Trò chuyện cùng cô giáo Nguyễn Thị Thảo - Trường Mầm non Họa Mi (huyện Ðạ Tẻh), chúng tôi cảm nhận được ở chị niềm say mê công việc và tấm lòng yêu nghề, mến trẻ.
Trò chuyện cùng cô giáo Nguyễn Thị Thảo - Trường Mầm non Họa Mi (huyện Ðạ Tẻh), chúng tôi cảm nhận được ở chị niềm say mê công việc và tấm lòng yêu nghề, mến trẻ.
|
Cô giáo Nguyễn Thị Thảo với hoạt động dạy học cùng các bé lớp Lá. Ảnh: T.H |
Hơn 5 năm gắn bó với công việc “ươm” những “mầm non” tại Trường Mầm non Họa Mi, cô Thảo không quản ngại đường sá xa xôi ngày ngày vượt hơn 20 cây số đi về để đến với trẻ, với nghề. Dạy học ở ngôi trường có đông trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số, cô Thảo cho rằng: “Ngoài chăm sóc, dạy dỗ trẻ, mình phải làm sao để trẻ cảm nhận được tình thương yêu của cô giáo mà thích đến lớp hơn”.
Để làm được điều này, theo cô Thảo, đầu tiên bản thân phải làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ở lớp, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ bản thân cho trẻ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với gia đình để giúp trẻ phát triển toàn diện. Đặc biệt, cô luôn quan tâm đến từng trường hợp để tạo sự gần gũi, tin tưởng của trẻ nên trong lớp trẻ nào cũng yêu mến cô. Kết quả chất lượng giáo dục trẻ cuối năm của lớp cô luôn đạt cao: bé chăm, bé ngoan đạt 100%; bé khỏe đạt 95%...
Là một giáo viên trẻ, cô Thảo luôn nêu cao tinh thần tự giác học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao tay nghề cho bản thân. Mặc dù đang có con nhỏ nhưng cô vẫn dành thời gian đi học và đã tốt nghiệp hệ đại học ngành mầm non. Ngay năm đầu tiên về trường, cô đã tham gia và đoạt giải soạn giáo án E-learning cấp tỉnh. 5 năm công tác ở trường, cô liên tục đoạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, trong đó, có 2 năm đoạt giáo viên giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Cô luôn nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp, giải pháp trong việc đổi mới kỹ năng giảng dạy như: thực hiện tốt giáo án trên phần mềm EDUBOX, nghiên cứu đầu tư cho công tác soạn giảng... Đặc biệt, cô được nhà trường và Phòng Giáo dục huyện Đạ Tẻh đánh giá cao khi thực hiện tốt chuyên đề trọng tâm “Phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong trường mầm non”.
Với vai trò là Tổ khối trưởng Tổ Lá - Chồi, cô Thảo tích cực học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp trường mình và trường bạn để nâng cao khả năng tập hợp, tổ chức sinh hoạt, điều hành chỉ đạo các thành viên trong tổ. Bên cạnh đó, cô luôn nhiệt tình tư vấn, giúp đỡ đồng nghiệp trong tổ về cách lên tiết, kỹ năng soạn giáo án và hình thức tổ chức các tiết dạy đảm bảo hiệu quả cao.
Trong công tác kiêm nhiệm, là Trưởng Ban Nữ công, cô luôn nghiên cứu, học hỏi, nắm bắt các ý kiến, tâm tư nguyện vọng của chị em. Từ đó, lên kế hoạch, tổ chức các hoạt động phong trào để làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nữ đoàn viên lao động trong đơn vị.
Không chỉ say mê công việc, yêu nghề, mến trẻ, cô Thảo còn là nhân tố điển hình trong phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ở trường và cả ở địa phương. Với năng khiếu về văn nghệ, cô thường xuyên tham gia và đoạt giải các hội thi văn nghệ của ngành, của huyện. Cô còn làm biên đạo múa nhiều chương trình, hội diễn văn nghệ ở địa phương...
Nhận xét về cô giáo Nguyễn Thị Thảo, cô Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi - Phạm Thị Hoa tự hào: “Cô Thảo là giáo viên trẻ rất năng nổ, nhiệt tình, chuyên môn tốt và rất tâm huyết với nghề. Vừa là giáo viên cốt cán, tổ khối trưởng, vừa là Trưởng Ban Nữ công, ở vai trò nào cô cũng có tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt, cô còn có năng lực tổ chức và tích cực tham gia các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ của trường cũng như của ngành hay địa phương tổ chức”.
TUẤN HƯƠNG