Tự hào khoác lên mình màu áo đỏ tình nguyện, cả Võ Châu Trúc Khuê (27 tuổi) và Ðỗ Thị Thúy (23 tuổi) đều xem đây là khoảng thời gian thanh xuân đẹp nhất, ý nghĩa nhất của mình.
Tự hào khoác lên mình màu áo đỏ tình nguyện, cả Võ Châu Trúc Khuê (27 tuổi) và Ðỗ Thị Thúy (23 tuổi) đều xem đây là khoảng thời gian thanh xuân đẹp nhất, ý nghĩa nhất của mình.
|
Thúy (thứ hai bên trái) và Khuê (thứ hai bên phải) cùng Ban chủ nhiệm CLB Hành trình đỏ - Kết nối yêu thương tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: H.T |
Hành trình đỏ là chiến dịch nhân đạo cấp Quốc gia, vận động toàn dân tham gia hiến máu nhân đạo và phòng chống căn bệnh tan máu bẩm sinh - Thalassemia. Lâm Đồng tự hào là một trong 5 tỉnh đồng hành xuyên suốt 7 kỳ Hành trình đỏ. Theo ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng, một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công của Hành trình đỏ tại Lâm Đồng chính là dựa vào các thành viên và tình nguyện viên trong Câu lạc bộ (CLB) Hành trình đỏ - Kết nối yêu thương tỉnh Lâm Đồng. Đây là CLB đầu tiên trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
CLB Hành trình đỏ còn có tên gọi khác là “Nhà đỏ” Lâm Đồng. Hoạt động từ năm 2013 nhưng đến năm 2015, CLB mới chính thức được thành lập. Dõi theo các mùa, hình ảnh 2 cô gái nhỏ nhắn vẫn miệt mài gắn bó, phụ trách các công việc lớn nhỏ trong ban tổ chức, đó là Võ Châu Trúc Khuê và Đỗ Thị Thúy. Cả 2 hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Hành trình đỏ tỉnh Lâm Đồng. Nhắc đến cặp đôi Phó Chủ nhiệm, các thành viên của “Nhà đỏ” không quên kể về hình ảnh của những cô gái trách nhiệm, năng nổ, lúc nào cũng tràn đầy năng lượng để truyền đến tất cả mọi người. Dẫu hiện tại mỗi người đang có những công việc riêng nhưng với trách nhiệm được giao, ai cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất phần việc của mình và giúp đỡ các thành viên mới. “Khi tham gia vào Ban chủ nhiệm, chẳng lúc nào 2 chị em vắng mặt trong những hoạt động chung. CLB nhiều lần thay đổi nhân sự nhưng chúng em vẫn bám trụ lại đến giờ. Những lúc CLB gần như tan rã, không thể vực dậy nổi, chị em lại tìm đến nhau để an ủi, cùng vực dậy tinh thần thành viên cũng như tình nguyện viên tại các địa phương” - Đỗ Thị Thúy tâm sự.
Thúy bén duyên với Hành trình đỏ khi là sinh viên năm II Trường CĐSP Đà Lạt. Còn Khuê trở thành tình nguyện viên khi tốt nghiệp đại học ở TP Hồ Chí Minh, trở về quê hương lập nghiệp năm 2015. Cả hai cùng có thời gian dài gắn bó với Hành trình đỏ tại Lâm Đồng, trưởng thành từ một tình nguyện viên hỗ trợ chương trình, tham gia đội hình đạp xe xuyên Việt, tham gia Ban chủ nhiệm để truyền cảm hứng để vận động và giúp cộng đồng hiểu hơn về ý nghĩa của phong trào hiến máu tình nguyện.
Đi qua các mùa Hành trình đỏ, cả hai đều trân trọng một phần tuổi trẻ, một phần thanh xuân của mình bởi không chỉ là những gì đã nhận được, mà đó là quá trình mang đến ý nghĩa cho tất cả mọi người. Và mỗi người luôn có những câu chuyện ghi nhớ trong tim mình. “Em đã phải rất khó khăn mới có thể thuyết phục được cha mẹ ở nhà cho mình tham gia, đặc biệt là chuyến hành trình xuyên Việt đi qua 28 tỉnh, thành trong 34 ngày. Bố mẹ không đồng ý vì thương em là con gái, sợ vất vả và những khó khăn con có thể gặp trên đường. Trước khi khởi hành 1 ngày, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh phải gọi điện thoại về nhà thuyết phục, cam kết sẽ đảm bảo an toàn cho em cũng như các bạn trong suốt chuyến hành trình thì mới nhận được cái gật đầu của cha mẹ” - Thúy kể.
Còn với Khuê, năm 2016, em trở thành 120 tình nguyện viên được đạp xe đạp đi dọc miền đất nước để tuyên truyền về hiến máu tình nguyện, về bệnh tan máu bẩm sinh. “Khi đoàn về đến Lâm Đồng được chào đón rất nhiệt tình. Mọi người chạy ra đón, những cái ôm thật chặt trao nhau. Cả khoảnh khắc được tung lên giữa bầu trời và rơi xuống trong vòng tay của gia đình. Ôi hạnh phúc lắm, thật khó quên lắm trong cuộc đời mình” - Khuê chia sẻ. Năm 2018, Khuê là Chủ nhiệm CLB Hành trình đỏ, Phó Ban điều phối Hành trình đỏ tại Lâm Đồng. Với những kinh nghiệm của mình, Khuê đã trở thành người truyền lửa cho tình nguyện viên, có thể tự tổ chức ngày hội hiến máu, vận động thêm nhiều bạn trẻ hiểu rõ hơn về phong trào hiến máu tình nguyện.
Vượt qua những chặng đường khó khăn, thử thách, Khuê và Thúy học cho mình được thêm các kỹ năng điều hành, lãnh đạo, học tập kinh nghiệm tổ chức hiến máu tình nguyện ở nhiều nơi khác nhau để đem về áp dụng tại địa phương. Chính vì vậy, khi Hành trình đỏ sử dụng tình nguyện viên tại chỗ làm nòng cốt, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện, CLB đã tổ chức các buổi tập huấn kiến thức, trau dồi kỹ năng cho tình nguyện viên. Đồng thời, tổ chức các sân chơi bổ ích để vừa ôn luyện kiến thức và tạo sự gắn kết. Điển hình như năm 2019, CLB cũng tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng thương hiệu Lâm Đồng với những chiếc xe đạp đôi được trang trí bằng hoa dã quỳ đặc trưng, những chiếc xe điện diễu hành quanh thành phố, những điệu nhảy Đà Lạt mộng mơ đáng yêu được lan tỏa. Đặc biệt, đêm gala Sắc Đỏ Cồng Chiêng để lại nhiều ấn tượng bởi những ngọn lửa cao nguyên bập bùng cùng điệu nhảy của người dân xứ Langbiang mến khách... Hàng ngàn lượt người đăng ký, gần 1.000 đơn vị máu thu được mỗi năm là minh chứng cho thành công từ sự đóng góp này.
Với tất cả những điều đó, Khuê và Thúy được Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ đánh giá cao và kỳ vọng cùng với Hội tổ chức hoạt động thu hút tình nguyện viên, góp phần đưa phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh ngày càng phát triển. Bằng những đóng góp của mình, Võ Châu Trúc Khuê và Đỗ Thị Thúy cũng đã nhiều lần nhận được bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, giấy khen của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng... Cả hai cũng đang nhận được đề cử danh hiệu Chiến sĩ Hành trình đỏ 2019 của Trung ương Hội Chữ thập đỏ dành cho những cá nhân tiêu biểu, xuất sắc.
HỒNG THẮM