Gần 10 năm nay, những thầy thuốc trẻ ở huyện Ðam Rông vẫn luôn mang trong mình tấm lòng thiện nguyện hướng về cộng đồng.
Gần 10 năm nay, những thầy thuốc trẻ ở huyện Ðam Rông vẫn luôn mang trong mình tấm lòng thiện nguyện hướng về cộng đồng.
|
Các thầy thuốc trẻ tích cực tham gia phong trào tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng. Ảnh: H.T |
Hội Thầy thuốc trẻ huyện Đam Rông được thành lập năm 2010, đến nay có gần 140 hội viên là các y, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng... đang công tác trong lĩnh vực y tế từ tuyến huyện đến xã. Hội trưởng Hội Thầy thuốc trẻ - bác sĩ Liêng Hot Benjamin cho biết, hằng năm, Hội đã tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh, tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo ở các xã nghèo. Bên cạnh đó, Hội cũng duy trì tốt hoạt động phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tổ chức hiến máu nhân đạo. Các thầy thuốc trẻ của Hội cũng đã triển khai nhiều kỹ thuật mới tại đơn vị như mổ ruột thừa cấp cứu và đã mổ thành công nhiều ca bệnh tại đơn vị công tác. Các y, bác sĩ, điều dưỡng trẻ khối bệnh viện cũng tích cực trau dồi y đức và chuyên môn, tiếp nhận những kỹ thuật khám, chữa bệnh hiện đại do các bệnh viện tuyến trên chuyển giao thông qua Đề án bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816, được các cấp, các ngành và người dân đánh giá cao.
Từ năm 2014 đến nay, Hội Thầy thuốc trẻ Đam Rông đã phối hợp với các đoàn khám từ thiện khám và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 5.000 người dân trong huyện, cấp 4.000 màn (trị giá 205.000.000 đồng) cho người dân tiểu khu, khu căn cứ; phun thuốc diệt muỗi, tổ chức tiêm chủng, cho uống Vitamin A, phát thuốc phòng chống dịch cho các tiểu khu với kinh phí hơn 50.000.000 đồng/ mỗi đợt triển khai chiến dịch.
“Chúng tôi xác định rằng, dù ở bất cứ đâu thì người bệnh khi đến các cơ sở y tế luôn rất cần người thầy thuốc có chuyên môn giỏi để chữa cho bệnh nhân, đồng thời cũng rất cần sự sẻ chia, chăm sóc, ân cần động viên của thầy thuốc từ cộng đồng” - bác sĩ trẻ Kon Sơ Ha Nin chia sẻ. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khó Đam Rông cằn khô, sỏi đá, anh Ha Nin luôn một lòng muốn quay trở lại cống hiến, chăm sóc sức khỏe cho bà con trong buôn làng. Dù đã có những cơ hội việc làm tại những nơi tốt hơn dành cho chàng trai trẻ người K’Ho nhưng Ha Nin bảo: “Nếu ai cũng muốn công tác ở một nơi có điều kiện tốt thì chỉ có người dân vùng sâu, vùng xa là thiệt thòi, nhất là với bà con đồng bào dân tộc thiểu số”. Vậy nên những đợt công tác xa tại những địa bàn khó khăn, tách biệt như Tiểu khu 179, Tiểu khu 181, thôn Đạ M’Bô, Tây Sơn... chẳng làm anh nề hà. Ha Nin kể rằng, muốn làm tốt mỗi hoạt động như thế có khi phải đi từ ngày hôm trước, vì phải băng rừng, lội suối và phải nhắc nhở, vận động thì bà con mới nhớ, mới biết để tham gia.
“Mỗi thầy thuốc trẻ phải nhận rõ trách nhiệm để nỗ lực đóng góp sức mình trong công tác khám bệnh, điều trị bệnh, phòng bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Vì vậy, phải luôn luôn chăm chỉ học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn. Chúng tôi bảo nhau phải tập cho mình những câu nói thân thiện, ánh mắt cảm thông, cái nhìn chia sẻ, thể hiện mình thật lòng mong muốn chữa lành cho bà con, khi đó sẽ tạo niềm tin cho người bệnh. Bởi đó chính là điều kiện cần xử trí kịp thời chính xác, không để sót bệnh, nâng cao tỉ lệ thành công trong điều trị” - bác sĩ Ha Nin chia sẻ thêm.
Theo bác sĩ Liêng Hot Benjamin, một trong những khó khăn mà Hội đang gặp phải trong những lần tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con chính là việc chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bà con. Với đặc thù địa bàn có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, dân trí thấp nên vẫn còn tồn tại tâm lý ngại ngùng, không đến trung tâm y tế khi có biểu hiện mắc bệnh. Cùng với đó, trang thiết bị, nhân lực không đầy đủ cũng ít nhiều ảnh hưởng đến công tác khám và điều trị bệnh tại địa phương. Hội cũng đã và đang vận động hội viên thực hiện tốt 3 cuộc vận động: “Thầy thuốc trẻ học tập, rèn luyện, nâng cao y đức”, “Thầy thuốc trẻ sáng tạo trong nghiên cứu khoa học”, “Thầy thuốc trẻ vì sức khỏe cộng đồng”.
HỒNG THẮM