Bằng sự kiên trì, anh Trần Thanh Trung (33 tuổi) đã trở thành nông dân tiên phong của xã Xuân Trường (Đà Lạt) về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Bằng sự kiên trì, anh Trần Thanh Trung (33 tuổi) đã trở thành nông dân tiên phong của xã Xuân Trường (Đà Lạt) về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
|
Vườn hoa đồng tiền trong nhà kính của anh Trần Thanh Trung. Ảnh: H.Y |
Chúng tôi có dịp ghé thăm vườn hoa công nghệ cao của anh Trung ở thôn Phát Chi, xã Trạm Hành khi anh đang tất bật cắt hoa, đóng gói, chuyển lên xe. Trong vườn, các loại hoa đồng tiền, cẩm chướng đua nhau khoe sắc. Anh Trung kể, niềm đam mê nông nghiệp đã ngấm vào máu từ thuở ấu thơ bởi gia đình anh xuất phát từ nghề nông. Vì vậy, sau khi đi bộ đội, có cơ hội học lên sỹ quan và phục vụ trong quân đội, nhưng anh xác định con đường khởi nghiệp sau khi xuất ngũ là trở về Đà Lạt trồng hoa. Anh Trung chia sẻ: “Sinh ra trong một gia đình thuần nông, mình luôn trăn trở để tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, có làm giàu cho bản thân và gia đình thì mới đóng góp, cống hiến cho xã hội được. Do đó, tôi đã tham khảo nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình tại nhiều địa phương và tìm ra hướng đi cho riêng mình”.
Để thực hiện ước mơ, anh Trung bắt đầu những chuỗi ngày làm việc cật lực xây dựng khu vườn của mình. Anh kể sau khi quyết định về nhà làm nông dân thay vì học lên sỹ quan khiến nhiều bạn bè, người thân ngỡ ngàng. Họ bảo đam mê là một chuyện nhưng biến đam mê thành hiện thực không phải là điều dễ dàng. Nhưng may mắn, anh được gia đình ủng hộ, giấc mơ có một nông trang hoa càng làm anh quyết tâm gắn bó với nghề nông. Anh sử dụng nguồn đất gia đình để thực hiện giấc mơ của mình. Anh Trung đã không ngần ngại vác cuốc, rựa đi chặt phá cây dại, san lấp mặt bằng. Vậy là, một trang trại hoa rộng lớn mọc lên cùng hình ảnh người thanh niên không ngại gian khổ dầm mưa dãi nắng, xắn tay áo cùng nhân công vận chuyển vật liệu làm nhà kính, nhà lưới để trồng hoa.
Con đường tìm đến thành công bằng hướng đi nông nghiệp của anh không hề bằng phẳng. Nhưng với lối suy nghĩ nông nghiệp là một ngành kinh tế hấp dẫn và dễ kiếm tiền, anh từng bước thuyết phục được gia đình mình vay vốn để mở rộng sản xuất. Ngay những ngày đầu mới chập chững vào nghề, kiến thức còn hạn chế đã khiến những luống hoa đầu tiên bị sâu bệnh rũ héo và chết. Thất bại bước đầu nhưng anh Trung vẫn quyết tâm bám trụ với suy nghĩ ngừng lại thì mất hết, đi tiếp thì còn có cơ hội. Anh chạy đôn chạy đáo để vay tiền, thậm chí thế chấp sổ đỏ của gia đình cho ngân hàng mới đủ trang trải chi phí thua lỗ để làm lại từ đầu.
Sau khi học được kinh nghiệm và trồng hoa bắt đầu sinh lợi, anh Trung tiếp tục tái đầu tư. Từ 3 sào nhà kính ban đầu, đến nay, anh đã phát triển khu vườn rộng 1,2 ha nhà kính khá hiện đại với hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương làm mát được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng. “Hoa là loại cây trồng rất nhạy cảm với ánh sáng, thời tiết, dịch bệnh vì vậy người trồng phải thường xuyên có mặt tại vườn, tính toán mật độ phù hợp, chăm sóc, bón phân khoa học... để có được những bông hoa đạt chuẩn, được thị trường chấp nhận” - anh Trung chia sẻ. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng không mấy khó khăn vì hoa Đà Lạt chất lượng nên được thị trường rất ưa chuộng, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Trung bình mỗi ngày vườn của anh cắt được 8.000 hoa đồng tiền và cẩm chướng, tạo nguồn thu nhập ổn định. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 nhân công người địa phương với tiền thù lao khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Ông Lê Văn Thuận, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Trường cho biết: Anh Trung là một nông dân tiêu biểu; đồng thời, cũng là hội viên cựu chiến binh của xã. Trước đây, khi xuất ngũ về anh làm cán bộ phụ trách nông lâm thủy. Tuy nhiên, với niềm say mê nông nghiệp, anh quyết định “về vườn” để chuyên tâm vào phát triển sản xuất nông nghiệp. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Trung còn giúp đỡ nhiều thanh niên trong xã về vấn đề kỹ thuật, vốn để cùng nhau phát triển sản xuất. Nhờ vậy, nhiều bạn trẻ của xã cũng đã chuyển một phần diện tích đất nhỏ của gia đình để phát triển rau, hoa công nghệ cao và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với việc trồng thuần cây cà phê. Từ đó, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất lan tỏa rộng khắp xã Xuân Trường, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng khởi sắc.
“Nếu bạn đã quyết tâm gắn bó với nghề nông thì phải đeo đuổi cho đến cùng. Mặc dù làm nông nghiệp cực khổ, mức độ rủi ro cao nhưng nếu mình chịu khó, tìm tòi ứng dụng khoa học kỹ thuật thì sẽ sống được với nghề” - anh Trung chia sẻ. Những gì anh có được ngày hôm nay đã minh chứng cho những nỗ lực làm giàu của một thanh niên đầy nhiệt huyết.
HOÀNG YÊN