đặc biệt đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp và khởi nghiệp, tạo môi trường để các bạn trẻ giao lưu và học hỏi. 
 
Chủ động tạo kinh phí hoạt động
 
Vấn đề hạn hẹp về kinh phí hoạt động là một trong những khó khăn mà bất cứ Đoàn cơ sở nào cũng gặp phải. Hoạt động nhiều, trong khi nguồn kinh phí được cấp lại hạn chế dẫn đến tình trạng không tránh khỏi là một số chương trình chỉ được tổ chức một cách qua loa, hình thức, ĐVTN cũng ít có điều kiện vay vốn để phát triển kinh tế. 
Ngay tại huyện Đơn Dương, theo số liệu thống kê của Huyện đoàn, mặc dù mức độ tập hợp ĐVTN đạt 56% - một con số khá cao so với các địa phương khác, thế nhưng một trong những vấn đề mà các cơ sở đoàn tại đây gặp phải cũng vẫn là thiếu con người, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động.
 
Trước tình trạng này, một số Đoàn địa phương đã chủ động tạo nguồn quỹ bằng nhiều hình thức đa dạng. 
 
Là thôn có điều kiện kinh tế còn hết sức hạn chế, để có nguồn quỹ hoạt động riêng cho Đoàn, Chi đoàn thôn Liêng Trang 2 đã thường xuyên đảm nhận các công việc trong thôn, xã như: trồng cây, thu hoạch cà phê, sản xuất nông nghiệp cùng với bà con và huy động ĐVTN tham gia. Nhờ đó, tính đến thời điểm này, chi đoàn đã có nguồn quỹ hơn 10 triệu đồng, sẵn sàng cho các hoạt động hỗ trợ và phong trào. Hàng năm, “Tổ đổi công thanh niên” cũng xây dựng được nguồn vốn từ 25 - 30 triệu đồng, cho đoàn viên vay để phát triển kinh tế hiệu quả.
 
Tại huyện Di Linh, riêng trong năm 2018, Đoàn xã Tam Bố đã nhận trồng và chăm sóc cho hơn 700 cây xanh để tạo nguồn quỹ. Bên cạnh đó, CLB Kỹ năng của Đoàn xã còn tổ chức Hội trại cho các trường học, nhận làm cổng chào bằng tre cho các tuyến đường hoa, làm bảng chỉ đường cho các tuyến đường,... để lấy kinh phí hoạt động. Đoàn xã Hòa Bắc cũng bán vé số để gây quỹ tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi. 
 
Các mô hình “Hũ gạo tình thương” của Ðoàn xã N’Thol Hạ (Ðức Trọng) hay phát bánh và sữa cho học sinh nghèo của Đoàn xã Triệu Hải (Đạ Tẻh) cũng được xây dựng và thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa. Có thể thấy rằng, việc các cơ sở đoàn tự tạo thêm nguồn quỹ hoạt động cho mình vừa giúp các đơn vị chủ động, mạnh dạn hơn trong tổ chức các hoạt động tập hợp ĐVTN, vừa thể hiện sự năng động, sáng tạo và nhạy bén của cán bộ Đoàn trong thời kỳ mới.
 
 
Anh Phan Đức Thái - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng: Tập trung nâng cao chất lượng đội viên 
“Muốn nâng cao chất lượng ĐVTN tại cơ sở thì bằng mọi giá phải tập trung nâng cao chất lượng giáo viên tổng phụ trách đội và đội viên tại các trường học. Nghe có vẻ hơi xa nhưng tôi cho rằng, những giáo viên tổng phụ trách đội có năng khiếu, có đam mê sẽ truyền được ngọn lửa yêu thích phong trào đến các bạn đội viên, từ đó tạo động lực để phấn đấu trở thành đoàn viên - trở thành một lực lượng ĐVTN tại cơ sở có đủ trình độ và đam mê”.
 
Chị Phạm Thị Huỳnh Nga - Phó Bí thư Huyện đoàn Đơn Dương: Cần tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn phát triển kinh tế
“Số ĐVTN được kết nạp Đoàn hàng năm tại các cơ sở đoàn trong huyện đều đạt chỉ tiêu, nhưng thanh niên chủ yếu tập trung làm kinh tế nên dành ít thời gian tham gia những sinh hoạt tập thể. Mặt khác, cơ chế hỗ trợ ĐVTN vay vốn còn hạn chế, thế nên một số thanh niên sau khi xây dựng gia đình không tham gia sinh hoạt trong tổ chức Đoàn, thay vào đó chuyển sang sinh hoạt tại các chi hội phụ nữ, hội nông dân để thuận tiện hơn trong việc vay vốn, hỗ trợ việc mua nguyên liệu trả chậm để phục vụ sản xuất”.
 
Anh Huỳnh Hữu Kha Ly - Bí thư Đoàn xã Tam Bố (Di Linh): Phải biết ĐVTN thích gì, cần gì
“Cán bộ Đoàn cần biết ĐVTN thích gì, cần gì để lựa chọn các hoạt động phù hợp. Là xã có 30% ĐVTN, một số hoạt động tại xã Tam Bố được tách riêng ra để phù hợp cho từng đối tượng người đồng bào, người Kinh, thanh niên tôn giáo. Đồng thời, phối hợp lồng ghép các hoạt động phù hợp với sở thích của ĐVTN, ví dụ kết hợp trồng cây, dọn dẹp vệ sinh môi trường với việc giao lưu với các trò chơi, tạo hứng thú cho ĐVTN”.
 

 

Nâng cao chất lượng cán bộ Ðoàn cơ sở
 
Giải pháp đầu tiên và cũng là quan trọng nhất được BCH Trung ương Đoàn đưa ra nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn dân cư là nâng cao chất lượng công tác cán bộ Đoàn. Phấn đấu đến hết năm 2020, 100% bí thư đoàn xã, phường, thị trấn đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Bởi một đội ngũ cán bộ Đoàn năng động, tâm huyết, có tri thức cùng với những chương trình, dự án thiết thực, đem đến lợi ích cho ĐVTN sẽ phát huy hiệu quả hoạt động của Đoàn.
 
Có thể thấy, Đoàn cơ sở là môi trường rèn luyện tốt để cán bộ Đoàn trưởng thành. Bởi sau những năm tháng nhiệt huyết, xông pha với nhiều hoạt động khẳng định tinh thần xung kích của tuổi trẻ, các cán bộ Đoàn đã được rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn, giàu kỹ năng, có uy tín và gắn bó với thanh niên. Đây sẽ là nguồn đoàn viên ưu tú để giới thiệu đứng vào hàng ngũ của Đảng, bổ sung nguồn cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực cho Đảng. Đó là lý do mà Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Lâm Đồng lần thứ X (nhiệm kỳ 2017 - 2022) đã đưa ra chỉ tiêu tỷ lệ đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng trên 65%.
 
Theo anh Phan Đức Thái - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, các tổ chức Đoàn cơ sở phải chủ động phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những “hạt nhân” thanh niên để xây dựng các cán bộ Đoàn xã, phường, thị trấn và thôn, buôn, khu phố. Bên cạnh đó, động viên các đoàn viên là công chức, giáo viên, bộ đội xuất ngũ, đảng viên trẻ, đoàn viên làm kinh tế giỏi trên địa bàn,... làm bí thư, phó bí thư chi đoàn, bởi “Đây là bộ phận vừa có trình độ, có kỹ năng và trách nhiệm” - anh Thái chia sẻ.
 
Theo thống kê của Tỉnh Đoàn, hàng năm, 100% cán bộ Đoàn cơ sở đều được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận và nghiệp vụ công tác thanh vận nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo đủ số lượng và từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở.
 
Mặt khác, sự kết hợp giữa hai chức danh bí thư chi đoàn và thôn đội trưởng đang được các địa phương trong tỉnh thực hiện sẽ góp phần tạo sự hỗ trợ về mặt vật chất tương đối ổn định (khoảng trên dưới 1 triệu đồng) cho các cán bộ Đoàn cơ sở, từ đó tạo sự yên tâm công tác cho đội ngũ cán bộ chi đoàn ở nông thôn.
 
Cùng với việc thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế đang gặp phải và tìm các biện pháp khắc phục, hệ thống Đoàn các cấp đang nỗ lực hướng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở thật sự là những người bạn, có khả năng hướng dẫn, tổ chức hoạt động thanh thiếu nhi, tư vấn cho thanh niên và đối thoại với thanh niên trong thời đại mới. 
 
VIỆT QUỲNH - HỒNG THẮM