Được Hội đồng Giám khảo Quốc tế đánh giá cao về tính mới, sáng tạo và có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, đề tài nghiên cứu khoa học của hai nữ học sinh tại Trường THPT Đơn Dương (huyện Đơn Dương)...
Được Hội đồng Giám khảo Quốc tế đánh giá cao về tính mới, sáng tạo và có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, đề tài nghiên cứu khoa học của hai nữ học sinh tại Trường THPT Đơn Dương (huyện Đơn Dương) vinh dự nhận Huy chương Vàng trong Cuộc thi Triển lãm Quốc tế (IEYI) dành cho nhà sáng tạo trẻ tại Indonesia diễn ra vào tháng 10/2019 vừa qua.
|
Hai em Lê Nguyễn Hoàng Ngân (bên phải) và Phan Lê Thảo Phương xuất sắc nhận Huy chương Vàng tại Cuộc thi Triển lãm Quốc tế tại Indonesia. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Chiết xuất từ kén tằm dư
Dùng chiết xuất từ kén tằm thải để bảo quản trái dâu tây - những nguyên liệu gắn liền với đời sống thực tiễn được nhóm học sinh Lê Nguyễn Hoàng Ngân và Phan Lê Thảo Phương nghiên cứu sản xuất màng sinh học để bảo quản trái dâu tây. Chính vì vậy, đề tài nghiên cứu “Sản xuất màng sinh học từ phế phẩm tơ tằm chiếu xạ để bảo quản trái dâu tây” xuất sắc giành Huy chương Vàng trong Cuộc thi Triển lãm Quốc tế tại Indonesia.
Chia sẻ về ý tưởng hình thành sản phẩm, em Phan Lê Thảo Phương (hiện là học sinh lớp 12a2) tâm sự: “Xuất phát từ thực tiễn, ngành nuôi tằm và trồng dâu tây đang ngày càng phát triển ở tỉnh mình. Tuy nhiên, nhận thấy người ta chỉ dùng kén thải để dệt thảm, làm bông mềm nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Bên cạnh đó, để bảo quản trái dâu tây sau khi thu hoạch người dân thường sử dụng hóa chất để bảo quản, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nên tụi em quyết định nghiên cứu ra đề tài này”.
Để nghiên cứu được đề tài này, nhóm học sinh đã sản xuất màng sinh học (Fibroin) theo quy trình. Bắt đầu từ việc hòa tan tơ kén tằm thải làm nguyên liệu tạo màng sinh học trên cơ sở sử dụng phương pháp chiếu xạ Gamma thay thế phương pháp xử lý bằng hóa chất nồng độ cao và quy trình bảo quản trái dâu tây bằng màng Fibroin đã được nghiên cứu thiết lập trước đó. Từ kết quả ban đầu cho thấy, trái dâu tây sau 7 ngày bảo quản ở nhiệt độ 18-25 độ C và nhiệt độ 6 - 8 độ C so với trái dâu không bảo quản bằng màng Fibroin và sản phẩm không sử dụng các tác nhân hóa chất thì cho thấy cách bảo quản này thân thiện với môi trường.
Ấp ủ đề tài gần 3 năm, Ngân và Phương mới dám tự tin đề xuất lên nhà trường để tiến hành nghiên cứu và tham gia dự thi. Lê Nguyễn Hoàng Ngân (hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Tôn Đức Thắng) kể, để thực hiện được đề tài này, nhóm phải đầu tư khá nhiều thời gian và công sức. Những kiến thức trong nhà trường không đủ để có thể nghiên cứu thực hiện hoàn thành đề tài nên các em phải đọc rất nhiều sách, đặc biệt là cần đọc nhiều sách nước ngoài để tìm kiếm xem có những đề tài nào tương tự và cách thức họ làm giống mình không. Bên cạnh đó, xuyên suốt đề tài các em luôn được sự hướng dẫn tận tình của giáo viên.
“Những ngày đầu thực hiện đề tài rất gian nan, việc cân bằng giữa việc học và nghiên cứu đều phải có kế hoạch cụ thể. Nhằm bám sát thực tế của đề tài nhiều lần tụi em cùng nhau đến các huyện như Lâm Hà, Đức Trọng và Đà Lạt tìm tòi và rút kinh nghiệm cho “đứa con tinh thần” của mình” - Ngân nói.
Quá trình nghiên cứu thật chẳng dễ dàng, khi ở vùng huyện, thiết bị, máy móc và môi trường tiếp xúc đều rất khó có thể hoàn thành, nhiều lần thất bại và nhiều lần thiếu sót. “Cứ mỗi tuần hai tụi em lại bắt xe buýt lên thành phố 3 đến 4 lần để vào Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt. Hay những lần phải “chạy đôn chạy đáo” đi xét nghiệm, kiểm tra mẫu rồi nhiều lần thất bại trong thử nghiệm... Thế nhưng, khi nghĩ tới lợi ích của đề tài đang nghiên cứu, các bạn lại tự an ủi nhau và quyết tâm thực hiện cho đến cùng” - Phương giãi bày.
Tạo sân chơi bổ ích
Thầy Trần Quang Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đơn Dương cho biết: “Nhằm hưởng ứng Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng do cấp trên phát động, hằng năm Trường THPT Đơn Dương vẫn tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể học sinh và nhận được sự tham gia tích cực của các em. Trong đó đề tài “Nghiên cứu sản xuất màng sinh học từ phế phẩm tơ tằm chiếu xạ để bảo quản trái dâu tây” vinh dự được giám khảo quốc tế đánh giá cao về sáng tạo, cách thức và tính ứng dụng thực tiễn tốt”.
Với đề tài của hai em Phương và Ngân đã từng đoạt rất nhiều giải thưởng như: Giải ba cấp tỉnh Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật lần thứ X do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, được Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Lâm Đồng trao giải đặc biệt, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam trao giải nhất trong Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh và cấp toàn quốc và một số giải thưởng khác.
Trong đó, tham gia Triển lãm quốc tế dành cho nhà sáng tạo trẻ là một trong những cuộc thi được tổ chức thường niên dành cho giới trẻ nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong thanh, thiếu niên và tăng cường nhận thức về sở hữu trí tuệ.
Ông Thái Văn Long - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm Đồng cho biết: Mỗi năm Liên hiệp hội đều tổ chức cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho thanh thiếu niên một lần và khi đề tài được giải nhất toàn quốc sẽ tham gia các cuộc thi quốc tế. Đối với Lâm Đồng, qua quá trình 15 năm tổ chức, nhiều nhóm học sinh đã có nhiều đề tài nghiên cứu được đánh giá cao và đạt giải thưởng. Đặc biệt, đã có 2 lần giành huy chương quốc tế là năm 2011 đạt Huy chương Đồng tại Thái Lan và năm 2019 được Huy chương Vàng tại Indonesia. Và năm 2020, đề tài “Bộ thí nghiệm quan sát hình ảnh của sóng âm” của nhóm học sinh lớp 11 của Trường chuyên Thăng Long sẽ tham dự Cuộc thi sáng tạo Quốc tế tại Nga”.
THÂN THU HIỀN