Gác lại sách vở sau một năm học căng thẳng, thay vì trở về bên cạnh gia đình hay đi du lịch, những chàng trai, cô gái khoác lên mình chiếc áo xanh tình nguyện vác balo đến những vùng sâu vùng xa, với mong muốn mang sức trẻ của mình để san sẻ phần nào những thiếu thốn, nhọc nhằn của những vùng đất khó.
Gác lại sách vở sau một năm học căng thẳng, thay vì trở về bên cạnh gia đình hay đi du lịch, những chàng trai, cô gái khoác lên mình chiếc áo xanh tình nguyện vác balo đến những vùng sâu vùng xa, với mong muốn mang sức trẻ của mình để san sẻ phần nào những thiếu thốn, nhọc nhằn của những vùng đất khó.
|
Sinh viên tình nguyện dọn dẹp vệ sinh môi trường tại Đam Rông. Ảnh: V.Q |
Thời điểm này đang là những ngày cuối cùng trong Chiến dịch “Đưa tri thức vào mùa hè xanh (MHX) 2019” của sinh viên (SV) Trường Đại học Đà Lạt. Trong vòng 20 ngày, từ ngày 5 - 25/7, 46 SV đã về 3 xã Liêng Srônh, Đạ Tông, Đạ Long của huyện nghèo Đam Rông để thực hiện 3 mô hình: Sưu tầm văn hóa truyền thống đồng bào Tây Nguyên; chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, chống sâu bệnh trong canh tác cà phê; chuyển giao công nghệ ủ phân từ vỏ cà phê và chọn giống cây trồng.
Tại xã Đạ Long, Trần Gia Huy (SV năm 3 Khoa Sư phạm) cùng các bạn trong đội đã có những ngày cùng ăn, cùng ở với người dân nơi đây để tìm hiểu về những nét văn hóa đặc trưng, đồng thời đến từng mái nhà, trò chuyện cùng những người già để được nghe những câu chuyện về văn hóa truyền thống của người K’Ho. Lần đầu tiên tham gia vào Chiến dịch MHX, Gia Huy bày tỏ sự tiếc nuối vì đã không tham gia sớm hơn. Bởi “có đi, em mới nhận ra bản thân mình còn thiếu nhiều kỹ năng thực tế mà nhà trường không dạy được. MHX chính là môi trường để chúng em hình thành và rèn luyện những kỹ năng đó” - Huy chia sẻ.
Lê Trần Quang Lưu (SV lớp Sư phạm Toán - Tin, Khoa Tự nhiên) - chàng Đội phó Đội MHX Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt cũng có chung suy nghĩ như vậy, dù năm nay đã là lần thứ 2 em tham gia vào chiến dịch. Sau 15 ngày triển khai tại xã Ninh Gia, 80% khối lượng công việc đã được hoàn thành với việc sơn, sửa Nhà văn hóa thôn Kinh Tế Mới, xây 2 nhà bóng tạo sân chơi cho thiếu nhi. Quang Lưu đang cùng các bạn thực hiện những phần việc cuối cùng, gồm dọn dẹp vệ sinh và trồng cây ở trường mầm non. Quang Lưu tâm sự: “MHX giúp chúng em rèn luyện được nhiều kỹ năng cần thiết cho cá nhân và xây dựng tình đoàn kết giữa các thành viên trong nhóm. Bên cạnh đó, khi gặp gỡ, tiếp xúc với những hoàn cảnh khó khăn, thấy cuộc sống của người dân nơi đây còn quá khó khăn, thiếu thốn, chúng em thấy đồng cảm hơn và cảm thấy cần phải góp sức nhiều hơn nữa cho cộng đồng”.
Khó khăn không phải là không có, khi những cô cậu SV đã quen sống tại thành phố, nay lại về những xã nghèo, cùng sống và sinh hoạt tập thể trong phòng học, nước phải tự bơm, nhà vệ sinh bất tiện và thiếu thốn... Mặc dù vậy, tinh thần thanh niên sôi nổi và đầy nhiệt huyết vẫn sục sôi trong mỗi con người đang ở tuổi thanh xuân rực rỡ ấy. Trở ngại duy nhất “cản trở” bước chân của các chiến sĩ tình nguyện chỉ thời tiết hay mưa to, cản trở nhiều kế hoạch trong thời gian ngắn ngủi. Bên cạnh những phần việc chính, các đội hình MHX còn phối hợp với đoàn xã thực hiện các công trình dân sinh và triển khai các chương trình sinh hoạt hè cho thanh thiếu niên, nhi đồng của xã; thăm hỏi các gia đình chính sách tại địa phương; giao lưu văn nghệ, thể thao; hỗ trợ các em nhỏ học hè... Đồng hành cùng đoàn SV tình nguyện của Trường Đại học Đà Lạt trong mỗi hoạt động của MHX năm nay, chị Nguyễn Thị Nhung - Bí thư Huyện đoàn Đam Rông tâm sự: Những phần việc mà các SV thực hiện thật sự có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương. Không chỉ là những công trình để lại, các bạn SV còn lưu lại dấu ấn nhiều hơn thông qua những kỹ thuật chăm sóc cà phê cho bà con nông dân được ứng dụng vào thực tiễn.
Chiến dịch MHX chính thức ra đời và ra quân lần đầu vào năm 1997 do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức. Từ năm 2000, Trung ương Đoàn tổ chức chiến dịch thành một phong trào rộng khắp trong cả nước. Riêng tại tỉnh Lâm Đồng, chưa có con số thống kê cho chiến dịch MHX năm nay, nhưng trong năm 2018, chiến dịch đã có 8 đội hình với 133 tình nguyện viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tham gia. Sau gần một tháng triển khai, các đội hình đã hoàn thành nhiều công trình như: Tổ chức dọn vệ sinh, thu gom rác thải, phát quang hơn 20 km bụi rậm; tham gia tu sửa 21 km đường giao thông, 5 cây cầu giao thông nông thôn với tổng kinh phí 70 triệu đồng; trồng 3.170 cây phân tán tại các tuyến đường liên thôn thuộc các xã trên địa bàn; xây dựng, tu sửa 15 nhà nhân ái và nhà văn hóa; tổ chức 15 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi, công nghệ ủ phân từ vỏ cà phê và chọn giống cây trồng cho 2.210 bà con nhân dân, ĐVTN.
Theo anh Phan Tuấn Anh - Bí thư Đoàn Trường Đại học Đà Lạt: “Với những đổi mới phù hợp với điều kiện, trình độ và năng lực của SV trong tình hình mới, MHX đã thực sự trở thành nơi rèn luyện kiến thức, kỹ năng, thái độ cho ĐVTN. Các bạn SV không những góp phần mình vào địa phương nơi thực hiện chiến dịch, mà còn được thực hành chính những kiến thức mình đã học trên ghế nhà trường. Và mỗi mô hình, công trình các bạn thực hiện trong MHX là một đợt thực tập, thực tế của SV”.
Cứ như vậy, đều đặn mỗi năm khi đến hè, những bóng áo xanh lại xuất hiện trên những nẻo đường quê, mang theo tinh thần, tri thức và khát vọng cống hiến.
VIỆT QUỲNH