Tuổi trẻ Ðà Lạt chung tay vì đường phố sạch, đẹp

08:03, 28/03/2019

Những ngày gần đây của Tháng Thanh niên 2019, các tình nguyện viên trẻ của nhóm Trashpackers (người nhặt rác) Đà Lạt cùng chung tay làm vệ sinh môi trường quét dọn, thu gom rác thải ở những nơi công cộng như: Quảng trường Lâm Viên, hồ Xuân Hương, chợ Đà Lạt… góp phần giữ gìn đường phố xanh, sạch, đẹp.

Những ngày gần đây của Tháng Thanh niên 2019, các tình nguyện viên trẻ của nhóm Trashpackers (người nhặt rác) Đà Lạt cùng chung tay làm vệ sinh môi trường quét dọn, thu gom rác thải ở những nơi công cộng như: Quảng trường Lâm Viên, hồ Xuân Hương, chợ Đà Lạt… góp phần giữ gìn đường phố xanh, sạch, đẹp.
 
Các tình nguyện viên nhóm Trashpackers Đà Lạt chụp hình lưu niệm trước giờ làm việc
Các tình nguyện viên nhóm Trashpackers Đà Lạt chụp hình lưu niệm trước giờ làm việc
 
Anh Lưu Trần Nhật Hưng (SN 1989, ở TP Đà Lạt), hiện là kiến trúc sư làm việc tại nhadepdalat.vn - Trưởng nhóm Trashpackers Đà Lạt cho biết: “Tháng 12/2018 anh đi công tác ở TP Hồ Chí Minh, tình cờ gặp chị Giang Thị Kim Yến là thành viên của nhóm Trashpackers TP Hồ Chí Minh truyền cảm hứng cho anh. Từ đó, anh tình nguyện tham gia nhóm Trashpackers đi tham quan du lịch và nhặt rác ở các tỉnh, thành như: TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đà Lạt… bỏ đúng nơi quy định, góp một phần nhỏ làm sạch môi trường và để cho mọi người thấy ý nghĩa của việc nhặt rác góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp”. 
 
Tại Đà Lạt, vào những buổi chiều gần đây, các thành viên của nhóm Trashpackers Đà Lạt mỗi người đều trang bị cho mình một bao đựng rác, đồ gắp rác, bao tay và tỏa đi các tuyến đường ở các khu vực Quảng trường Lâm Viên, hồ Xuân Hương, chợ Đà Lạt để dọn dẹp, thu gom rác thải bỏ vào bao, rồi mang đến bỏ vào các thùng đựng rác theo đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, nhóm Trashpackers Đà Lạt còn treo các bức tranh tại các nơi công cộng có nội dung: “Love the environment” (Hãy yêu quý môi trường), “No Trash” (Đừng xả rác), “Environment protect life” (Môi trường che chở cho sự sống), “Keep the ocean clean” (Giữ sạch môi trường biển), “Trash is traps” (Rác là những cái bẫy)… Sở dĩ, những bức tranh này được treo ở những nơi công cộng là nhằm giúp mọi người dễ nhìn thấy để truyền đạt thông điệp “mọi người nên nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp”. Những ngày đầu thành lập, nhóm Trashpackers Đà Lạt chỉ có 5 đến 7 người tham gia, nhưng nhờ sự vận động từ các thành viên của nhóm, đến nay đã có hàng trăm tình nguyện viên trẻ tham gia.
 
Chị Nguyễn Thị Thuận Thiên (SN 1989), tình nguyện viên nhóm Trashpackers Đà Lạt cho biết thêm: “Bảo vệ môi trường là niềm đam mê của Thiên từ khi còn học tiểu học. Thiên được thầy cô giáo dạy là không được vứt rác, hay khạc nhổ bừa bãi ở những nơi công cộng. Khi thấy những nơi đầy rác, Thiên rất buồn và cảm thấy khó chịu, vì nó làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Khi những du khách, đặc biệt là khách nước ngoài nhìn thấy những cảnh này, họ đánh giá rất thấp về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người Việt Nam. Khi tham gia nhóm Trashpackers Đà Lạt, Thiên cảm thấy rất hào hứng, vì hành động nhỏ, nhưng có tác dụng lớn nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho mọi người ở những nơi công cộng”. 
 
Thấy được việc làm hữu ích của nhóm, nhiều bạn trẻ Đà Lạt và khách du lịch trong ngoài nước cũng chung tay tham gia làm việc cùng nhóm Trashpackers Đà Lạt. Ông Steven Brooks - đến từ TP Manchester, nước Anh cũng nhiệt tình tham gia nhóm Trashpackers Đà Lạt, cho biết: “Tôi yêu thành phố hoa Đà Lạt, nên tình nguyện làm việc cùng các bạn trẻ Đà Lạt để giữ gìn, tôn tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp của thành phố ngàn hoa xứng đáng với danh hiệu là trung tâm nghỉ dưỡng của Việt Nam và trong khu vực”.
 
Thiết nghĩ, suy nghĩ và việc làm của ông Steven Brooks đáng để mọi người dân Đà Lạt và du khách trong ngoài nước suy nghĩ và hành động theo.
 
HUỲNH NGỌC MINH