Hoàng Thị Bình và Nguyễn Văn Ngọc không chỉ là vợ chồng mà hợp duyên rất nhiều "cùng": sinh tháng 3 năm 1984, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Nhật Bản năm 2016, cán bộ-giảng dạy Trường Đại học Đà Lạt từ 2006 đến nay...
Hoàng Thị Bình và Nguyễn Văn Ngọc không chỉ là vợ chồng mà hợp duyên rất nhiều “cùng”: sinh tháng 3 năm 1984, bảo vệ luận án tiến sĩ (TS) tại Nhật Bản năm 2016, cán bộ-giảng dạy Trường Đại học (ĐH) Đà Lạt từ 2006 đến nay... Nhiều người trong và ngoài nước biết đến đôi uyên ương này bởi ở họ, niềm đam mê mãnh liệt của tuổi trẻ về nghiên cứu khoa học, đạt nhiều công trình về lĩnh vực Sinh học; và ở họ, luôn cháy lên ngọn lửa của tự đào tạo, của ấm áp nhân ái để trao truyền cho sinh viên (SV).
|
Niềm vui Ngày lễ Tình nhân của đôi bạn Ngọc - Bình khi đi thực địa. |
Năng động và đam mê một sức trẻ
Hoàng Thị Bình quê xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; còn Nguyễn Văn Ngọc quê xã Nga Hải, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cùng lớp Sinh học khóa 26, Trường ĐH Đà Lạt, Ngọc lớp trưởng, Bình lớp phó. Năm 2006, được giữ lại trường, Bình giảng dạy, Ngọc cán bộ Đoàn. Bình tốt nghiệp loại giỏi, tuyển thẳng học thạc sĩ với đề tài liên quan màu nhuộm tự nhiên của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng. Sau tốt nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đặt hàng cô triển khai, nhân rộng, ứng dụng vào làng nghề và xuất bản sách các loài thực vật cho các màu nhuộm tự nhiên ở Lâm Đồng...
Nguyễn Văn Ngọc được biết ở uy tín của một cán bộ Đoàn. Năm thứ 3, Ngọc được “đặc cách” làm Bí thư Đoàn Thanh niên khoa. Năm 2005, tham gia Chiến dịch “Mùa hè xanh” của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, Nguyễn Văn Ngọc là một trong 5 SV được kết nạp Đảng tại hiện trường Đạ Huoai trước chứng kiến của đại diện lãnh đạo các ban, ngành tỉnh Lâm Đồng. (Trường hợp Hoàng Thị Bình, cũng đặc biệt, cô được kết nạp Đảng tại tỉnh Fukuoka, Nhật Bản khi còn nghiên cứu sinh). Từ năm 2008 trở đi, Nguyễn Văn Ngọc được lựa chọn giữ nhiều cương vị ở Trường ĐH Đà Lạt: Chủ tịch Hội SV, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ SV, Bí thư Đoàn trường, Phó Trưởng phòng Công tác Chính trị SV... Hoạt động xã hội thành công nhưng không lơ là chuyên môn, Nguyễn Văn Ngọc tốt nghiệp thạc sĩ lĩnh vực cây thực phẩm Lâm Đồng và đặt mục tiêu nâng cao trình độ tại nước ngoài.
Duyên tình với họ Dẻ
Tự trang bị đủ vốn tiếng Anh, năm 2014, Ngọc tìm đến Trường ĐH Kyushu, Nhật Bản thi vào nghiên cứu sinh (NCS). Lần đầu, một mình khăn gói xuất ngoại thi đầu vào và đã bảo vệ thành công trước hội đồng khoa học người Nhật và Hoa Kỳ. Anh quyết định theo đuổi thực vật họ dẻ, còn gọi là sồi (Quercus), cây gỗ lớn, thực vật chiếm ưu thế trong rừng nhiệt đới từ thành phần loài, không gian, số lượng cá thể đến vai trò hiệu suất sinh thái rất cao, tầm ảnh hưởng lớn trong môi trường sinh thái và cả ứng dụng trong cuộc sống.
“Quan điểm của em là chồng đi trước vợ đi sau, chứ vợ đi trước, chồng đi sau sẽ là nguy hiểm”, Bình dí dỏm chia sẻ thật lòng về giữ gìn hạnh phúc gia đình. Sáu tháng sau, Hoàng Thị Bình xin được học bổng sang Nhật Bản NCS và... “giữ chồng”. Thắm duyên lại càng duyên. Họ bên nhau, làm NCS tại Trường ĐH Kyushu - một trong 7 trường ĐH hoàng gia của Nhật Bản; cùng đề tài đánh giá đa dạng sinh học khu vực Đông Nam Á do giáo sư (GS) danh tiếng hướng dẫn là Tetsukazu Yahara. Đôi uyên ương Ngọc - Bình vừa khảo sát thực địa ở Việt Nam - Đông Nam Á, vừa làm thực nghiệm tại phòng nghiên cứu ở Nhật Bản. Quy định mỗi NCS phải 3 năm học tại trường, 2 bài báo khoa học đăng tạp chí chuyên ngành quốc tế và các chứng chỉ. Không muốn ở lại một mình, Hoàng Thị Bình quyết cán đích sớm hơn. Tuy nhiên, GS hướng dẫn cho biết, chưa có tiền lệ, muốn bảo vệ trước phải công bố từ 3 đến 4 bài. Cô nỗ lực và hoàn thành, làm cơ sở để GS Tetsukazu Yahara bảo vệ trước hội đồng khoa học. Đề tài nghiên cứu bằng phương pháp hình thái kết hợp phân tử hiện đại về chi Sồi ở Việt Nam của Hoàng Thị Bình đã bảo vệ thành công cùng thời điểm với chồng một cách xuất sắc...
Về Việt Nam, vợ chồng Ngọc - Bình cùng các nhà khoa học Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc... tiếp tục nghiên cứu và xây dựng Dự án “Đánh giá đa dạng sinh học và xây dựng hệ thống bảo tồn ở khu vực miền núi phía Nam của Việt Nam”, trong đó đặc biệt là Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ngoài giảng dạy, vợ và chồng cũng được Quỹ Khoa học Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) phê duyệt 2 dự án cấp nhà nước, thực hiện từ 2019-2022. TS Nguyễn Văn Ngọc và TS Hoàng Thị Bình đã công bố nhiều loài Dẻ - Sồi mới ở Việt Nam cho thế giới; trong đó có Dẻ Đạ Huoai (Lithocarpusdahuoaiensis) Ngọc phát hiện sau đúng 10 năm tham gia Chiến dịch “Mùa hè xanh” quay lại...
|
TS Ngọc và TS Bình cùng các nhà khoa học các nước nhận giải thưởng |
Trao truyền lửa yêu khoa học và nhân ái
Nhiều câu chuyện cảm động về hỗ trợ học tập, nghiên cứu cho SV Trường ĐH Đà Lạt, học sinh THPT tỉnh Lâm Đồng của TS Bình và TS Ngọc. Đó là SV Sinh học Nguyễn Thị Minh Phương và Nguyễn Thị Anh Thư, được nhận học bổng toàn phần của Nhật Bản để tu nghiệp tại Trường ĐH Tohoku và Trường ĐH Kyushu. Nguyễn Thị Minh Phương, người Đà Lạt, vốn sức khỏe rất éo le, bảo vệ luận văn tốt nghiệp do thầy Ngọc hướng dẫn đạt á khoa rồi tiếp tục học cao học, đạt thủ khoa đầu vào năm 2019. Cô giáo Bình qua Nhật nhưng cố gắng để các SV được tiếp quản phòng thí nghiệm của mình để nghiên cứu và tạo sản phẩm bán thu nhập. Trong số SV này, Lê Minh Tâm, cũng ở Đà Lạt, không may mất cả bố và mẹ do tai nạn giao thông. Minh Tâm được giao điều hành phòng thí nghiệm thông qua 3 năm cô hướng dẫn qua internet. Ra trường, Minh Tâm làm tại một cơ quan khoa học ở Đà Lạt, nhưng hoàn cảnh khó khăn, cô Bình tiếp tục động viên, giúp đỡ 100% kinh phí của cá nhân để cậu học cao học, đạt á khoa đầu vào. TS Bình nói: “Em sẽ định hướng cho bạn ấy làm đề tài tốt nghiệp về các hợp chất tự nhiên để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thân thiện với môi trường và sức khỏe của con người”. Phòng thí nghiệm đến nay vẫn duy trì để các cựu SV và SV tham gia như mô hình tại Nhật Bản. Vợ chồng Ngọc-Bình tích cực làm cầu nối kéo các nhà khoa học quốc tế đến Trường nghiên cứu, tạo điều kiện cho SV nâng cao vốn tiếng Anh. Nhiều “quả ngọt” giải thưởng của SV Sinh học chưng cất từ đây...
Thành tựu nối thành tựu
Ưu thế của TS Ngọc - Bình là được học hỏi các nhà khoa học giỏi, thực nghiệm bằng phương pháp công nghệ phân tử hiện đại, từ điều tra, xử lý tư liệu đến công bố bài báo khoa học... TS Nguyễn Văn Ngọc là thành viên Hiệp hội Khoa học Sồi - Dẻ thế giới, một trong 2 nhà khoa học Việt Nam thuộc Nhóm chuyên gia cây toàn cầu IUCN/SSC (GTSG), tổ chức thành viên của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN). Từ năm 2015 đến nay, tham gia dự án nghiên cứu các loài thực vật các nước khu vực Đông Nam Á, TS Ngọc được mời dự những hội thảo khoa học quốc tế tại nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Lào, Trung Quốc, Việt Nam... Mỗi lần lên diễn đàn, TS Nguyễn Văn Ngọc say sưa và tự hào công bố: thế giới có 9 chi Dẻ, Việt Nam có 6 chi; chi Dẻ đá (Lithocarpus) thế giới có khoảng hơn 1.000 loài, Việt Nam khoảng gần 300 loài... Tôi đã từng nghe GS Tetsukazu Yahara giới thiệu về TS Nguyễn Văn Ngọc với sự tin tưởng lớn khi giao cho anh đại diện nhóm nghiên cứu Nhật - Việt báo cáo kết quả. Dĩ nhiên, để có được những thành tựu, TS Nguyễn Văn Ngọc và TS Hoàng Thị Bình phải vượt rất nhiều gian khổ, từ thực địa đến thực nghiệm. Để phát hiện một loài mới, đôi khi có thể phải đổi cả tính mạng.
Với Trường ĐH Đà Lạt, năm 2018, toàn trường công bố được 24 bài báo khoa học quốc tế, vợ chồng TS Ngọc - Bình có 7 bài. Từ 2016 đến nay, là tác giả hoặc đồng tác giả với các nhà khoa học nước ngoài, vợ chồng công bố 13 bài. Thương hiệu Trường ĐH Đà Lạt hơn một lần được khẳng định. Đôi vợ chồng TS này còn xây dựng được tại Trường phòng lưu trữ tiêu bản được số hóa, hơn 11.000 tiêu bản thực vật thu được tại 17 tỉnh, thành phố Việt Nam, từ Lào Cai đến Đắk Nông. Trong đó, Dẻ-Sồi khoảng 1.000 tiêu bản, đủ cả 6/6 chi; tỉnh Lâm Đồng có Dẻ đá, Dẻ gai, Sồi vòng, Sồi 3 cạnh... Mong muốn của vợ chồng TS Ngọc - Bình là thực hiện bảo tàng thực vật online, lưu trữ, tra cứu, đánh giá, phân loại toàn diện về hình thái phân tử, để tư vấn những chính sách chiến lược bảo tồn cụ thể và hữu hiệu. Tính vượt trội của phương pháp là vừa công bố trên tạp chí khoa học thế giới về loài thực vật; vừa chia sẻ dữ liệu và lưu giữ, bảo quản cả tiêu bản gốc tại Việt Nam; đánh giá da dạng không chỉ bằng chứng hình thái mà kết hợp cả phân tử, đánh giá mức độ di truyền.
Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, TS Lê Minh Chiến nói với tôi: “Vợ chồng TS Ngọc - Bình là các nhà khoa học trẻ của trường; có năng lực nghiên cứu tốt, được đào tạo bài bản, có trách nhiệm cũng như khả năng hợp tác quốc tế hiệu quả cao”. Người thầy và đồng nghiệp nhiều lương duyên của Ngọc và Bình là TS Lương Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh, Trường ĐH Đà Lạt nhận xét: “Ở hai bạn ấy có những phẩm chất rất đáng quý, đó là sự nghiêm túc, tính trung thực trong khoa học và đó là lòng đam mê với nghiên cứu”.
Bút ký: MINH ĐẠO