Bên cạnh kiến thức, kỹ năng thì ngoại ngữ là yếu tố hàng đầu và được xem là chìa khóa để mở ra thế giới đối với mỗi sinh viên trong thời kỳ hội nhập. Buổi tọa đàm "Ngoại ngữ - Chìa khóa mở ra thế giới" vừa được Trường Ðại học Ðà Lạt phối hợp với Tỉnh Ðoàn Lâm Ðồng tổ chức, nhằm hỗ trợ sinh viên nâng cao khả năng ngoại ngữ để hội nhập quốc tế.
Bên cạnh kiến thức, kỹ năng thì ngoại ngữ là yếu tố hàng đầu và được xem là chìa khóa để mở ra thế giới đối với mỗi sinh viên trong thời kỳ hội nhập. Buổi tọa đàm “Ngoại ngữ - Chìa khóa mở ra thế giới” vừa được Trường Ðại học Ðà Lạt phối hợp với Tỉnh Ðoàn Lâm Ðồng tổ chức, nhằm hỗ trợ sinh viên nâng cao khả năng ngoại ngữ để hội nhập quốc tế.
|
Lớp học tiếng Nhật của Trường Đại học Yersin Đà Lạt. Ảnh: V.Hùng |
Là sinh viên Khoa Du lịch - Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, Trần Lê Trang rất chú trọng đến việc học và nâng cao trình độ ngoại ngữ. Khá thành thạo tiếng Anh và đang học thêm tiếng Nhật, nhưng Trang vẫn chưa tự tin với khả năng ngoại ngữ của mình. Tham dự buổi tọa đàm, cô sinh viên năm nhất này cho hay: “Khó khăn lớn nhất trong việc học ngoại ngữ của em là ít có cơ hội giao tiếp với người bản địa để có cách phát âm chuẩn. Cùng với đó, khi học ngoại ngữ ở trường hay trung tâm thì chỉ chú trọng đến ngữ pháp chứ ít tập trung kỹ năng nói. Bản thân em dự định sẽ đi du học nên cố gắng học ngoại ngữ thật tốt. Em thường xuyên tham gia một số câu lạc bộ tiếng Anh tại Đà Lạt như English Land Dalat hay Patrick Nguyen để được giao lưu, học hỏi nhằm nâng cao khả năng giao tiếp ngoại ngữ”.
Khó khăn của Lê Trang cũng là vấn đề chung của hầu hết sinh viên hiện nay khi học ngoại ngữ. Và đây cũng là trở ngại của nhiều sinh viên khi tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Ngoại ngữ - Chìa khóa mở ra thế giới”, chị Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng thẳng thắn: “Sinh viên nói riêng và thanh niên nói chung hiện nay đang rất thiếu các kỹ năng sống cần thiết trong quá trình hội nhập, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ. Chính điều này đã làm hạn chế khả năng tiếp cận với cơ hội việc làm tốt, cơ hội cạnh tranh, thu nhập... Vì vậy, việc trau dồi và nâng cao kỹ năng ngoại ngữ của sinh viên, thanh niên là rất cần thiết để tự tin, sẵn sàng hội nhập”.
Chị Phương Thảo - Học viện Anh ngữ Academy cho rằng, để học tốt ngoại ngữ cần ba yếu tố quan trọng: Tính kỷ luật, có phương pháp và có kiến thức căn bản. Riêng đối với Học viện Anh ngữ Academy, việc học tiếng Anh được tổ chức theo mô hình Put Camp - học tập trung trong vòng 2 tháng và hoàn toàn giao tiếp bằng tiếng Anh. Qua đó, tạo môi trường nâng cao kỹ năng tiếng Anh để ngôn ngữ này thật sự đi vào đời sống hiệu quả. Cũng theo chị Thảo, đã có nhiều học viên tìm được việc làm tốt ngay sau khi hoàn thành khóa học.
“Có phương pháp” ở đây có nghĩa là có sự yêu thích trong học ngoại ngữ. Vừa đạt kết quả cao - 8.0 IELTS, cậu sinh viên năm cuối Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Đà Lạt - Võ Lý Nhật Minh đã truyền cảm hứng học tiếng Anh đến nhiều sinh viên với phương pháp: “Tìm thấy niềm vui và gắn với một sở thích nào đó để việc học ngoại ngữ dễ dàng hơn”.
Với hơn 20 năm đi vào hoạt động, Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Đà Lạt thu hút khá đông sinh viên theo học. Đặc biệt, nhà trường thành lập Trung tâm Ngoại ngữ là đối tác chính thức của Hội đồng Anh - Việt Nam và IIG để đào tạo đạt chuẩn đầu ra cho sinh viên. Theo Tiến sĩ Lê Hồng Phong - Phó Hiệu trưởng nhà trường, Trung tâm đã đào tạo khóa đầu tiên với hơn 2.000 sinh viên và hiện hơn 600 sinh viên đang theo học để đạt chuẩn đầu ra theo chương trình đào tạo tín chỉ. Và để kỹ năng ngoại ngữ trở thành chìa khóa phát triển trong thời kỳ hội nhập, trước tiên phải hình thành ý thức của sinh viên về tầm quan trọng của việc học tập và nâng cao trình độ ngoại ngữ. Đồng thời, cần thiết phải xây dựng các mô hình, loại hình học tập, sử dụng ngoại ngữ phù hợp với các đối tượng sinh viên, phân loại từng nhóm đối tượng để có phương pháp dạy phù hợp và quan trọng hơn cả là tạo môi trường thuận lợi để sinh viên học tập ngoại ngữ và sử dụng thành thạo ngoại ngữ.
VIỆT HÙNG