Thực hiện Di chúc của Người, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

09:08, 27/08/2019

Một trong những di sản bất hủ từ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm tin chiến thắng và ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước; là cơ sở để Đảng ta, nhân dân ta xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Một trong những di sản bất hủ từ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm tin chiến thắng và ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước; là cơ sở để Đảng ta, nhân dân ta xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Nhận định về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết “Bản Di chúc tuy rất ngắn gọn song nó chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm, là sự kết tinh một đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, đem lại sự đổi đời của dân tộc Việt Nam ta, đồng thời để lại những di sản bất hủ đối với những thế hệ mai sau…”.
 
Một trong những di sản bất hủ đó là là niềm tin chiến thắng và ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước; là cơ sở để Đảng ta, nhân dân ta xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Từ thực tiễn tình hình quốc tế và trong nước, từ bản chất, âm m­ưu của đế quốc và bè lũ tay sai đối với nước ta, nhất là từ tư­ơng quan so sánh lực lượng địch ta ở thời điểm đó, trong Di chúc, Người đã dự báo "Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người", tuy nhiên, với cảm quan của một vĩ nhân, Người khẳng định niềm tin sắt đá: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn".
 
Từ những tổ chức vũ trang đầu tiên đến Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, Quân đội ta luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo xây dựng, giáo dục, rèn luyện về chính trị, tư tưởng và tổ chức; khẳng định nội dung cơ bản của việc xây dựng Quân đội nhân dân phải được thể hiện ở việc xác định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người thường xuyên nhắc nhở phải: “Sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”.
 
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là một nhiệm vụ chiến lược cơ bản, lâu dài và là yêu cầu tất yếu của cả thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Bằng hoạt động lý luận và hoạt động thực tiễn hết sức phong phú, Hồ Chí Minh từng bước giáo dục, bồi dưỡng làm cho Chủ nghĩa Mác-Lênin ngày càng thấm sâu vào đời sống tinh thần của Quân đội. Đồng thời, Người luôn quan tâm đến việc chọn lựa, bồi dưỡng những “phần tử tiên tiến” trong các tầng lớp nhân dân lao động có tinh thần yêu nước, có giác ngộ dân tộc và giác ngộ giai cấp sâu sắc để tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện họ trở thành những quân nhân cách mạng, những cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, những đảng viên trung kiên của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, cùng với việc xây dựng Quân đội nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân là yêu cầu khách quan của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, nhằm tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và duy trì hoạt động của chính quyền nhà nước chuyên chính vô sản. Năm 1945, ngay sau khi mới giành được chính quyền, Người đã chỉ ra: “Nước ta mới giành lại quyền độc lập tự do, nhưng còn phải trải qua nhiều bước khó khăn, để củng cố quyền tự do, độc lập đó. Vậy nên quốc dân ta, bất kỳ già trẻ, đều phải ra sức gánh vác một vai”(1).Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người thường xuyên nhắc nhở: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng...”(2) làm cho nền quốc phòng, nhất là Quân đội vững mạnh, đủ sức trấn áp bọn phá hoại, giữ gìn an ninh trật tự cho nhân dân, đồng thời Quân đội phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
 
Trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ cần chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh cả về chính trị, quân sự làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ chế độ mới. Người yêu cầu: “phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị và quân sự trong bộ đội ta. Phải nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỷ luật tự giác của bộ đội ta. Phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân”(3).
 
Thực hiện di huấn của Người, từ Nghị quyết Đại hội IX (năm 2001), Đảng ta khẳng định: “Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”(4). Đến Đại hội XI (năm 2011) Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh…”(5). Tại Đại hội XII, Đảng ta đã cụ thể hóa nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới đến năm 2030 là: “Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó quân đội nhân dân và công an nhân dân là nòng cốt”(6). Đó là những định hướng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong trong quá trình xây dựng, đổi mới và đất nước.
 
Trong tình hình hiện nay, các cấp bộ Đoàn cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ Cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp" trên mạng xã hội, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, để hướng đoàn viên thanh niên tới các giá trị cao đẹp, sống có ích, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; để những câu chuyện tốt lan tỏa mạnh mẽ, rung động đến những góc khuất sâu nhất của tâm hồn con người...

Quá trình xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân luôn có liên quan mật thiết với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam - thế hệ tương lai của đất nước.

Trước tình hình thế giới, khu vực luôn vận động, biến đổi phức tạp, khó lường; trước những tác động nhiều chiều liên quan đến quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng; trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới; thực hiện Di chúc của Người “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, để thanh niên thực sự là “những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên”, đồng thời phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, các cấp bộ Đoàn cần tập trung thực hiện tốt những nội dung, giải pháp cơ bản sau:
 
Một là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thanh niên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần nâng cao tiềm lực chính trị, tinh thần của đất nước.
 
Tiềm lực chính trị, tinh thần biểu hiện ở nhận thức, ý chí, niềm tin, tâm lý, tình cảm của nhân dân và lực lượng vũ trang trước nhiệm vụ quốc phòng của đất nước. Việc xây dựng, củng cố và phát huy tiềm lực tinh thần của tuổi trẻ là một quá trình lâu dài, liên tục, bền bỉ, trong đó phải chú trọng xây dựng lòng tin - niềm tin - lý tưởng cho đội ngũ.
 
Theo đó, tổ chức Đoàn các cấp cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên thanh niên. Trong công tác giáo dục quốc phòng, an ninh cần tập trung quán triệt, tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; không ngừng nâng cao nhận thức và “bộ lọc” trước những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc...
 
Tổ chức Đoàn cần có các hình thức phù hợp, sáng tạo trong tập hợp, giáo dục đoàn viên thanh niên nhằm khơi dậy tình yêu Tổ quốc, lý tưởng cách mạng, kiên định niềm tin vào chế độ; đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”... Thông qua đó nhằm củng cố niềm tin, hình thành ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, tăng sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội.
 
Hai là, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng trọng điểm về an ninh, quốc phòng…
 
Các cấp bộ Đoàn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành làm tốt công tác giáo dục, động viên và tổ chức cho thanh niên thực hiện tốt Luật Quốc phòng, Luật nghĩa vụ quân sự, pháp lệnh dự bị động viên, pháp lệnh dân quân tự vệ; phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn và thanh niên địa phương trong tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; xung kích, tình nguyện góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ, diễn tập khu vực phòng thủ ở địa phương, xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân; phối hợp thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; tổ chức các đội hình thanh niên tình nguyện, thực hiện các công trình, phần việc thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè, tình nguyện mùa Đông; chủ động tích cực phối hợp với các đơn vị Quân đội, đặc biệt là Hải quân, Biên phòng xây dựng các công trình, phần việc thanh niên có giá trị về mặt kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
 
Ba là, phát huy trí tuệ của tuổi trẻ tham mưu góp ý, phản biện chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp của đất nước.
 
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định mục tiêu của quốc phòng, an ninh trong thời gian tới là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
 
Các cấp bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên cần chủ động, tích cực hơn nữa trong tham gia vào các hoạt động góp ý, phản biện chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; phát huy vai trò xung kích trong lao động sáng tạo, làm chủ khoa học - công nghệ, có nhiều sản phẩm thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Qua đó góp phần vào công cuộc xây dựng một nước Việt Nam thực sự ổn định về chính trị, xã hội; đa dạng, bản sắc về văn hóa; giàu về kinh tế; mạnh về quốc phòng, an ninh, vững bước trên con đường hội nhập quốc tế.
 
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 4 tr. 23.
 
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 226.
 
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 37.
 
(4). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr. 117.
 
(5). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 233.
 
(6). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 148.
 
(Theo Tuyengiao.vn)