Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng chưa khi nào cậu học trò Nguyễn Đức Mạnh - lớp 8A15 Trường THCS Nguyễn Du (Đà Lạt) thôi niềm say mê tìm tòi, nghiên cứu khoa học...
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng chưa khi nào cậu học trò Nguyễn Đức Mạnh - lớp 8A15 Trường THCS Nguyễn Du (Đà Lạt) thôi niềm say mê tìm tòi, nghiên cứu khoa học. Em vừa đoạt giải ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng năm học 2019 - 2020.
|
Cậu học trò Nguyễn Đức Mạnh với đề tài đoạt giải ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng năm học 2019 - 2020. Ảnh: T.Hương |
Khi tên Nguyễn Đức Mạnh được xướng lên sân khấu nhận giải tại Lễ bế mạc Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng lần thứ XII, năm học 2019 - 2020, ngoài nụ cười của Mạnh thì sự rạng rỡ hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của bố em - anh Nguyễn Đức Hùng: “Vậy là mọi công sức của thầy trò, cha con nay đã mang lại kết quả”, anh xúc động chia sẻ.
Mạnh là con út trong một gia đình có hoàn cảnh khá đặc biệt: mẹ em mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn là lao động chính với đồng lương giáo viên tiểu học, bởi bố em vốn là thợ sắt nhưng phải nghỉ việc để đưa đón hai chị em Mạnh đi học và thay mẹ quán xuyến việc nhà bởi sức khỏe mẹ yếu. Cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng cậu học trò Đức Mạnh chưa khi nào thôi niềm say mê nghiên cứu khoa học. Bố Mạnh cho hay, Mạnh yêu thích khoa học từ nhỏ, em có thể ngồi hàng giờ để xem chương trình về khoa học. Lên cấp hai, Mạnh lại có thêm sở thích khám phá trên máy tính để thỏa niềm say mê tìm hiểu khoa học.
Là giáo viên hướng dẫn Mạnh thực hiện đề tài tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật, thầy Phạm Bá Lộc - Giáo viên Tin học Trường THCS Nguyễn Du tự hào khi nói về cậu học trò của mình: “Mạnh là một học sinh kiên cường biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn để theo đuổi niềm đam mê khoa học của mình. Năm học 2018 - 2019, mình hướng dẫn nhóm 7 học sinh để tham dự Cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc. 6 bạn kia lần lượt bỏ cuộc, riêng Mạnh vẫn kiên trì dù gia đình đã phải vay mượn để em thực hiện đề tài, kết quả em đã đoạt giải khuyến khích. Và năm nay, em mạnh dạn tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học. Mặc dù khó khăn hơn khi phải đầu tư cho đề tài, nhưng Mạnh vẫn quyết tâm để thực hiện và may mắn là em rất được gia đình ủng hộ, nhà trường cũng hỗ trợ thêm”.
Khi thực hiện đề tài “Ứng dụng thị giác máy tính trong quản lý và vận hành bãi giữ xe tự động”, Mạnh đã phải dành nhiều thời gian để tự tìm tòi trên mạng cũng như cùng thầy giáo hướng dẫn nghĩ ra thiết kế phù hợp. Có hôm phải đến 2 - 3 giờ sáng hai thầy trò mới nghỉ, và người luôn sẵn sàng đợi chở Mạnh về không ai khác chính là người bố của em. “Em thật sự sung sướng khi được thỏa niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Khi tìm tòi, nghiên cứu, em thấy khó khăn nào mình cũng có thể vượt qua. Và bên cạnh em luôn có sự ủng hộ của gia đình, sự hỗ trợ của nhà trường”, Mạnh tâm sự.
Đề tài của Mạnh được đánh giá cao bởi tính mới và có sự ứng dụng vào thực tế. “Do mật độ dân số và nền kinh tế phát triển nên các phương tiện giao thông ngày càng gia tăng, dẫn đến nhu cầu cần bãi trông giữ cũng ngày càng tăng. Làm việc trong môi trường bãi giữ xe sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người trông giữ bởi hàm lượng khói thải lớn. Vì vậy, giải pháp bãi giữ xe tự động nhằm tự động hóa các công đoạn mà người trông giữ xe phải thực hiện. Điều này vừa tiết giảm công lao động và sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc ứng dụng thị giác máy tính vào việc vận hành và quản lý bãi giữ xe gần đây khá phổ biến, thu hút sự quan tâm của các công ty công nghệ, các nhà kỹ thuật và người dân. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được tự động hóa hoàn toàn, vẫn cần người giám sát, và người gửi cũng rất mất thời gian để tìm xe trong bãi đậu, chưa đáp ứng được độ an toàn và hoạt động chưa hiệu quả. Do vậy, đề tài “Ứng dụng thị giác máy tính trong quản lý và vận hành bãi giữ xe tự động” có điểm mới là thiết kế đặt chỗ đậu xe tự động trên ứng dụng điện thoại, sử dụng thị giác máy tính với hai bước xác thực là nhận diện biển số và mã QR code. Đề tài đã thiết kế được ứng dụng đặt xe trên điện thoại thông minh, giao diện ứng dụng trực quan, dễ sử dụng. Từ đó, sử dụng được thị giác máy tính trong nhận diện biển số và cấp mã QR khi xe vào và ra bãi đậu. Mô hình thử nghiệm vận hành chính xác, tự động, không cần người giám sát, điều khiển, đảm bảo an toàn tuyệt đối với hai bước xác thực nhận diện biển số và mã QR code”, Mạnh say sưa thuyết trình dự án với tất cả niềm đam mê khoa học và đã thuyết phục được Ban giám khảo khi đoạt giải ba trong lần đầu tiên tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh.
TUẤN HƯƠNG