Sử dụng vỏ cà phê để trồng nấm bào ngư

07:11, 14/11/2019

Đề tài "Sản xuất nấm bào ngư xám trên giá thể vỏ cà phê" của nhóm giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Đà Lạt vừa đoạt giải nhì Hội thi "Ý tưởng và Mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ II năm 2019"...

Đề tài “Sản xuất nấm bào ngư xám trên giá thể vỏ cà phê” của nhóm giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Đà Lạt vừa đoạt giải nhì Hội thi “Ý tưởng và Mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ II năm 2019”. Qua đó, là một trong 5 dự án của tỉnh Lâm Đồng lọt vào vòng Chung kết hội thi này ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua.
 
Sản phẩm nấm bào ngư trồng từ giá thể vỏ cà phê được trưng bày tại triển lãm sản phẩm khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng năm 2019. Ảnh: V.Quỳnh
Sản phẩm nấm bào ngư trồng từ giá thể vỏ cà phê được trưng bày tại triển lãm sản phẩm khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng năm 2019. Ảnh: V.Quỳnh
 
Tận dụng nguyên liệu có sẵn
 
Ý tưởng dùng vỏ cà phê làm giá thể trồng nấm thay cho mùn cưa được Thạc sĩ Nguyễn Huyền Sâm - giảng viên Trường CĐSP Đà Lạt nhen nhóm từ lâu, khi cô nhận thấy việc này vừa giúp tận dụng được vỏ cà phê; đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng các phế phẩm từ cây cà phê.
 
Theo cô Sâm, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 150.000 ha cà phê, sản lượng bình quân hằng năm đạt 350.000 tấn. Quả cà phê sau khi thu hái sẽ lấy phần nhân để rang, xay, còn phần vỏ chiếm 40 - 45% sẽ bị loại bỏ. Như vậy, một lượng lớn phế thải được tạo ra trong quá trình chế biến cà phê. Trong khi đó, vỏ cà phê chứa lượng lớn hydratcarbon - là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tốt cho sự phát triển của nấm. Vì vậy, nếu xử lý và sử dụng vỏ cà phê làm giá thể trồng nấm sẽ giúp nâng cao giá trị dinh dưỡng của nấm bào ngư xám. Ngoài ra, do hàm lượng chất dinh dưỡng trong vỏ cà phê cao nên giá thể trồng nấm từ vỏ cà phê có thể tái sử dụng để trồng lứa nấm mới, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho việc trồng nấm. Với sản lượng cà phê của Lâm Đồng như trên thì vỏ cà phê là một nguồn nguyên liệu dồi dào để khai thác. Bã của vỏ cà phê thải ra sau khi trồng nấm có thể đem phơi khô làm nhiên liệu hoặc ủ trộn với men vi sinh, vôi và một số chất dinh dưỡng khác để làm giá thể trồng rau sạch, hoa, cây cảnh... đạt hiệu quả cao. “Chính vì vậy, việc sử dụng vỏ cà phê làm giá thể trồng nấm bào ngư xám là một mô hình sản xuất mới đem lại giá trị kinh tế cao mà chúng tôi mong muốn có thể nhân rộng để giúp người dân làm giàu bền vững” - Thạc sĩ Huyền Sâm chia sẻ.
 
Sản phẩm nấm bào ngư xám được sản xuất theo quy trình trên có nhiều ưu thế hơn so với những sản phẩm nấm hiện bán trên thị trường, bởi hàm lượng chất dinh dưỡng cao, sản phẩm sạch, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Trên thực tế, đã có một vài nơi áp dụng mô hình này nhưng vẫn chưa được phổ biến bởi nhiều nguyên nhân. Một trong những vấn đề mà người trồng nấm gặp phải là hàm lượng độ ẩm của cà phê cao, dễ dẫn đến tình trạng tạp nhiễm, nấm mốc. Để giải quyết vấn đề này, nhóm giảng viên và sinh viên Trường CĐSP Đà Lạt đã mất hơn 5 tháng nghiên cứu, thử nghiệm, tìm ra cách giảm độ ẩm của vỏ cà phê và đưa ra quy trình sản xuất chuẩn để cho ra lứa nấm đầu tiên đạt chất lượng.
 
Chú ý bảo vệ môi trường 
 
Tại Hội thi Ý tưởng và Mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ II năm 2019, Đề tài “Sản xuất nấm bào ngư xám trên giá thể vỏ cà phê” được Ban giám khảo đánh giá cao về khía cạnh chú ý đến yếu tố bảo vệ môi trường. Năm 2018, cô Huyền Sâm cùng cộng sự của mình cũng đoạt giải khuyến khích của Hội thi với ý tưởng “Dầu gội túi lọc từ lá dâu tằm” - một dự án cũng hướng đến bảo vệ môi trường khi tận dụng nguồn lá dâu tằm già bị bỏ đi trong quá trình trồng dâu nuôi tằm của người dân; đồng thời, hạn chế sử dụng các sản phẩm hóa học cho cơ thể con người. Theo Thạc sĩ Huyền Sâm, việc tham gia các cuộc thi là cơ hội để cô cùng các thành viên trong dự án cọ xát, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, từ đó áp dụng kiến thức chuyên môn để hoàn thiện thêm các sản phẩm hướng đến môi trường. 
 
Phụ trách phần marketing, khảo sát thị trường và bán hàng trong dự án, Tô Thị Anh Thư - sinh viên năm 3 Khoa Mầm non, chia sẻ: “Việc bảo vệ môi trường và tìm lại các sản phẩm tự nhiên thay cho hóa chất đang là xu thế mới trong cuộc sống hiện nay, đặc biệt là trong giới trẻ. Chính vì vậy, em mong đề tài này sẽ thành công, phát triển hơn nữa để có thể áp dụng vào cuộc sống”. Với Anh Thư, việc trực tiếp tham gia vào dự án giúp cô vừa vận dụng được các kiến thức và kỹ năng sẵn có, vừa lấy được kinh nghiệm cho bản thân và học hỏi các dự án khác.
 
Cùng tham gia vào Dự án “Sản xuất nấm bào ngư xám trên giá thể vỏ cà phê”, thầy Lê Xuân Sơn - Bí thư Đoàn Trường CĐSP Đà Lạt cho biết: Thực tế, có rất nhiều sinh viên có những ý tưởng rất hay, sáng tạo. Tuy nhiên, tâm lí rụt rè, e ngại vẫn là rào cản khiến các em không mạnh dạn tham gia. Chính vì vậy, việc các giảng viên cùng đồng hành với sinh viên trong các dự án sẽ là động lực để khuyến khích sinh viên tự tin, mạnh dạn thể hiện khả năng của mình.
 
VIỆT QUỲNH