Xuất phát từ thực tế, hai cô học trò Hoàng Thu Trang và Nguyễn Ngọc Kiều Oanh, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Tân Hà (Lâm Hà) đã nghiên cứu thành công Ðề tài khoa học "Xây dựng mô hình trồng cây măng tây xanh theo phương pháp hữu cơ". Sự nỗ lực, sáng tạo trong quá trình nghiên cứu khoa học đã giúp các em đoạt giải nhì tại Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học lần thứ XI.
Xuất phát từ thực tế, hai cô học trò Hoàng Thu Trang và Nguyễn Ngọc Kiều Oanh, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Tân Hà (Lâm Hà) đã nghiên cứu thành công Ðề tài khoa học “Xây dựng mô hình trồng cây măng tây xanh (Asparagus Offcinalis) theo phương pháp hữu cơ”. Sự nỗ lực, sáng tạo trong quá trình nghiên cứu khoa học đã giúp các em đoạt giải nhì tại Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học lần thứ XI.
|
Tranh thủ những giờ nghỉ, cô trò lại cùng nhau ra vườn măng tây nghiên cứu. Ảnh: T.T.Hiền |
Lấy ý tưởng từ thực tiễn
Những ngày đầu tháng 5, qua lời giới thiệu của Huyện đoàn Lâm Hà, chúng tôi tìm đến Trường THPT Tân Hà để có dịp gặp gỡ với hai cô học trò vừa đoạt giải nhì trong Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học lần thứ XI do Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng tổ chức.
Đều sinh ra trong gia đình làm nông, học chung lớp 11A1, Hoàng Thu Trang và Nguyễn Ngọc Kiều Oanh luôn suy nghĩ về vấn đề thực phẩm sạch và an toàn cho sức khỏe con người. Và, với những gì mà bản thân đã nhìn thấy trong đời sống hằng ngày, Trang và Oanh đặt ra hai tiêu chí: thực phẩm sạch và có giá trị kinh tế cao để xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học này.
Khi được hỏi thăm về đề tài vừa đoạt giải, Trang cho hay: “Đề tài nghiên cứu đầu tiên bọn em nghĩ tới là về cây cà chua. Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu, tụi em nhận thấy nó không có gì đặc biệt và cũng là đề tài nhiều bạn hướng tới. Chính vì vậy, tụi em đã quyết định thay đổi đề tài nghiên cứu”.
Hằng ngày, chứng kiến công sức của người nông dân bỏ ra để sản xuất lượng rau, củ nhưng nguồn kinh phí thu lại không được bao nhiêu, cả hai em nuôi ước vọng sẽ tìm ra một giải pháp vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa đảm bảo được sức khỏe cho người tiêu dùng.
Cô Ngô Thị Tuyết Mai, người trực tiếp hướng dẫn làm đề tài cho em Hoàng Thu Trang và Nguyễn Ngọc Kiều Oanh tâm sự: “Do xuất thân trong gia đình có bố hoặc mẹ là nông dân nên các em muốn nghiên cứu một vấn đề gì đó có thể áp dụng được vào đời sống hằng ngày. Sau khi nghe các em trao đổi, tôi cũng khá thích thú về ý tưởng và ý nghĩa của đề tài nên đã đề xuất Ban Giám hiệu nhà trường để có hướng giúp đỡ các em trong quá trình nghiên cứu”.
“Chạy đua” với thời gian
Cây măng tây xanh là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, được người tiêu dùng sử dụng phổ biến như rau xanh trong bữa ăn hằng ngày, có giá trị kinh tế cao hơn so với cà phê, rau, củ.
Quá trình để hoàn thành đề tài kéo dài trong vòng một năm (từ 11/2017- 11/2018), nên nhiều lúc hai em phải “căng mình” để “chạy đua” với thời gian. Vào những ngày không đi học ở trường và học thêm, hai em luôn tranh thủ đến tận vườn người chú của Trang để quan sát và nghiên cứu.Nhân giống hữu tính, vô tính từ hạt và tách mầm từ gốc cây là nội dung nghiên cứu đầu tiên của đề tài. Sau đó khảo sát quá trình sinh trưởng và phát triển của cây măng tây theo phương pháp hữu cơ với các mô hình thí nghiệm tại địa phương. Cuối cùng sẽ đánh giá kinh tế của cây mang lại.
Quá trình nhân giống bằng hạt và bằng tách chồi, Oanh và Trang nhận thấy ươm cây giống bằng chồi có tỷ lệ sống cao là 99%. Ươm giống măng tây xanh bằng hạt tỷ lệ sống sót 90%, thời gian từ khi ươm đến khi cây đạt chuẩn đem trồng là 15 ngày. Có thể đánh giá phương pháp trồng măng tây xanh bằng phương pháp tách chồi có ưu thế hơn so với ươm hạt. Bên cạnh đó, cây măng tây xanh là giống cây trồng lâu năm, rất mẫn cảm với thời tiết, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, sử dụng biện pháp hữu cơ là khá hiệu quả đối với cây măng tây xanh.
Trong quá trình nghiên cứu, các em gặp không ít khó khăn để có thể hoàn thiện đề tài, bởi trên địa bàn huyện Lâm Hà chưa có ai nghiên cứu về cây măng tây vì đó là cây trồng mới. Oanh cho hay: “Do là đề tài mới, vẫn còn ít tài liệu để nghiên cứu nên tụi em thường phải tìm kiếm trên mạng những đề tài có liên quan. Từ đó, hai đứa ngồi lại trao đổi với nhau và có sự giúp đỡ rất nhiều từ giáo viên hướng dẫn”.
Thầy Bùi Duy Hiếu - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Hà cho biết: “Mỗi đề tài trường luôn cử một giáo viên hướng dẫn để tiện cho việc giúp đỡ các em trong quá trình nghiên cứu. Nhà trường luôn đánh giá cao các đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh tham gia”.
THÂN THU HIỀN