Không chỉ là trào lưu nhất thời, nhiều bạn trẻ hiện nay đã thực sự quan tâm, thay đổi ý thức cũng như thói quen sống của mình theo hướng thân thiện, an toàn hơn. Với họ, "sống xanh" không chỉ là đi trồng cây, dọn rác mà còn cố gắng thay đổi thói quen, cách sống hàng ngày và hạn chế thải rác ra môi trường.
Không chỉ là trào lưu nhất thời, nhiều bạn trẻ hiện nay đã thực sự quan tâm, thay đổi ý thức cũng như thói quen sống của mình theo hướng thân thiện, an toàn hơn. Với họ, “sống xanh” không chỉ là đi trồng cây, dọn rác mà còn cố gắng thay đổi thói quen, cách sống hàng ngày và hạn chế thải rác ra môi trường.
|
Phiên chợ hữu cơ của những nhà nông trẻ. Ảnh: H.Thắm |
Xu hướng sống xanh (livegreen) vẫn đang từng ngày lan tỏa rộng rãi trong giới trẻ và ngày càng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng. Thay thế toàn bộ ống hút nhựa bằng ống hút làm từ bột, cỏ, tre; giảm thiểu sử dụng túi nilon, không sử dụng chai nước nhựa trong các cuộc hội họp; không thả bóng bay vào ngày khai giảng... là những hành động đang diễn ra hết sức mạnh mẽ tại tất cả mọi nơi, từ thành phố lớn cho đến các huyện lỵ của tỉnh lẻ dần đi vào cuộc sống thường nhật.
Mới đây, một đám cưới đã không sử dụng túi nilon và chai nhựa dùng 1 lần thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Đám cưới đó diễn ra ở huyện Đức Trọng. Trên tấm thiệp nhỏ đặt trên mỗi bàn có ghi những hàng chữ: Chúng mình sử dụng một số sản phẩm thân thiện với môi trường, không sử dụng túi nilong, khăn ướt và chai nhựa một lần; chúng mình có chuẩn bị nước lọc, hộp làm từ bã mía và túi vải, túi giấy để khách gói ghém thức ăn tươi mang về. Tuy nhiên, dù đã cố gắng thì vẫn còn sử dụng một số sản phẩm không thân thiện và chúng mình sẽ tìm cách để tái chế chúng.
Người can đảm thực hiện ý tưởng táo bạo đó là Nguyễn Đức Hoàng, một chàng trai vừa tròn 23 tuổi. Chúng tôi nói Hoàng can đảm bởi để tổ chức một đám cưới “khác người” như thế cho chị gái mình, cậu đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Mà khó khăn đầu tiên theo như Hoàng tâm sự, đó là từ chính gia đình của mình. Từ lúc có ý tưởng, Hoàng mất nhiều tháng để thuyết phục cha mẹ và hai nhân vật chính của đám cưới là cô dâu và chú rể. Tất cả mọi người đều cảm thấy rất khó khăn để có thể chuẩn bị mọi vật dụng, nguyên liệu. Hoàng và người nhà phải giải thích cho phần lớn khách mời bởi rất nhiều người tham dự đã lớn tuổi, cảm thấy rất lạ lẫm với một đám cưới như thế.
“Mọi việc mình làm xuất phát từ trách nhiệm của cá nhân mình thôi. Ngày xưa, mình chỉ đơn thuần ngồi trên ghế nhà trường, học những gì trong sách vở và không chú tâm mấy đến mọi thứ xung quanh. Những vấn đề ô nhiễm môi trường cũng vậy, mình mặc nhiên nghĩ là có công nhân vệ sinh lo, hoặc là trách nhiệm của một tổ chức nào đó. Khi ấy mình chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về môi trường và sinh thái. Sau này, khi mình đi làm, mình tiếp cận được nhiều nguồn thông tin về lối sống, môi trường, nó cho mình khá nhiều trải nghiệm thực tế. Mình tin rằng điều này sẽ tạo cảm hứng cho nhiều người tiết giảm những thứ gây hại đến môi trường, tiến tới ăn lành, sống xanh, bảo vệ môi trường” - Đức Hoàng cho biết thêm.
Quan niệm “sống xanh” được nhiều bạn trẻ hiện nay cụ thể hóa bằng những việc làm như không tạo ra thêm rác thải nhựa, thay vào đó là những vật dụng dùng được nhiều lần và không có tác động xấu tới môi trường. Một số siêu thị chọn thay thế túi nhựa bằng túi vải, túi nilon thân thiện với môi trường, đóng gói thực phẩm bằng lá chuối, dây lát, lá lục bình... đã góp phần lan tỏa xu hướng sống xanh cho khách hàng.
Ở TP Đà Lạt, có một phiên chợ hữu cơ của những nhà nông trẻ diễn ra mỗi tháng một lần. Trong phiên chợ, bạn sẽ không tìm thấy bóng dáng của bất kỳ chiếc túi nilon nào cả. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, những người tham dự phiên chợ giờ đây đã chủ động sắm cho mình một chiếc túi, giỏ vải cỡ lớn để đựng hàng hóa. Các gian hàng được bày trí mộc mạc, sử dụng khay đựng, đóng gói, bao bì... hoàn toàn là những nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.
Bạn Huỳnh Hữu Duy, một trong những nhà cung cấp của phiên chợ cho biết phải mất một thời gian để lựa chọn nguyên liệu đóng gói cũng như sáng tạo ra những chiếc túi đựng bởi nó sẽ làm chi phí tăng lên. Duy trồng rau hữu cơ, không dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật vô cơ với mục đích có thể cung cấp những thực phẩm an toàn, sạch đến tay người dùng và còn để hướng mọi người chung tay với mục đích sống an toàn, sống khỏe và bảo vệ môi trường. Hữu Duy chia sẻ: “Bọn mình cố gắng thay thế vật dụng nhựa bằng tre, nhựa tái chế. Tại vì mình biết, hiểu và cần thiết phải thay đổi như vậy, dù nhỏ nhưng rất quan trọng. Mình cho rằng chúng mình là thế hệ đi sửa lại những điều chưa đúng và làm cho chúng trở nên tích cực hơn để bảo môi trường”.
Cũng chọn chủ đề đoàn viên thanh niên với gánh nặng “rác thải nhựa” - kẻ thù của môi trường và mối đe dọa của sự sống trên trái đất, bạn Huỳnh Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Trường Đại học Yersin vừa giành được giải nhì trong Cuộc thi Báo cáo viên giỏi cấp tỉnh năm 2019. Đề tài của Thu Hằng được Ban giám khảo đánh giá khá cao, thể hiện cách nhìn mới đối với vấn đề "rác thải nhựa", mang tính thời sự nóng bỏng và được người dân đặc biệt quan tâm. “Vừa qua, Đoàn Trường Đại học Yersin Đà Lạt cũng tổ chức hội trại No Plastic với nhiều hành động thiết thực như sinh viên không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, cuộc thi ẩm thực không sử dụng nhựa, cuộc thi thời trang tái chế rác thải nhựa; nhóm đại sứ sinh viên Yersin cũng đang thực hiện dự án phân loại rác thải nhựa ngay cổng trường với thùng rác bằng tre... Tôi nghĩ rằng, học sinh, sinh viên là những đối tượng có xu hướng sử dụng nhựa rất nhiều trong học tập cũng như sinh hoạt. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta đều phải có trách nhiệm đối với môi trường”, Thu Hằng chia sẻ.
HỒNG THẮM