Tốt nghiệp đại học, trong khi bao bạn bè trang lứa còn đang chật vật xin việc thì Phạm Thị Ân - cô gái sinh năm 1994 (xã Ninh Gia, Ðức Trọng) đã mạnh dạn chọn lối đi riêng với dự án khởi nghiệp dù còn đó khó khăn, vất vả và cả thất bại...
Tốt nghiệp đại học, trong khi bao bạn bè trang lứa còn đang chật vật xin việc thì Phạm Thị Ân - cô gái sinh năm 1994 (xã Ninh Gia, Ðức Trọng) đã mạnh dạn chọn lối đi riêng với dự án khởi nghiệp dù còn đó khó khăn, vất vả và cả thất bại...
Phạm Thị Ân bên sản phẩm khởi nghiệp của mình. Ảnh: V.Quỳnh |
Từ thuốc trừ sâu thảo dược
Trước khi chọn Lâm Đồng làm nơi bắt đầu cho dự án của mình, từ lúc đang là sinh viên Khoa Bảo vệ thực vật, Trường Đại học Nông lâm Huế, Phạm Thị Ân đã được cộng đồng khởi nghiệp ở Huế biết đến khi đoạt giải nhì Cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Huế năm 2016” với đề tài “Thuốc trừ sâu thảo dược”.
Với nguyên liệu chính là ớt, tỏi, gừng, riềng và rượu được xay, giã nát và pha chế với tỷ lệ phù hợp, đề tài của Ân được Ban giám khảo đánh giá cao về tính ứng dụng, nguyên liệu dễ mua, thân thiện với môi trường và quan trọng hơn nữa là khả năng chuyển giao công nghệ, nếu nông dân chịu khó học hỏi cũng có thể tự sản xuất.
Quá trình thử nghiệm đưa sản phẩm thuốc trừ sâu thảo dược đến với đồng ruộng, Ân nhận được nhiều lời khen từ các hộ nông dân, công nhận hiệu quả mà thuốc đem lại. Đó là động lực để sau cuộc thi, Ân cùng các bạn trong nhóm mạnh dạn đăng ký nhãn hiệu “NIM” cho sản phẩm thuốc trừ sâu thảo dược của mình với slogan “Rau sạch hơn, giá trị cao hơn”.
Tháng 12/2016, Công ty cổ phần Ứng dụng Nông nghiệp sạch Hồng Ân ra đời ngay khi Ân tốt nghiệp đại học với những non nớt và nhiều bỡ ngỡ. “Lúc đó, em cũng sợ nhưng nghĩ kiến thức được học không chỉ để làm thuê, mà có thể vận dụng tự làm ra sản phẩm của chính mình, tạo được việc làm cho người khác. Nếu không thử, chắc chắn không có thành công” - Phạm Thị Ân chia sẻ.
Thế nhưng, không có sự bắt đầu nào là dễ dàng. Nơi miền Trung nắng lắm mưa nhiều không hoàn toàn phù hợp với việc ứng dụng sản phẩm, Ân và nhóm bạn khá chật vật trong việc tìm kiếm thị trường. Một mình xách balo đi khắp các tỉnh, thành để tìm kiếm và khảo sát, Ân quyết định chuyển công ty vào Lâm Đồng - nơi có nhiều nông trại, gia trại hoa quả, rau củ sạch để mở rộng thị trường.
Mặc dù cố gắng nhiều, nhưng dự án của Phạm Thị Ân vẫn chịu thất bại khi số lượng khách hàng tiếp cận không như mong đợi và sản phẩm chưa thật sự phù hợp với nền nông nghiệp nơi đây. Ân buộc phải dừng dự án thuốc trừ sâu thảo dược, để bắt đầu một dự án khác. Ân vẫn thẳng thắng thừa nhận rằng: “Đó là giai đoạn em bị khủng hoảng cả về tinh thần lẫn tài chính. Nhưng thất bại đã dạy cho em nhiều bài học quý giá để em có thể áp dụng cho dự án sau này của mình”.
Ðến rượu nấm linh chi
Nhanh chóng vượt qua những khủng hoảng sau thất bại của dự án đầu tiên, Ân tiếp tục suy nghĩ, quyết tâm phải tạo ra một sản phẩm để tự mình làm chủ. Với “vốn liếng” là kiến thức nghiên cứu về nấm linh chi trong suốt những năm học đại học, em nghĩ đến rượu nấm linh chi khi vừa đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, vừa đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người tiêu dùng.
Nghĩ là làm, cô gái đến từ Thanh Hóa vẫn kiên trì bám trụ lại vùng đất Ninh Gia, Đức Trọng, ban ngày làm chuyên viên sản xuất tại Công ty VinEco, ban đêm lại cùng cộng sự miệt mài ngâm, ủ, đưa ra sản phẩm thử nghiệm rồi lại thay đổi theo góp ý của những người thử. Cứ như vậy một năm trời, đến tháng 5/2018, sản phẩm được hoàn thiện và Phạm Thị Ân mạnh dạn tung ra thị trường rượu nấm linh chi mang thương hiệu Gaco, nhận được phản hồi tốt từ khách hàng.
Tháng 3 vừa rồi, Ân vừa đưa sản phẩm của mình tiếp cận 2 thị trường mới là Đà Nẵng và Quảng Nam, bên cạnh những thị trường đã được xây dựng trước đó là Nha Trang, Hà Nội, Đắk Lắk và TP Hồ Chí Minh. Với số vốn 350 triệu đồng ban đầu, doanh thu mà Ân đạt được từ tháng 5/2018 đến cuối năm đã đạt trên 1 tỷ đồng. Đó là thành công bước đầu, nhưng chưa phải là tất cả, bởi theo Ân: “Em muốn đi một con đường dài, nên phải đi chậm mà chắc. Em phải đặt mục tiêu cho từng giai đoạn, mà trước mắt trong 6 tháng đầu năm 2019 là tập trung phát triển tại thị trường miền Trung”.
Rút kinh nghiệm từ dự án trước, lần này, Ân thường xuyên đưa sản phẩm của mình đến với các cuộc thi khởi nghiệp, chợ phiên và ngày hội khởi nghiệp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tham gia Diễn đàn kết nối doanh nghiệp và ý tưởng khởi nghiệp Lâm Đồng. Cuối tháng 11/2018, dự án khởi nghiệp rượu nấm Linh chi Gaco được lựa chọn là 1 trong 100 ý tưởng khởi nghiệp năm 2018 của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, lọt vào top 17 dự án nhận được sự hỗ trợ từ Đề án 740 (Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 của UBND tỉnh).
Đã từng được học về mô hình khởi nghiệp tinh gọn lúc còn ở Huế, Ân áp dụng mô hình này cho dự án khởi nghiệp của mình. Hiện tại, Công ty TNHH Hồng Ân có 18 nhân viên và cô gái 25 tuổi Hồng Ân là Giám đốc. Khi được hỏi rằng, trở thành người điều hành của công ty khi tuổi đời còn rất trẻ, em có gặp khó khăn gì không, Ân đã cười nói rằng: Đã khởi nghiệp thì không được để mình buồn lâu, thay vào đó, em đọc thêm sách, tham gia thêm nhiều khóa học, học hỏi thêm từ nhiều anh chị khởi nghiệp đi trước để bổ sung những điều mình còn thiếu sót”.
VIỆT QUỲNH