Sợi len nâng bước giảng đường và ước mơ khởi nghiệp

07:04, 12/04/2019

Gắn bó 4 năm Ðại học Ðà Lạt, Phan Ngọc Bảo Tâm - cô gái 21 tuổi quê ở Lâm Hà - đồng thời gắn liền với đan móc len. Tâm bảo rằng, những gì em học được thêm về len cũng nhiều như những kiến thức em đã học được trên giảng đường đại học.

Gắn bó 4 năm Ðại học Ðà Lạt, Phan Ngọc Bảo Tâm - cô gái 21 tuổi quê ở Lâm Hà - đồng thời gắn liền với đan móc len. Tâm bảo rằng, những gì em học được thêm về len cũng nhiều như những kiến thức em đã học được trên giảng đường đại học.
 
Bảo Tâm mang niềm yêu thích len từ nhỏ và vẫn đang nung nấu ý tưởng khởi nghiệp từ các sản phẩm len độc đáo. Ảnh: V.Q
Bảo Tâm mang niềm yêu thích len từ nhỏ và vẫn đang nung nấu ý tưởng khởi nghiệp từ các sản phẩm len độc đáo. Ảnh: V.Q
 
Nói tới Đà Lạt là nhắc đến len. Nhưng bây giờ thì chẳng còn nhiều bạn trẻ như Tâm ngồi cần mẫn, tỉ mỉ với từng mũi len đã không còn dễ dàng bắt gặp.
 
Có nhìn thấy cách Tâm mân mê từng sợi len, nghe em phân biệt loại len nào thích hợp cho từng sản phẩm và ánh mắt long lanh của cô gái nhỏ khi chạm vào cuộn len thơm mới có thể hình dung được hết niềm yêu thích của Tâm với len. Tâm kể rằng, “cảm tình” của em với len xuất phát từ những tấm áo được người cô đan cho lúc nhỏ, và những ngày say mê ngồi nhìn bàn tay cô “biến” những cuộn len thành tấm áo xinh xắn đã trở thành một phần ký ức ngọt ngào của tuổi thơ Tâm. 
Cô mất khi em còn chưa kịp học được nghề, nhưng với niềm đam mê của mình, từ lúc là học sinh bậc THCS, Tâm đã tự tìm tòi, mày mò học đan, móc len trên Internet. Bắt đầu từ những thứ nhỏ xinh như móc khóa để làm quà tặng bạn bè, đến nay, tay nghề của Tâm đã vững vàng, tinh tế với những sản phẩm khó hơn như túi xách, mũ len. 
 
Cũng vì yêu thích len mà Bảo Tâm càng quyết tâm thi đậu vào Trường Đại học Đà Lạt, để được sống tại thành phố hoa và được học hỏi nhiều hơn về len ngay tại nơi nổi tiếng bởi các sản phẩm từ len. Những ngày đầu, Tâm lân la đến hết tiệm len này đến cửa hàng khác, chỉ để được ngắm nghía đồ len cho thỏa. Sẵn có kỹ năng móc len thuần thục, em nhận gia công thú bông để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa được chỉ bảo và học hỏi thêm. Tâm làm nhiều nơi, tập tành làm nhiều sản phẩm, nhận gia công hàng cho nhiều tỉnh, thành để biết được nhiều cách làm khác nhau. Thu nhập từ đó cũng đủ cho cô sinh viên nhỏ trang trải cuộc sống cho 4 năm xa nhà mà không cần phải xin gia đình. Tâm kể rằng: “Số tiền 200 nghìn đồng đầu tiên em làm ra từ việc móc thú bông thực sự khiến em hạnh phúc, bởi nó được tạo ra từ chính niềm yêu thích và đam mê của mình”.
 
Dần dần, khi tay nghề ngày càng được nâng lên, Tâm nhận làm phụ kiện với độ tỉ mỉ và yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Mong muốn tạo nên những chiếc túi xách, túi đeo hoàn toàn thủ công bằng cách móc sợi, Tâm mày mò tìm hiểu, tự làm mọi công đoạn để hình thành những chiếc túi len được nhiều người yêu thích và đặt hàng với giá trung bình trên dưới một triệu đồng cho mỗi túi. “Đó là những sản phẩm vừa mang đậm chất truyền thống của đan móc ở Đà Lạt, vừa khác biệt và mới mẻ. Quan trọng hơn cả là giá cả của túi vẫn xứng đáng với giá trị sức lao động của người làm ra, và bởi vì là túi thủ công nên mỗi chiếc túi đều là sản phẩm duy nhất” - Bảo Tâm chia sẻ.
 
Lúc ban đầu khi vừa học vừa làm, Tâm mất 5 - 7 ngày để hoàn thành một chiếc túi, còn bây giờ, em chỉ mất 1,5 ngày với mức độ phức tạp tăng dần. Tâm vẫn hàng ngày học theo trên Internet để đa dạng mẫu mã cho sản phẩm của mình, cùng đó lập trang Facebook riêng cho len với cái tên dễ thương “Tím sến súa” ra đời, vừa để Tâm khoe những sản phẩm xinh xắn của mình làm ra, vừa là nơi những người yêu thích sản phẩm của em có thể mua hoặc đặt sản phẩm, hoặc có khi là cùng chia sẻ với nhau những cách đan móc len.
 
Năm 2017, Bảo Tâm tham gia Cuộc thi “Ý tưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” của Trường Đại học Đà Lạt với dự án “Kinh doanh túi Hanmade móc sợi”, tuy nhiên vì một vài lý do, Tâm buộc phải rút lui khi cuộc thi chưa kịp bắt đầu. Thế nhưng trong thâm tâm của cô gái trẻ, em vẫn luôn nung nấu kế hoạch khởi nghiệp từ len sau khi đã tốt nghiệp đại học. Lộ trình 5 năm đã được cô gái trẻ vạch sẵn, đó là sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm từ len để duy trì niềm đam mê của mình và tích cóp vốn, tích cóp kinh nghiệm để có thể mở một cửa hàng đồ len cho riêng mình. Bảo Tâm còn mong muốn sẽ mở xưởng hướng dẫn đan móc cho những người phụ nữ ở Lâm Hà quê em để tạo thêm thu nhập cho họ trong thời gian nông nhàn.
 
Hiện tại, khi đang bận rộn với lịch học năm cuối, Tâm không còn làm nhiều sản phẩm, nhưng em vẫn tranh thủ thời gian rảnh hàng ngày để đan, móc mà theo như em nói là “làm cho đỡ nhớ kim, nhớ len”. Tất cả vẫn mới chỉ nằm trong kế hoạch, và Tâm còn cần phải có nhiều thời gian, cần nhiều quyết tâm và điều kiện nữa mới có thể thực hiện được. “Chỉ cần thấy len là em hạnh phúc. Len không chỉ giúp em gặp và kết nối được với những người dễ thương từ khắp mọi miền trên đất nước cùng chung niềm đam mê, mà đan móc len còn giúp em rèn luyện tính nhẫn nại, trầm tĩnh, để những bông hoa len có thể nở trên đôi bàn tay khéo léo” - Tâm tỏ bày.
 
VIỆT QUỲNH