124 sinh viên tình nguyện của 6 trường đại học, cao đẳng vừa "xuất quân" về với 8 xã vùng dân tộc thiểu số của 6 huyện trong tỉnh để trải nghiệm cuộc sống, góp sức trẻ cùng đồng bào xây dựng nông thôn mới.
124 sinh viên tình nguyện của 6 trường đại học, cao đẳng vừa “xuất quân” về với 8 xã vùng dân tộc thiểu số của 6 huyện trong tỉnh để trải nghiệm cuộc sống, góp sức trẻ cùng đồng bào xây dựng nông thôn mới.
Cơn mưa vừa ngớt, chúng tôi về 3 xã vùng sâu vùng xa Đam Rông, nơi 46 sinh viên Trường Đại học Đà Lạt đang làm nhiệm vụ để thấy màu áo xanh trong không khí sục sôi tinh thần cống hiến, trưởng thành của một mùa hè tình nguyện.
|
Vượt đồi dốc giúp dân. Ảnh: Q.Uyển |
Làm bất cứ việc gì đồng bào cần
Chiếc xe công nông chở sinh viên tình nguyện vượt quãng đường gần 20 km từ xã Liêng Srônh vào đến cầu số 6 (trên Tỉnh lộ 722, địa phận Thôn 4 - xã Rô Men) thì dừng lại; để vào đến rẫy cà phê của đôi vợ chồng trẻ Ha Hiền phải đi bộ gần 3 km đường đất nữa. Cái nắng gắt chưa đủ để làm khô những vũng lầy của trận mưa đêm qua, không phương tiện nào vào được. Vợ chồng Ha Hiền (Thôn 2, xã Liêng Srônh) có con nhỏ, rẫy cà phê 2 ha thì cách xa nhà. Những cơn mưa trước đó đã làm cho chồi gốc cà phê mọc lên lấn át cả mùa trĩu hạt. Bằng sức trẻ, lòng nhiệt tình, chỉ trong buổi sáng, các bạn sinh viên đã giúp vợ chồng Ha Hiền vặt sạch những đọt chồi “không mong mà mọc” để cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi trái, tạo sự quang đãng thêm ánh sáng vào những chùm quả non ở cành nhánh, hạt sẽ chắc mẩy hơn, năng suất cao hơn.
Dù nơi “đóng quân” là Liêng Srônh, nhưng cứ nghe gia đình nào có hoàn cảnh neo đơn cần chăm sóc rẫy cà phê thì xa mấy các bạn cũng tới. Chuyện di chuyển đến 20 - 30 cây số vào tận Đạ R’sal, hay suối nước mát Rô Men để giúp dân là bình thường. Hầu hết các bạn mới ở tuổi mười chín đôi mươi, nhiều bạn ở nhà chưa đụng đến cây cuốc, cái liềm, được cha mẹ chăm sóc, đi học chỉ biết những con đường phố xá từ nhà trọ đến trường, đến bữa là ăn quán. Nhưng giờ đây đã cảm thấy mình cứng cáp hơn, việc gì của nhà nông cũng biết chút chút, tự nấu những bữa ăn tập thể cho nhiều người; đặc biệt là được hiểu thêm vùng đất Lâm Đồng nơi có ngôi trường mình đang học - bạn Trần Thị Thúy Vy (sinh viên năm 2, ngành Luật, Trường Đại học Đà Lạt) tự tin.
Phương tiện đi lại là chiếc xe công nông nhà Ha Hiệp (Bí thư Đoàn Thôn 2 - Liêng Srônh). Ha Hiệp vừa làm tài xế, vừa tham gia vào mọi công việc giúp dân như thành viên thứ 15 của đội sinh viên tình nguyện. Anh vui vẻ cho biết: Có các bạn về, phối hợp với đoàn viên, thanh niên ở địa phương cùng chia sẻ khó khăn giúp đỡ đồng bào, vui chơi với thiếu nhi, dạy các em ôn tập củng cố kiến thức. Như có sự đồng hành, hoạt động Đoàn - Đội ở địa phương cũng vì thế mà sôi nổi.
Bên cạnh việc chăm sóc cây trồng, các bạn đã cùng đồng bào tận dụng phế phẩm, phụ phẩm như vỏ cà phê, vỏ trấu ủ phân vi sinh. Phế phẩm, phụ phẩm được tưới ẩm, trộn men vi sinh và vôi bột, ủ thành đống cho hoai mục, rồi bón cho cà phê, cây sẽ dễ hấp thụ. Trước đây đồng bào vẫn tận dụng các phụ phẩm này làm phân bón, nhưng chỉ là bón thô, không qua khâu ủ, cây khó hấp thụ nên hiệu quả sẽ không cao. Việc hướng dẫn đồng bào ủ phân vi sinh, khi sử dụng thấy được hiệu quả, đồng bào sẽ áp dụng, hạn chế dùng phân bón hóa học, giảm chi phí, cho nông sản sạch, sản xuất bền vững - bạn Nguyễn Trung Hổ nhóm trưởng giải thích.
|
Giúp dân vặt chồi gốc để cà phê thêm nặng hạt. Ảnh: Q.Uyển |
Mùa hè xanh không chỉ là chuyến đi xa
Tại xã Đạ Long, đúng vào lúc 15 sinh viên Trường Đại học Đà Lạt về cũng là lúc Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đam Rông phối hợp cùng UBND xã Đạ Long khai giảng lớp truyền dạy cồng chiêng cho 40 thanh niên K’Ho trong xã. Ngày giúp dân lao động sản xuất, đi từng nhà tìm hiểu phong tục tập quán, sưu tầm văn hóa; tối đến, các bạn đến nhà văn hóa xã cùng thanh niên địa phương học đánh chiêng, tìm hiểu các bài chiêng cổ truyền, các điệu thức biểu diễn; tìm hiểu không gian văn hóa cồng chiêng với các lễ hội, nhạc cụ truyền thống, các làn điệu dân ca, các vũ điệu xoang của người K’Ho... Trước sự ham hiểu biết của các bạn trẻ, ông Ha Jah - một người tâm huyết với truyền thống văn hóa dân tộc mình cùng các nghệ nhân cao tuổi đã tận tình giải đáp mọi câu hỏi của các bạn trẻ cho họ hiểu được “cái hồn của chiêng”. Những ngày tình nguyện như một cuộc điền dã, vừa sưu tầm, ghi chép các bạn vừa được hiểu về văn hóa và thêm yêu vùng đất xa xôi, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn này.
Vùng sâu Đạ Long hôm nay không còn xa ngái, heo hút nữa. Những con đường nhựa, bê tông đã chạy về từng buôn làng, muốn ăn, muốn mua gì cũng có, cuộc sống của đồng bào đã đổi thay. Các bạn trẻ vẫn đùa nhau: “Thành phố có gì, buôn làng cũng có; nhưng nhiều thứ buôn làng có mà thành phố không có...”, những thứ đó có lẽ là sự yên bình, không gian tĩnh lặng, núi rừng hoang sơ và cả tình người chân chất, mộc mạc, ấm áp.
Mùa hè xanh chỉ kéo dài 20 ngày, nhưng là khoảng thời gian được sống trọn vẹn trong tình bạn. Cùng ăn, cùng ở, va chạm, tương tác với nhau để cùng trau dồi kỹ năng sống trong môi trường tập thể; biết thông cảm, sẻ chia, nhường nhịn, để bớt đi lối sống lạnh lùng, thờ ơ, vị kỷ đang là “căn bệnh” của nhiều bạn trẻ...; từ đó làm hành trang để thành công sau này.
Mỗi ngày qua đi là những kỷ niệm đong đầy, được trải nghiệm và viết thêm những trang nhật ký thanh xuân đời người đầy cảm xúc. Đó là những ngọn đồi, dòng sông, con suối, những buôn làng, những hoàn cảnh, số phận các bạn đã gặp, những con đường mà các bạn đi qua.
Mùa hè xanh không chỉ là một chuyến đi xa, mà là một hành trình trải nghiệm những ngày tháng tươi đẹp, ở đó môi trường thực tế là trường học sinh động nhất, để các bạn biết mặt đất rộng dài như thế nào, để cống hiến, để trưởng thành hơn, trách nhiệm hơn với cuộc sống và với cộng đồng xã hội. Vì thanh xuân chỉ đến một lần, hãy làm những điều có ý nghĩa với quê hương, đất nước và lưu giữ cho mình những kỷ niệm đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ.
QUỲNH UYỂN