Hoạt động Ðoàn cơ sở trước yêu cầu đổi mới (Kỳ 2)

08:03, 25/03/2019

Ðoàn cơ sở được coi là "tế bào" của các cấp bộ Ðoàn. Với vai trò tiên phong, cán bộ Ðoàn cơ sở - mà trực tiếp là các bí thư, phó bí thư phải thực sự trở thành đầu tàu gương mẫu, gần gũi với đoàn viên thanh niên (ÐVTN), được trang bị nhiều kỹ năng về mặt tổ chức, lãnh đạo. Thế nhưng trên thực tế, không phải cán bộ đoàn nào cũng đảm bảo được những yêu cầu đó.

Thực trạng cán bộ Ðoàn cơ sở: Thiếu và yếu
 
[links()] Ðoàn cơ sở được coi là “tế bào” của các cấp bộ Ðoàn. Với vai trò tiên phong, cán bộ Ðoàn cơ sở - mà trực tiếp là các bí thư, phó bí thư phải thực sự trở thành đầu tàu gương mẫu, gần gũi với đoàn viên thanh niên (ÐVTN), được trang bị nhiều kỹ năng về mặt tổ chức, lãnh đạo. Thế nhưng trên thực tế, không phải cán bộ đoàn nào cũng đảm bảo được những yêu cầu đó.
 
Là “thủ lĩnh” Đoàn, ngoài niềm đam mê và nhiệt huyết, các cán bộ Đoàn còn phải trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng trong thời kỳ mới
Là “thủ lĩnh” Đoàn, ngoài niềm đam mê và nhiệt huyết, các cán bộ Đoàn còn phải trang bị nhiều kiến thức
và kỹ năng trong thời kỳ mới
 
Nghề “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”
 
Tháng 3 - tháng Thanh niên. Với hàng chục hoạt động lớn nhỏ, trải dài, Nguyễn Hải Đường - Bí thư Đoàn xã Quốc Oai (huyện Đạ Tẻh) chẳng mấy ngày được ở nhà ăn cơm với gia đình. Từ ngày tham gia Ban chấp hành (BCH) Đoàn xã, với lời hứa đi cùng trách nhiệm, Hải Đường luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao. Anh chia sẻ: “Đoàn mà, phần lớn là những hoạt động bề nổi và phong trào nên chẳng mấy khi giới hạn thời gian. Bên cạnh trách nhiệm thì quan trọng nhất là máu lửa của tuổi trẻ, chứ nếu vì đồng lương chắc chẳng ai còn ở lại được với Đoàn”.
 
Có thể nói, cán bộ Đoàn là “hạt nhân” của các phong trào. Ở đâu có thủ lĩnh mạnh thì ở đó phong trào sẽ có chất lượng tốt. Chấp nhận hy sinh nhiều thời gian và công sức, những cán bộ Đoàn cơ sở vẫn thường đùa nhau rằng mình là những người “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. 
 
“Nếu không có cán bộ “vác tù và hàng tổng” thì Ðoàn sẽ khó vững mạnh được. Ðã làm Ðoàn thì ngoài đam mê, chúng tôi phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ. Ðối với cán bộ Ðoàn, việc lấy tiền nhà và tiền lương để lo công tác Ðoàn là chuyện hết sức bình thường” - anh Huỳnh Hữu Kha Ly - Bí thư Ðoàn xã Tam Bố (huyện Di Linh) đồng cảm.
 
Nhớ hồi tháng 9/2017, ngay giữa cao điểm mùa mưa, chúng tôi được đến thăm để viết bài lớp học xóa mù chữ dành cho bà con DTTS thôn Hang Hớt, xã Mê Linh (huyện Lâm Hà). Những ngày đầu, lớp học không có giảng viên, chị Phạm Thúy Hằng - Ủy viên BTV Huyện đoàn cứ mỗi tuần 3 buổi, vượt chặng đường gần 60 km cả đi lẫn về cùng với cán bộ Đoàn xã để đến với bà con. Cao nguyên khi ấy đang mùa mưa, đường đất đỏ trở nên trơn trượt, phải mất hàng giờ đồng hồ mới đi từ UBND xã đến Nhà văn hóa thôn. Vất vả là thế, nhưng vì những quyết tâm mà cán bộ Đoàn ở xã, huyện vẫn chẳng nề hà. Anh Nguyễn Văn Linh, Bí thư Đoàn xã bộc bạch: “Ở Mê Linh có 4 thôn đồng bào DTTS nằm khá tách biệt với khu trung tâm. Chúng tôi phải thường xuyên duy trì việc kết nối, giao lưu các thôn bằng nhiều hoạt động xã hội, không giới hạn riêng trong ĐVTN. Nếu không làm như thế sẽ có một sự phân cách, không thể thu hút, tập hợp để giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng”.
 
Mặc dù vất vả là vậy, thế nhưng có một thực tế hiện nay là ngoài bí thư đoàn xã được hưởng lương thì phó bí thư đoàn xã vẫn chỉ được hưởng phụ cấp theo chế độ, còn các bí thư chi đoàn chỉ làm dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không có một khoản hỗ trợ nào. Nguồn thu nhập thấp khiến hầu hết cán bộ Đoàn cơ sở vẫn phải chăm lo kinh tế gia đình, cho nên không phải ai cũng có thể toàn tâm toàn ý với các phong trào Đoàn. Theo chủ trương, họ được gắn với một số vai trò như thôn đội trưởng, tổ trưởng tổ vay vốn… chủ yếu là để có thêm phụ cấp, mang tính chất động viên để từ đó có động lực, tiếp tục gắn bó với phong trào của địa phương. 
 
“Có tháng hoạt động nhiều, sao nhãng việc gia đình, cái gì trong nhà cũng nhờ đến bàn tay của bố mẹ. Kinh phí hoạt động chẳng có là bao, nhiều lần mình cũng phải bỏ tiền túi ra lo một số chi phí phát sinh trong quá trình tham gia. Nếu mình không làm thế thì những lần sau khó có thể vận động các bạn ĐVTN tham gia hoạt động khi cần nữa”, Trần Hữu Hưng - Bí thư chi đoàn Thôn 4, xã Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh) tâm sự.
 
Nữ cán bộ Đoàn có những thuận lợi và khó khăn nhất định so với nam giới
Nữ cán bộ Đoàn có những thuận lợi và khó khăn nhất định so với nam giới
 
Biến động liên tục
 
Muốn nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn thì biện pháp đầu tiên là quan tâm chăm lo đến cán bộ Đoàn tại cơ sở, tuy nhiên theo anh Phan Đức Thái - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, hiện nay ở nhiều nơi, việc lựa chọn bí thư chi đoàn, bí thư đoàn cơ sở vẫn không đảm bảo yêu cầu là “thủ lĩnh” thanh niên, điều này dẫn đến những hạn chế trong phong trào Đoàn tại cơ sở là không thể tránh khỏi. Năng lực của đội ngũ cán bộ Đoàn còn yếu. Bên cạnh đó, đội ngũ bí thư chi đoàn, đoàn cơ sở thay đổi nhanh, phải kiện toàn liên tục nhưng các địa phương lại chưa chuẩn bị tốt đội ngũ thay thế. 
 
Kết luận tại Hội nghị lần thứ IV BCH Trung ương Đoàn khóa XI (tháng 3/2019) về Các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn khu dân cư, giai đoạn 2019 - 2022 cũng nhìn nhận thực trạng rằng: Một bộ phận cán bộ Đoàn trên địa bàn dân cư còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ, công tác thanh vận, thiếu tâm huyết, cán bộ Đoàn thiếu tính ổn định và không được bổ sung kịp thời, nhiều cán bộ Đoàn quá tuổi so với quy chế cán bộ Đoàn.
 
Chia sẻ về điều này, anh Phan Tiến Dũng - Bí thư Huyện đoàn Lâm Hà cho biết: Cán bộ Đoàn cơ sở hiện nay đúng là vừa thiếu vừa yếu. Đoàn xã nhiều nơi hoạt động hành chính, cầm chừng, thiếu sự cống hiến, không tìm tòi, không theo kịp sự phát triển của đời sống và ĐVTN. Một trong những vấn đề hiện nay là đầu ra của cán bộ đoàn khi đến tuổi trưởng thành không đảm bảo nên không tạo động lực cho anh em. Trên thực tế, các vấn đề như đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn... chỉ là phần mềm. Phần cứng vẫn là đảm bảo quyền lợi cho cán bộ đoàn, quan tâm quy hoạch bổ nhiệm, luân chuyển. 
 
“Ai cũng có một thời tuổi trẻ nhiệt huyết, sục sôi với phong trào nhưng càng lớn tuổi, áp lực của cuộc sống đè nặng khiến nhiều cán bộ Đoàn không còn tâm huyết như trước đây nữa. Trong khi đó, việc thu hút thanh niên khó khăn khiến việc tìm kiếm người kế tục cũng chẳng dễ dàng”, Lơmu Ha Thiêm - Bí thư Đoàn thị trấn Lạc Dương cho hay. Đây cũng là tình trạng dễ nhận thấy ở hầu hết các Đoàn cơ sở trong tỉnh.
 
Thực tế, một số địa phương hiện nay đang khuyết vị trí phó bí thư đoàn xã bởi vai trò bán chuyên trách với mức lương thấp, không đủ để chi trả cho cuộc sống hằng ngày, từ đó ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, phong trào của địa phương. Còn tại các chi đoàn trực thuộc (Khối Các cơ quan) thì  cán bộ kiêm nhiệm nên hạn chế về kỹ năng công tác Đoàn và khó hoạt động thường xuyên. “Nhiều khi các chương trình tập huấn kỹ năng, công tác chuyên môn trùng nhau khiến bản thân mình dù muốn hay không cũng phải có lựa chọn, cân nhắc nặng nhẹ, trước sau”, Ka Dim - Phó Bí thư Đoàn xã kiêm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đạ Tông (huyện Đam Rông) chia sẻ.
 
Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng hiện nay, ở các địa phương, nữ cán bộ Đoàn chiếm tỉ lệ từ 10 - 20%. Một trong những lợi thế của nữ cán bộ Đoàn chính là khả năng giao tiếp, mềm mỏng, tận tụy với công việc. Thế nhưng, tại một số địa phương, tình trạng nữ cán bộ Đoàn chỉ gắn bó với công tác ở giai đoạn còn độc thân, sau khi lập gia đình thì chấm dứt hẳn, dù trước đó có năng nổ như thế nào đi chăng nữa đã trở thành chuyện hiển nhiên. Bởi đặc trưng của Đoàn là các hoạt động giao lưu, đi nhiều để bám sát cơ sở, sức khỏe và điều kiện về thời gian lúc này không còn cho phép nữa.
 
Bên cạnh đó, theo đánh giá của anh Phan Đức Thái, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, xã hội của một bộ phận cán bộ Đoàn cơ sở còn yếu, tụt hậu so với mặt bằng chung của thanh niên. Mối quan hệ giữa thủ lĩnh thanh niên với ĐVTN chưa gắn bó, chưa nắm bắt kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của ĐVTN.
 
Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời kỳ công nghệ 4.0 và sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thanh niên, việc không ngừng nâng cao chất lượng tổ chức và cán bộ cơ sở đoàn đang là đòi hỏi cấp thiết. Nhìn nhận được yêu cầu này, Hội nghị lần thứ IV BCH Trung ương Đoàn khóa XI (tháng 3/2019) cũng đã đưa ra Các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn khu dân cư, giai đoạn 2019 - 2022 để giải quyết những khó khăn này.
 
VIỆT QUỲNH - HỒNG THẮM