Rượu cần, thứ thức uống truyền thống của người K'Ho bản địa gắn với thứ được định danh là "men lá". Rất ít người biết men lá ấy chính là loài cây có tên gọi dong diêng.
Rượu cần, thứ thức uống truyền thống của người K’Ho bản địa gắn với thứ được định danh là “men lá”. Rất ít người biết men lá ấy chính là loài cây có tên gọi dong diêng.
K’Tuyến kiểm tra vườn dong diêng. Ảnh: D.Quỳnh |
Cây dong diêng ngày càng vắng bóng trong rừng, men lá thay bằng men công nghiệp khiến giọt rượu cần ngày càng mất hương xưa cũ. Mong mỏi giữ được hương xưa, loài cây bí ẩn này đang được gầy giống với hy vọng tìm lại mùa dong diêng.
Già làng Kơ Đơng Ha Dương, người quê gốc buôn Tu Poh, xã Đạ Chais, Lạc Dương tẩn mẩn nhớ lại cách làm rượu cần của người K’Ho quê mình. Người đàn ông K’Ho xách rựa vô rừng, đến những bụi cây ven suối để tìm loài cây có lá từa tựa cây hoa hồng nhưng dày hơn, không có gai, cao tới đầu gối người trưởng thành. Đó chính là dong diêng, loài cây để làm “men lá”, tạo hương say ngất ngây cho chóe rượu cần. Đào cả bụi cây lên, chặt lấy phần củ, rửa sạch, phơi khô, giã thành bột mịn. Lấy bột từ củ dong diêng trộn với cơm, ủ lên giá, xung quanh quây bằng rơm khô ủ thật kín. Qua ngày qua tuần, nồi ủ sẽ lên một lớp meo trắng mỏng nhẹ như mây trời. Lớp meo trắng này mới là men dùng để trộn, ủ rượu cần.
Già Ha Dương bảo, ngày xưa rừng núi Long Lanh nhiều củ dong diêng, rượu cần đều làm từ men dong diêng cả. Khi còn trong chiến khu Long Lanh, bộ đội, du kích thường tìm ven suối, những chỗ ẩm, nhiều nước bụi dong diêng, đào củ làm men chứ hồi ấy làm gì có “men chợ” như bây giờ”. Những chóe rượu cần thơm, ngọt giữa chiến khu khác hẳn với những chóe rượu cần được sản xuất hàng loạt. Giờ muốn có men lá, phải xuống vùng Bố Lang, Phước Bình, Bác Ái của Ninh Thuận để mua hay đào củ dong diêng. Đường xa, tốn công quá nên người K’ho chuyển sang dùng men công nghiệp khiến vị rượu gắt, hương không nồng nàn như dong diêng.
Bởi vậy, K’Tuyến, chàng thanh niên trẻ K’Ho tại buôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais quyết dịnh dành mảnh vườn của mình để gầy giống lại cây dong diêng theo một đề án của Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương. K’Tuyến bảo, chưa thấy ai trồng cây dong diêng bao giờ, xưa nay chỉ thấy cây dong diêng trong rừng nên cũng không có kinh nghiệm trồng. Tìm hiểu môi trường sống tự nhiên của dong diêng, K’Tuyến cũng làm đất tơi xốp, căng lưới đen để che bóng, còn giống dong diêng anh lặn lội xuống Bố Lang, Phước Bình mua của người K’Ho dưới đó. Đào hố trồng từng củ dong diêng, cẩn thận để lại cây nhỏ che bóng, tạo ẩm cho củ mới trồng, anh trông đợi từng ngày củ này chồi đơm lá.
Ban đầu, củ mới trồng có nhú chồi, mọc lá non, nhưng vào mùa khô, điều kiện tưới hạn chế, gần trăm cây dong diêng lụi dần. K’Tuyến tiếc nuối bởi anh tha thiết, mong mỏi khôi phục lại giống cây thân thiết của người K’Ho. May mắn, vừa đưa khách xuống vườn dong diêng, vạch lá ra tìm củ thì anh đều thấy những củ dong diêng đã nảy chồi. Anh bảo có lẽ giống trong rừng, điều kiện sống khó khăn thì dong diêng trút lá ngủ yên dưới đất, đợi những cơn mưa đầu mùa thì cây sẽ nảy chồi, vươn lá tiếp tục phát triển. Hiện trên 100 gốc dong diêng đang nhú những đọt lá, có cây đã nhú lên chừng 5-7 cm. K’Tuyến bảo, trong rừng dong diêng cũng chỉ cao chừng 40 cm. Đi rừng đào dong diêng lấy củ, nếu còn rễ nhỏ sót lại, gặp điều kiện thuận lợi, có đủ nước cây sẽ nảy chồi mọc lại thành bụi mới. Tuy nhiên, dong diêng phát triển khá chậm, phải 3-4 năm cây mới tạo được củ đủ để làm men rượu cần. K’Tuyến tâm sự, nếu thành công, người Đạ Chais sẽ đem dong diêng vào lại rừng, trồng tại ven các suối, để loài cây thân thiết với người K’Ho phát triển mạnh mẽ như thuở xưa. Và qua đó tới mùa lễ hội, chàng trai K’Ho xách xà gạt, rựa vô rừng, lấy củ dong diêng về mài khô, ủ men làm ra hương rượu cần nồng nàn, ngọt dịu vị men lá, để lại dư vị xưa cũ cho người K’Ho và bè bạn.
DIỆP QUỲNH