Samarita - cà phê của người tốt

08:03, 28/03/2019

Khi bắt tay làm cà phê chất lượng cao, anh Trần Văn Thân (27 tuổi, ngụ xã Ðạ K'Nàng, huyện Ðam Rông) đã xác định phải chọn hạt cà phê nguyên liệu đạt chuẩn cộng với quá trình rang xay, pha chế theo công thức riêng để tạo ra loại cà phê đặc biệt thơm ngon, phù hợp với từng khẩu vị của người "sành điệu" biết thưởng thức cà phê.

Khi bắt tay làm cà phê chất lượng cao, anh Trần Văn Thân (27 tuổi, ngụ xã Ðạ K’Nàng, huyện Ðam Rông) đã xác định phải chọn hạt cà phê nguyên liệu đạt chuẩn cộng với quá trình rang xay, pha chế theo công thức riêng để tạo ra loại cà phê đặc biệt thơm ngon, phù hợp với từng khẩu vị của người “sành điệu” biết thưởng thức cà phê.
 
Anh Trần Văn Thân đang từng bước xây dựng thương hiệu Samarita Coffee - cà phê của người tốt. Ảnh: H.Yên
Anh Trần Văn Thân đang từng bước xây dựng thương hiệu Samarita Coffee - cà phê của người tốt. Ảnh: H.Yên
 
Tốt nghiệp đại học ngành công nghệ hóa của Đại học Công nghiệp Hà Nội, anh Thân vào làm cho một nhà máy ở Bình Dương. Biến cố gia đình ập đến khi bố của anh bị tai biến nằm liệt giường, chỉ mình mẹ ở nhà một tay chăm sóc nên anh quyết định trở về nhà vừa làm kinh tế, vừa phụ giúp gia đình. “Ban đầu về mình cũng loay hoay mãi, không biết làm gì khi chuyên ngành học không phù hợp ở vùng quê nghèo. Trong một lần đi Bảo Lộc chơi, được người bạn mời uống cà phê, cảm thấy hương vị đậm đà, thơm ngon. Hỏi ra mới biết quy trình sản xuất cà phê rất đặc biệt theo cách truyền thống, từ hái lựa quả chín 100% đến phơi tự nhiên trên sàn, vậy là mình nảy sinh ý tưởng kinh doanh loại cà phê này” - anh Thân chia sẻ.
 
Anh Thân chia sẻ ý tưởng của mình với Bí thư xã Đoàn xã Đạ K’Nàng Ngô Văn Thành và được ủng hộ ngay. Đoàn xã đã tạo điều kiện cho anh vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để khởi nghiệp. Được hỗ trợ nguồn vốn ban đầu là 35 triệu đồng, từ tháng 10/2018, anh Thân mua một máy rang cà phê để hiện thực hóa ý tưởng và từng bước xác lập thương hiệu cà phê sạch “Samarita Coffee” cho riêng mình. Tuy nhiên, để gây dựng một thương hiệu cà phê mới ngay trên xứ Tây Nguyên vốn đã có nhiều thương hiệu cà phê lâu đời cũng là thách thức với Thân. “Càng làm tôi càng đam mê và cảm thấy thú vị. Trải qua một hành trình ban đầu đầy khó khăn nên mình càng cố gắng tập trung và dồn hết sức mình cho công việc. Gặp gỡ khách hàng, đặc biệt là gặp những người nông dân giúp tôi tìm ra hướng đi cho mình. Ngoài lựa chọn cà phê Robusta tại vùng Bảo Lộc và cà phê Arabica vùng Cầu Đất để làm nguyên liệu, thời gian tới, mình sẽ chủ động liên kết với nông dân tại xã nhà để hướng nông dân trong vùng sản xuất theo quy trình cà phê chất lượng cao, từ đó, nâng dần chất lượng cà phê nguyên liệu của địa phương” - anh Thân cho biết.
 
Để từng bước chinh phục người sành uống cà phê, ban đầu, thông qua các mối quan hệ từ trước, anh Thân gặp gỡ và gửi tặng cà phê để khách hàng dùng thử và đánh giá sản phẩm. Từ những nhận xét của khách hàng, anh tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng cà phê, phù hợp với khẩu vị người sành cà phê. Trong suy nghĩ, người thanh niên vùng sâu này muốn mọi người đến thưởng thức cà phê của mình không vội vã mà chầm chậm thưởng thức, giống như lòng chân thành của chủ nhân làm ra sản phẩm. Từ uy tín và chất lượng của sản phẩm thuần tự nhiên, nhiều người trong xã, huyện tìm đến để mua về sử dụng và làm quà tặng cho người thân. Đến giờ, đã có nhiều khách hàng “ghiền” vị cà phê của anh nhưng anh vẫn dành nhiều thời gian tiếp cận, mở rộng thị trường từ xã rồi đến tỉnh và có thể xa hơn nữa.
 
Với chút tinh ý, mỗi khi thưởng thức một ly cà phê bạn sẽ cảm nhận được hương vị khác nhau. Cũng nhờ trải nghiệm qua tất cả các khâu sản xuất, anh Thân càng ngày càng nhận diện tinh tế hơn thế nào là cà phê nguyên chất. Một ly cà phê nguyên chất sẽ có màu nâu cánh gián. Ngoài ra, ly cà phê nguyên chất không bị sệt, khi uống lưỡi sẽ sạch, không bị lớp bơ bám như những loại có pha trộn. “Mình nghĩ khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay phải thực sự yêu quý khách hàng, ai có thể mang lại trải nghiệm, giá trị nhiều hơn so với số tiền khách hàng bỏ ra, người đó sẽ có cơ hội” - anh Thân chia sẻ.
 
Sở dĩ anh Thân lấy tên thương hiệu của mình là Samarita Coffee bởi lẽ Samarita trong tiếng Do Thái có nghĩa là “người ngoại đạo tốt bụng”. Anh khẳng định “Samarita Coffee là cà phê của người tốt”.
 
Anh Ngô Văn Thành - Bí thư Đoàn xã Đạ K’Nàng nhận xét anh Thân là một thanh niên chịu khó, năng động, đồng thời cũng là một gương thanh niên tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp của xã. Có thể hiện tại, sản phẩm cà phê của anh Thân mới phát triển, quy mô sản xuất chưa lớn nhưng trong tương lai sẽ là sản phẩm tiêu biểu đầu tiên của xã Đạ K’Nàng mang đặc trưng của vùng. Trong thời gian tới, Đoàn xã cũng sẽ vận động thanh niên tham gia chuỗi liên kết làm cà phê sạch của anh Thân, để kích thích thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp. 
 
HOÀNG YÊN