Tháng 2 năm 1950, Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam họp tại căn cứ địa Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 hàng năm làm Ngày truyền thống của học sinh, sinh viên Việt Nam...
Tháng 2 năm 1950, Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam họp tại căn cứ địa Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 hàng năm làm Ngày truyền thống của học sinh, sinh viên Việt Nam. 70 năm đã đi qua, truyền thống yêu nước, bất khuất trước cường quyền và bạo lực, tinh thần yêu nước, dấn thân của các thế hệ sinh viên Việt Nam vẫn cháy mãi.
|
Bác Hồ với học sinh, sinh viên. Ảnh tư liệu |
Miền Nam, đặc biệt là Thành phố Sài Gòn những năm cuối thập kỷ 40 của thế kỷ XX là nơi chủ nghĩa thực dân Pháp ngày càng áp đặt những giá trị ngoại lai xa lạ với văn hóa của người Việt. Đặc biệt, từ khi người Mỹ chính thức can thiệp vào tình hình Việt Nam đã thổi bùng lên phong trào phản kháng của tầng lớp sinh viên, học sinh và các tầng lớp nhân dân khi ấy. Phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh, sinh viên chống chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ để đảm bảo an ninh cho học sinh, đòi được học bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình - tiếng Việt. Rất nhiều các cuộc biểu tình, bãi khóa lúc đầu diễn ra ở Sài Gòn và sau đó lan ra toàn quốc. Điều đặc biệt thú vị là trước phong trào đấu tranh sôi nổi của sinh viên, ở Sài Gòn, rất đông đồng bào các giới đã tích cực hưởng ứng và ủng hộ sinh viên, học sinh.
Đỉnh điểm của các cuộc biểu tình phản kháng chính là cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ của hàng nghìn học sinh, sinh viên các Trường Pétrus Ký, Gia Long, Nguyễn Văn Khuê, Huỳnh Khương Ninh, Trường Đại học Y Dược, Pháp Lý, các trường chuyên nghiệp vô tuyến điện, công chính, kỹ thuật, khoa học cùng hàng ngàn người dân Sài Gòn diễn ra trước dinh thủ hiến bù nhìn. Trong cuộc biểu tình này, Trần Văn Ơn, một học sinh Trường Pétrus Ký đã bị chính quyền Pháp nổ súng bắn chết. Đám tang người học sinh yêu nước sau đó đã trở thành cuộc biểu tình thị uy rầm rộ của hàng vạn người trên các đường phố Sài Gòn. Rất nhiều các trí thức tên tuổi đã tham gia đoàn biểu tình trong đám tang Trần Văn Ơn như Lưu Văn Lang, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Hữu Thọ... Tại Nghĩa trang Chợ Lớn, nhiều điếu văn được đọc để tưởng niệm Trần Văn Ơn. Một bài điếu văn trong buổi lễ tang có câu: “Ai chết vinh buồn chăng?/Ai sống nhục thẹn chăng?”. Điếu văn của đại biểu học sinh, sinh viên có đoạn: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngày 9 tháng 1, ngày mà anh Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã vui lòng đem xương máu, sinh mạng của mình đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm. Tinh thần bạn Trần Văn Ơn bất diệt!”. Đám tang Trần Văn Ơn được coi là đã trở thành một “cuộc biểu dương lực lượng của đồng bào yêu nước Sài Gòn - Chợ Lớn”, chống lại chính quyền thực dân Pháp.
|
Phong trào “Sinh viên 5 tốt” nhằm xây dựng một thế hệ sinh viên phát triển toàn diện. Ảnh: Việt Quỳnh |
Tiếp nối truyền thống hào hùng và sự hy sinh oanh liệt ấy, trong những năm tháng sau này của đất nước, biết bao thế hệ học sinh, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường ra chiến trận, tiến lên phía trước.
Tất nhiên, khát vọng của học sinh, sinh viên ở mỗi giai đoạn khác nhau của lịch sử là khác nhau. Các thế hệ đi trước đã làm tròn trọng trách của mình với đất nước và dân tộc và họ đã trao truyền sứ mệnh cao cả ấy cho những thế hệ sinh viên, học sinh hôm nay. Khát vọng của lớp học sinh, sinh viên hôm nay là khát vọng vươn tới những đỉnh cao trí thức của nhân loại, là khát vọng được lắng nghe và cống hiến. 70 năm đã trôi qua, lớp sinh viên, học sinh hôm nay vẫn sẽ mãi xứng đáng là đội ngũ kế thừa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
VŨ TRUNG KIÊN